Đăng ký thông tin trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia là điều kiện để nhà thầu, nhà đầu tư có tư cách hợp lệ. Ảnh: Lê Tiên |
Phải đăng ký thông tin nhà thầu, nhà đầu tư
Khoản 1 Điều 5 Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 quy định một trong những điều kiện mà nhà thầu, nhà đầu tư phải đáp ứng để có “tư cách hợp lệ” là “đã đăng ký trên HTMĐTQG”.
Lộ trình đăng ký thông tin nhà thầu trên HTMĐTQG được hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 07/2015/TTLT-BKHĐT-BTC ngày 8/9/2015 quy định chi tiết việc cung cấp, đăng tải thông tin về đấu thầu và lựa chọn nhà thầu qua mạng (TT07). Theo quy định tại Khoản 1 Điều 37 TT07, bắt đầu từ ngày 1/7/2016, trước thời điểm đóng thầu 2 ngày làm việc, nhà thầu, nhà đầu tư chưa có xác nhận đăng ký thông tin trên HTMĐTQG không được tham dự thầu đối với các gói thầu, dự án có hình thức lựa chọn nhà thầu là đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế, chỉ định thầu, chào hàng cạnh tranh, mua sắm trực tiếp, tự thực hiện và lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt.
Theo thông tin trên HTMĐTQG, tính đến thời điểm cuối ngày 7/6/2016, đã có 14.473 nhà thầu đăng ký thành công trên Hệ thống. Trong đó, tại TP. Hà Nội có 5.506 nhà thầu, TP.HCM có 2.649 nhà thầu, TP. Hải Phòng là 253 nhà thầu, TP. Đà Nẵng là 474 nhà thầu, TP. Cần Thơ là 132 nhà thầu…
Thống kê trên HTMĐTQG cũng cho thấy, có nhiều địa phương, số lượng nhà thầu “biết và thực hiện đăng ký nhà thầu” theo Luật còn khá hạn chế. Đơn cử như An Giang (chỉ có 37 nhà thầu đăng ký); Bắc Kạn (27 nhà thầu); Bình Phước (22 nhà thầu); Cao Bằng (34 nhà thầu); Đắk Nông (18 nhà thầu); Hòa Bình (26 nhà thầu); Sóc Trăng (19 nhà thầu)…
Vì sao còn rất nhiều nhà thầu, nhà đầu tư chưa đăng ký thông tin?
Theo Tổ chức vận hành HTMĐTQG, một số đơn vị như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, một số tổng công ty, tập đoàn, UBND tỉnh Thái Bình… đã có văn bản đốc thúc việc thực hiện triển khai lộ trình áp dụng đăng ký thông tin và đấu thầu qua mạng.
Song, trong các văn bản này, việc đốc thúc chủ yếu chỉ dừng lại ở việc đặt ra kế hoạch, mục tiêu cho chủ đầu tư, bên mời thầu (đối tượng trực thuộc các đơn vị này) phải tổ chức đấu thầu qua mạng theo lộ trình được quy định trong TT07. Còn thông tin tới đối tượng nhà thầu, nhà đầu tư khá sơ sài và dường như vẫn “bỏ ngỏ”.
Đánh giá về sự chênh lệch khá lớn giữa số nhà thầu đăng ký của các địa phương, đại diện Tổ chức vận hành HTMĐTQG thông tin, có thể do khả năng tiếp cận thông tin của các nhà thầu, nhà đầu tư ở các địa phương vùng sâu, vùng xa còn hạn chế nên dẫn đến việc đăng ký nhà thầu chưa phản ánh đúng số lượng nhà thầu trên mỗi địa bàn. Trong quá trình đăng ký nhà thầu, các nhà thầu phải gửi hồ sơ đăng ký qua đường bưu điện. Đối với những nhà thầu ở các địa phương vùng sâu, vùng xa, thời gian xử lý hồ sơ đăng ký lại phụ thuộc nhiều vào thời gian chuyển phát bưu điện.
Nếu chiếu theo quy định của TT07, Tổ chức vận hành HTMĐTQG xử lý hồ sơ đăng ký trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ đăng ký. Trong thời gian này, Tổ chức vận hành HTMĐTQG kiểm tra, đối chiếu tính chính xác của đơn đăng ký nhà thầu, nhà đầu tư trên hệ thống và hồ sơ đăng ký bằng văn bản do nhà thầu, nhà đầu tư gửi đến. “Trường hợp hồ sơ hợp lệ, nhà thầu, nhà đầu tư được đăng ký tham gia HTMĐTQG. Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, Tổ chức vận hành HTMĐTQG có trách nhiệm thông báo lý do trên hệ thống và hướng dẫn nhà thầu, nhà đầu tư bổ sung, sửa đổi hồ sơ, bản đăng ký cho phù hợp” – đại diện Tổ chức vận hành HTMĐTQG cho biết.