Chậm chẩn trị “điểm đen” ùn tắc giao thông cảng Cát Lái

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - TP.HCM đã lên kế hoạch đầu tư nhiều dự án giao thông lớn nhằm giải quyết căn cơ tình trạng ùn tắc đường vào cảng Cát Lái, cảng container quốc tế lớn nhất Việt Nam, đầu mối trọng điểm trong hệ thống cảng biển khu vực Đông Nam Bộ. Tuy nhiên, tiến độ đầu tư rất chậm do thiếu nguồn vốn, mặt bằng. Hệ thống hạ tầng giao thông khu vực cảng này vẫn phải chịu áp lực rất lớn.
Lưu lượng xe container lưu thông trên các tuyến đường ra vào cảng Cát Lái rất lớn dẫn tới tình trạng ùn tắc nghiêm trọng. Ảnh: Lê Tiên
Lưu lượng xe container lưu thông trên các tuyến đường ra vào cảng Cát Lái rất lớn dẫn tới tình trạng ùn tắc nghiêm trọng. Ảnh: Lê Tiên

Cảng Cát Lái (TP. Thủ Đức, TP.HCM) thu hút khoảng 66,3 triệu tấn hàng/năm, chiếm khoảng 40% sản lượng hàng container qua cảng biển cả nước. Lưu lượng xe container lưu thông trên các tuyến đường ra vào cảng Cát Lái rất lớn dẫn tới tình trạng ùn tắc nghiêm trọng, trở thành điểm nóng từ nhiều năm qua. Những tuyến đường chính ra, vào cảng Cát Lái như xa lộ Hà Nội, Mai Chí Thọ, Đồng Văn Cống, Nguyễn Thị Định, Vành đai 2... thường xuyên trong cảnh dòng xe container, xe tải lưu thông dày đặc, ùn ứ.

TP.HCM đã thực hiện nhiều giải pháp công trình và phi công trình để giải tỏa nạn kẹt xe cho khu vực cảng này. Đơn cử như ứng dụng công nghệ thông tin vào điều tiết giao thông, giải quyết thủ tục giao nhận hàng, thanh toán qua mạng; đầu tư hàng ngàn tỷ đồng nâng cấp xa lộ Hà Nội, nút vòng xoay Cát Lái, Vành đai 2… và gần đây nhất là Dự án nút giao thông Mỹ Thuỷ.

Theo Sở Giao thông vận tải TP.HCM, tình trạng ùn tắc giao thông khu vực cảng Cát Lái chưa thể giải quyết triệt để bởi hạ tầng giao thông khu cảng Cát Lái vẫn chưa được đầu tư đồng bộ, không có đường chuyên dùng. Các loại xe lưu thông ra, vào cảng đều đi qua hướng duy nhất là đường Nguyễn Thị Định. Việc hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ theo đúng quy hoạch và lưu lượng xe gấp 2 lần năng lực của tuyến đường này đã tạo ra áp lực rất lớn. Mặc dù nút giao thông Mỹ Thủy (giai đoạn 1) được khai thác giúp cải thiện lưu lượng giao thông, tuy nhiên, tình trạng ùn ứ vẫn chưa thể giải quyết căn cơ, thường xuyên xảy ra ở những điểm thắt nút như cầu vượt Cát Lái, nút giao thông An Phú - Lương Định Của, cầu Mỹ Thủy...

TP.HCM xác định nhóm dự án công trình giao thông giải quyết tình trạng ùn tắc quanh khu vực cảng Cát Lái là nhóm trọng điểm được ưu tiên hàng đầu. Nhóm dự án này được Thành phố phân kỳ chuẩn bị đầu tư đến năm 2025. Giải pháp căn cơ là đẩy nhanh tiến độ đầu tư khép kín tuyến Vành đai 2 với 2 đoạn còn lại gồm: đoạn từ cầu Phú Hữu - ngã tư Bình Thái (xa lộ Hà Nội) - đường Phạm Văn Đồng - cầu Gò Dưa và đoạn phía Tây từ khu vực Tân Tạo - đường Nguyễn Văn Linh.

