Trong đó có những rắc rối liên quan đến việc chọn nhà đầu tư chiến lược, với tỷ lệ cổ phần tối đa có thể sở hữu lên tới 70%.
Theo quyết định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vốn điều lệ sau cổ phần hóa của Vigecam dự kiến là 220 tỷ đồng.
Ngành nghề và các hoạt động kinh doanh chính của Vigecam èo uột. Trong đó, Tổng công ty chỉ đạt thị phần rất nhỏ trong hơn 3 triệu tấn phân bón được tiêu thụ nội địa hàng năm. Đối với hoạt động xuất khẩu chè, thị phần của Vigecam cũng rất nhỏ với sản lượng tiêu thụ vỏn vẹn khoảng 600 tấn trên tổng sản lượng 120.000 tấn chè xuất khẩu hàng năm của Việt Nam. Các hoạt động kinh doanh khác như đường, gạo và nông sản cũng không ổn định, chịu sự cạnh tranh khốc liệt.
Bởi vậy, nếu xem xét kết quả kinh doanh của Vigecam thì doanh nghiệp không có gì nổi trội. Cụ thể, doanh thu 3 năm (2012-2014) của Vigecam lần lượt đạt 126 tỷ đồng, 87 tỷ đồng và 109 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt 10 tỷ đồng; 432 triệu đồng và 2,1 tỷ đồng. ROE tương ứng là 5,5; 0,23 và 1,14 lần.
Tuy nhiên, Vigecam lại đang có quyền sử dụng quỹ đất lớn, nhiều vị trí vàng tại Hà Nội và các thành phố khác. Cụ thể, Tổng công ty đang quản lý và sử dụng tổng diện tích 114.793,94 m2 đất thuê của Nhà nước, bao gồm 6 lô đất tại Hà Nội, Hải Phòng và TP. HCM. Trước hết phải kể đến thửa đất tại số 120 Quán Thánh, Ba Đình, Hà Nội với diện tích 276 m2 và thửa đất tại số 164 Trần Quang Khải, Hoàn Kiếm, Hà Nội (có diện tích 536 m2).
Năm 2014, vụ đấu giá đất vàng 120 Quán Thánh và 164 Trần Quang Khải bất thành do những ồn ào xung quanh quy trình thực hiện không minh bạch. Hiện doanh nghiệp đang thực hiện thuê đất và trả tiền thuê hàng năm.
Thửa đất tại số 16 Ngô Tất Tố, phường Văn Miếu, quận Đống Đa, Hà Nội (diện tích đất 1.585,4 m2). Đặc biệt là khu đất có diện tích lên tới 23.042 m2 mà Tổng công ty đã có quyết định giao đất tại phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Hà Nội để thực hiện khu vui chơi giải trí.
Chưa hết, Vigecam còn có quyền sử dụng thửa đất tại số 166-168-170 Hải Thượng Lãn Ông, quận 5, TP. HCM (diện tích 554,94 m2) và thửa đất tại xã Kiền Bái, huyện Thủy Nguyên, TP. Hải Phòng (diện tích 88.880 m2). Đó là chưa kể các cơ sở nhà đất thuộc quyền khai thác của các công ty con và công ty liên kết của Vigecam.
Đáng lưu ý là phương án cổ phần hóa Vigecam cực kỳ hấp dẫn khi cho phép bán cổ phần chi phối cho nhà đầu tư chiến lược. Cụ thể, số lượng cổ phần bán ra bên ngoài lên tới 98,93% vốn điều lệ của Tổng công ty; trong đó, bán cho nhà đầu tư chiến lược là 70%, bán đấu giá công khai 28,93%, còn lại bán cho người lao động. Giả định phương án trên được phê duyệt, nhà đầu tư chiến lược của Vigecam sẽ có toàn quyền chi phối hoạt động của doanh nghiệp sau khi Vigecam chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, đồng nghĩa với quyền quyết định số phận các khu đất vàng nói trên.
Đây chính là lý do khiến cuộc đua trở thành nhà đầu tư chiến lược của Vigecam trở nên gay cấn và diễn ra quyết liệt ở “hậu trường”. Ngày 5/10/2015, Vigecam đã công bố thư mời tham gia đối tác chiến lược với yêu cầu hồ sơ tham gia của các nhà đầu tư phải gửi trước 16 giờ ngày 9/10/2015. Theo nguồn tin của ĐTCK, sau đó, một trong số các nhà đầu tư tham gia cuộc đua trên đã có đơn khiếu nại đến các cơ quan chức năng và tố cáo những nhà đầu tư còn lại không đủ điều kiện trở thành cổ đông chiến lược của Vigecam.
Tại cuộc họp của Ban chỉ đạo cổ phần hóa thẩm định phương án cổ phần hóa Công ty mẹ-Tổng công ty Vật tư nông nghiệp, câu chuyện này đã được đem ra mổ xẻ. Ngày 24/11/2015, Ban chỉ đạo cổ phần hóa Vigecam đã ra Thông báo số 9604/TB-BNN-QLDN yêu cầu Vigecam thực hiện tiếp việc mời bổ sung nhà đầu tư chiến lược tham gia, trong đó nhấn mạnh đến việc một nhà đầu tư có thể nắm giữ tối đa 70% cổ phần và có thể tổ chức đấu giá chọn nhà đầu tư.
Ngày 1/12/2015, Vigecam công bố thư mời bổ sung tham gia đối tác chiến lược với yêu cầu nộp hồ sơ nhậm nhất vào ngày 4/12/2015. Từ đó cho đến nay, tên tuổi của những nhà đầu tư đủ điều kiện tham gia cuộc đua trở thành đối tác chiến lược của Vigecam chưa được công bố, cũng như phương án cổ phần hóa Vigecam theo lời một lãnh đạo của Tổng công ty này “sẽ được hoàn tất trong tháng 12” trong cuộc trao đổi với ĐTCK vào đầu tháng 11/2015, vẫn chưa được phê duyệt.
Giới quan sát đặt ra câu hỏi rằng, tại sao cổ phần hóa Vigecam lại diễn ra “kín tiếng” đến vậy, trong khi với quỹ đất “vàng” quy mô như trên, nếu Nhà nước thực hiện công bố thông tin rộng rãi để nhiều nhà đầu tư có thể tham gia đấu giá công khai, số tiền thu được có thể tới hàng nghìn tỷ đồng?
(Còn tiếp)