Căng thẳng chi ngân sách

(BĐT) - Theo Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2015 được trình bày tại Quốc hội sáng nay, trong số 26 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015 đã được Quốc hội thông qua, có 10 chỉ tiêu không đạt kế hoạch.
Chi đầu tư phát triển so với tổng chi ngân sách giảm từ 28% giai đoạn 2006 - 2010 xuống 23,7% trong 5 năm qua. Ảnh: Tất Tiên
Chi đầu tư phát triển so với tổng chi ngân sách giảm từ 28% giai đoạn 2006 - 2010 xuống 23,7% trong 5 năm qua. Ảnh: Tất Tiên

10/26 chỉ tiêu không đạt kế hoạch

Đánh giá tổng quát về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế trong 5 năm vừa qua, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Nguyễn Thế Phương khẳng định: “Đã cơ bản bảo đảm được các cân đối lớn của nền kinh tế. Cụ thể, tốc độ tăng giá tiêu dùng giảm mạnh từ mức tăng 18,13% năm 2011 xuống còn 0,6% năm 2015. Mặt bằng lãi suất năm 2015 chỉ bằng 40% so với đầu nhiệm kỳ; tỷ giá, thị trường ngoại tệ ổn định; cán cân thanh toán quốc tế thặng dư cao; dự trữ ngoại hối tăng, đạt mức cao nhất từ trước đến nay”.

“Nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước (NSNN) hàng năm cơ bản đạt và vượt dự toán; cơ cấu thu chuyển biến tích cực, thu nội địa chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong tổng thu ngân sách từ mức 59% giai đoạn 2006-2010 lên 68% trong giai đoạn vừa qua, đặc biệt, năm 2015, thu nội địa đã chiếm 74,4% tổng thu ngân sách”, ông Phương cho biết.

Cũng theo ông Phương, nhờ thu tăng mạnh nên chi NSNN giai đoạn vừa qua đã bằng 2,17 lần giai đoạn trước. Trong đó, chi đầu tư phát triển bằng khoảng 1,7 lần; chi trả nợ và viện trợ bằng 1,83 lần. Tuy nhiên, chi thường xuyên vẫn chiếm tỷ trọng cao trong tổng chi và có xu hướng tăng lên, từ mức chiếm 55,2% tổng chi trong giai đoạn 2006-2010 lên 65% trong giai đoạn vừa qua. Tình trạng này làm chi cho đầu tư phát triển giảm mạnh từ mức 30,6% tổng chi giai đoạn 2001-2005 xuống 28% giai đoạn 2006-2010 và chỉ còn chiếm 23,7% trong 5 năm vừa qua.

Tổng vốn đầu tư từ NSNN cho đầu tư phát triển giảm, nhưng ông Phương cho biết, tổng vốn đầu tư toàn xã hội 5 năm vừa qua tiếp tục tăng mạnh, gấp 1,8 lần giai đoạn 5 năm trước nhờ vốn đầu tư của khu vực tư nhân, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và vốn ODA. 

“Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định nhưng chưa vững chắc; tăng trưởng GDP chưa đạt mục tiêu đặt ra (bình quân chỉ tăng 5,9%, thấp hơn giai đoạn trước và không đạt mục tiêu đặt ra là tăng trưởng 6,5%-7%); thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng còn chậm và chưa đồng bộ…”, là những hạn chế được ông Phương chỉ ra trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm vừa qua. 

Chi ngân sách như “con ngựa bất kham”

Giải thích về việc chi thường xuyên giai đoạn vừa qua tăng quá cao, tăng nhanh hơn tốc độ tăng thu khiến bội chi như “con ngựa bất kham”, Bộ trưởng Bộ Tài chính, ông Đinh Tiến Dũng cho biết, bội chi tăng là do phải dành nguồn để bảo đảm an sinh xã hội, chi cho con người.

Để giải quyết bài toán chi thường xuyên trong giai đoạn tới, theo ông Dũng cần phải đẩy mạnh khai thác nguồn thu trong nước vì thu từ hoạt động xuất - nhập khẩu sẽ giảm mạnh cùng tiến trình thực hiện các hiệp định thương mại tự do và giá dầu chưa có dấu hiệu tăng trở lại. Một khoản thu khổng lồ khác cũng đang được Bộ Tài chính tính đến đó là thu từ bán vốn nhà nước đầu tư tại DN. Theo ông Dũng, hiện vốn nhà nước đầu tư tại DN ước vào khoảng 1,3 triệu tỷ đồng, nhưng mới thoái được 5%, cần phải đẩy mạnh thoái vốn, thu cổ tức nhà nước đầu tư tại DN, lấy tiền xử lý các khoản buộc phải chi, không chi không được.

Cả giai đoạn 2011-2015 chỉ cổ phần hóa được 487 DN do thị trường chứng khoán…quá đuối. Chính vì vậy, đồng tình với việc đẩy mạnh thoái vốn, cổ phần hóa, nhưng Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, ông Phùng Quốc Hiển cho rằng, không nên vì quá thiếu nguồn, lo bội chi tăng mà lại “bán tống bán tháo” vốn nhà nước. 

Chuyên đề

Kết nối đầu tư