Trong đó, đoạn cầu Phú Hữu - ngã tư Bình Thái - đường Phạm Văn Đồng - cầu Gò Dưa được chia thành 3 phân đoạn: phân đoạn đường Phạm Văn Đồng - cầu Gò Dưa dài 2,7 km, vốn đầu tư 2.700 tỷ đồng theo loại hợp đồng BT, nhưng đang ngừng thi công vì vướng mặt bằng và quỹ đất thanh toán cho nhà đầu tư. Phân đoạn cầu Phú Hữu - ngã tư Bình Thái (dài 3,5 km, vốn đầu tư 6.400 tỷ đồng) và ngã tư Bình Thái - đường Phạm Văn Đồng (dài 2,8 km, vốn đầu tư giai đoạn đầu 8.400 tỷ đồng) đang được lập thủ tục chuẩn bị đầu tư theo hình thức đầu tư công trong giai đoạn 2021 - 2025.

Theo ông Phan Công Bằng, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM, việc khép kín Vành đai 2 nhiều năm qua được chính quyền Thành phố rất quan tâm, song khó khăn lớn nhất là nguồn vốn. Việc đầu tư các phân đoạn này là thực sự cấp bách, nếu tiếp tục chậm triển khai sẽ phát sinh tăng vốn đầu tư do chi phí giải phóng mặt bằng.

Trong khi chờ khép tuyến Vành đai 2 để giảm sức “nóng” ùn ứ giao thông cảng Cát Lái, TP.HCM đang đầu tư mở rộng các tuyến đường xung quanh cảng này. Theo đó, Thành phố nâng cấp, mở rộng các tuyến đường hiện hữu như Nguyễn Thị Định, Nguyễn Duy Trinh (đoạn nút giao Vành đai 2 - đường Nguyễn Thị Tư; đoạn nút giao Vành đai 2 - Nguyễn Thị Định), Lương Định Của, Đồng Văn Cống. Đặc biệt, UBND Thành phố dự kiến mở tuyến đường liên cảng bám theo bờ sông Sài Gòn nối cảng Cát Lái - cảng SP ITC - đường Nguyễn Thị Tư. Tuy nhiên, việc mở tuyến đường liên cảng vẫn chỉ là dự định, trong khi tiến độ nâng cấp các tuyến đường hiện hữu quanh cảng Cát Lái rất chậm,.

Đơn cử như Dự án Mở rộng đường Đồng Văn Cống (đoạn từ cầu Giồng Ông Tố đến nút giao thông Mỹ Thủy) dài 2,8 km với vốn đầu tư khoảng 42 tỷ đồng dự kiến hoàn thành cuối năm 2020, nhưng chưa thể “cán đích” sau nhiều lần gia hạn. Việc chậm trễ mở rộng tuyến đường này khiến cầu Mỹ Thủy 3 hoàn thành từ giữa năm 2021 song chưa thể khai thác vì thiếu kết nối.

Theo chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển, để giải quyết căn cơ ùn tắc giao thông khu vực cảng Cát Lái, trong bối cảnh nguồn lực giới hạn, TP.HCM cần nhanh chóng ưu tiên đầu tư có trọng tâm các dự án như khép kín Vành đai 2, nút giao An Phú, đường liên cảng và cầu Cát Lái. Việc đầu tư có trọng tâm các dự án này sẽ tạo giá trị gia tăng rất lớn, giúp tăng nguồn thu cho ngân sách TP.HCM để tái đầu tư các khu vực khác. Vừa qua, Thành phố đầu tư cho khu vực này chưa xứng tầm, còn manh mún, phân tán nguồn lực nên cảng Cát Lái chưa vụt lên thành “ngôi sao” tương xứng với tiềm năng để dẫn dắt phát triển kinh tế TP.HCM.

Chuyên đề