Số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng mạnh trong 6 tháng cuối năm. Ảnh: Lê Tiên |
Nhiều chỉ số xếp hạng về môi trường đầu tư kinh doanh tăng bậc
Trong bảng xếp hạng của Ngân hàng Thế giới (WB), chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam năm 2015 đã tăng 3 bậc, từ vị trí thứ 93 lên vị trí thứ 90/189 quốc gia; trong đó, tiếp cận điện năng tăng 22 bậc, tiếp cận tín dụng tăng 8 bậc, khởi sự kinh doanh tăng 6 bậc, nộp thuế tăng 4 bậc… Còn theo Diễn đàn Kinh tế thế giới, năng lực cạnh tranh của Việt Nam tăng 12 bậc, từ vị trí thứ 68 lên vị trí thứ 56. Ngân hàng ANZ cũng đánh giá, Việt Nam là 1 trong 3 nền kinh tế hứa hẹn nhất về tăng trưởng ở châu Á. Báo cáo của Tổng cục Thống kê thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho thấy, chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam đã tăng 19 bậc so với năm 2010.
Để đạt được kết quả đó, trước tiên phải kể đến những nỗ lực cải cách thể chế kinh tế của Chính phủ và toàn xã hội nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, năm 2015 cũng đánh dấu một số luật có vai trò quan trọng, thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp bắt đầu đi vào cuộc sống như Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp năm 2014. Với những đổi mới của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và số vốn đăng ký đã tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2014 với mức tăng lần lượt là 28,1% và 37,7%.
Cần ưu tiên chính sách thúc đẩy cạnh tranh
Với quyết tâm chính trị mạnh mẽ, Chính phủ đã có nhiều biện pháp quyết liệt nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân phát triển, tuy nhiên thực tế cho thấy, vẫn có nhiều hạn chế đòi hỏi phải được khắc phục trong thời gian tới. Luật Đầu tư năm 2014 không cho phép các bộ, ngành, địa phương áp đặt điều kiện kinh doanh, nhưng việc tuân thủ chưa được thực hiện nghiêm. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Luật Đầu tư năm 2014 yêu cầu chỉ quy định các điều kiện kinh doanh vì các lý do quốc phòng và an ninh quốc gia, trật tự xã hội và sức khỏe cộng đồng, nhưng nhiều điều kiện kinh doanh trên thực tế tại các bộ, ngành, địa phương lại không đáp ứng yêu cầu này và tạo ra rào cản gia nhập thị trường, bóp nghẹt cạnh tranh và sáng tạo trong nền kinh tế.
Để cởi bỏ những rào cản, thuận lợi hóa hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, nhiều tổ chức quốc tế, các nhà tài trợ cũng như hiệp hội doanh nghiệp trong và ngoài nước đều cho rằng, tự do kinh doanh là điều kiện thiết yếu cho tăng trưởng và thịnh vượng, do đó cần cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh. Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp mới chỉ là những bước đi quan trọng hướng tới tự do kinh doanh lớn hơn, nhưng điều quan trọng hơn là cần phải thực hiện đầy đủ các quy định của Luật. Các điều kiện kinh doanh không cần thiết và không hợp lý cần phải được loại bỏ để tạo điều kiện cho đầu tư, cạnh tranh và sáng tạo.
Các chuyên gia kinh tế cũng khuyến nghị, phải xem việc ưu tiên chính sách cạnh tranh, bởi cạnh tranh là điều kiện thiết yếu cho nền kinh tế thị trường sinh sôi, phát triển. Do đó, xây dựng một chiến lược cạnh tranh toàn diện là điều cần thiết để Việt Nam có một nền kinh tế lành mạnh và có khả năng chống chọi với những rủi ro.
Với việc kết thúc đàm phán và ký kết hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA), nhất là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và FTA giữa Việt Nam với Liên minh châu Âu (EVFTA), nhiều chuyên gia, tổ chức trong và ngoài nước đều nhận định, giữa cơ hội và thách thức mang lại từ hội nhập, cơ hội thuận lợi vẫn là chủ yếu. Trong thách thức có cơ hội, và thách thức hội nhập chính là sức ép để Việt Nam cải cách mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, đổi mới thể chế kinh tế thị trường theo hướng cạnh tranh lành mạnh và công bằng, từ đó tạo nhiều dư địa cho doanh nghiệp và đất nước phát triển.