Chỉ số cạnh tranh hạ tầng giao thông tăng mạnh

(BĐT) - Tại phiên họp trực tuyến “Chính phủ với các địa phương” ngày 29/12, người đứng đầu Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho hay, theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế thế giới, chỉ số cạnh tranh về hạ tầng giao thông của Việt Nam tăng 9 bậc. 
Chỉ số cạnh tranh về hạ tầng giao thông đã tăng 36 bậc trong 5 năm gần đây. Ảnh Internet
Chỉ số cạnh tranh về hạ tầng giao thông đã tăng 36 bậc trong 5 năm gần đây. Ảnh Internet

Đặc biệt, trong 5 năm gần đây, chỉ số cạnh tranh về hạ tầng giao thông đã tăng 36 bậc, góp phần nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của quốc gia.

Khởi công, khánh thành nhiều trong năm 2015

Thông tin về kết quả đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông năm 2015, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cho biết, Bộ đã phối hợp với địa phương khởi công và khánh thành 167 dự án, trong đó hoàn thành đưa vào khai thác 132 dự án và khởi công mới 35 dự án.

Có 2 dự án đặc biệt quan trọng là Dự án Nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 1A và Đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên. Bên cạnh đó, rất nhiều tuyến đường cao tốc, đường quốc lộ, các cây cầu lớn được đưa vào khai thác phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Các tuyến đường giao thông nông thôn và hàng trăm cầu treo dân sinh cũng được hoàn thành, phục vụ nhu cầu thiết yếu của bà con các vùng còn khó khăn.

 “Trong mỗi dự án, công tác giải phóng mặt bằng luôn là nhân tố hết sức quan trọng, quyết định việc hoàn thành các dự án. Trong 2 dự án điển hình vừa qua là Nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 1A và Đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên, lãnh đạo các địa phương, từ Bí thư Tỉnh uỷ cho đến Chủ tịch UBND tỉnh đều trực tiếp xuống hiện trường để chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng, và đây chính là yếu tố quyết định đến việc thi công nhanh, giúp 2 Dự án hoàn thành trước kế hoạch”, Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định.

Phải có chỉ định tiết kiệm bao nhiêu %

Điểm danh các dự án cao tốc cần hoàn thành trong giai đoạn 2016 - 2020, Bộ trưởng Bộ GTVT cho hay, kế hoạch đến năm 2020 là hoàn thành được 2.000 km đường cao tốc, theo nỗ lực phấn đấu của Bộ là 2.500 km. Ngoài việc hoàn thành các dự án đang triển khai như cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Bến Lức - Long Thành…, sẽ tiếp tục triển khai tiếp đoạn Dầu Giây - Phan Thiết - Nha Trang, cao tốc Ninh Bình - Thanh Hóa - Vũng Áng, và các tuyến đường cao tốc khác, đặc biệt là tuyến Lai Châu nối với Nội Bài - Lào Cai, Hà Giang - Cao Bằng - Lạng Sơn.

Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng thông tin, nhiệm vụ thời gian tới đối với ngành đường sắt là tập trung vào việc hoàn thiện, nâng cấp để tăng tốc độ vận chuyển lên 70 km/h với chở khách và 60 km/h với chở hàng. Đồng thời, ngành sẽ triển khai xây dựng đường sắt cao tốc Hà Nội - Bắc Giang với tốc độ 160 - 200 km/h. Riêng ngành hàng không, các dự án sân bay cần mở rộng trong thời gian tới là Tân Sơn Nhất, Cam Ranh, Pleiku, Cát Bi và Đà Nẵng.

Thống kê của Bộ GTVT cho thấy, việc xã hội hóa các dự án giao thông chỉ giúp chủ động được 15% nguồn vốn, do đó Bộ GTVT cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ thêm về vốn.

Liên quan đến việc sử dụng vốn dư từ hai Dự án Nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 1A và Đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, danh mục các dự án được đầu tư từ nguồn vốn này đã được Quốc hội thông qua, nhưng hiện nay lại có văn bản yêu cầu phải làm lại thủ tục xin chủ trương đầu tư rồi lập dự án, sau đó mới triển khai. Nếu làm lại trình tự như vậy sẽ rất lâu, nên xin Chính phủ có chủ trương để sớm triển khai các dự án này. Về vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, danh mục các dự án đã thảo luận, thống nhất và đưa ra nguyên tắc rất kỹ càng, đã được Quốc hội thông qua thì thẩm định, phê duyệt theo đúng thẩm quyền rồi triển khai chứ không xin chủ trương nữa.

Thủ tướng cũng yêu cầu, việc thẩm định các dự án cần làm kỹ lưỡng và phải có chỉ định tiết kiệm bao nhiêu % tổng vốn đầu tư, thay vì đấu thầu giá rẻ nhưng thực hiện kéo dài, giảm chất lượng.         

Chuyên đề