Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng thành 2 tiểu vùng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Phạm vi, ranh giới lập Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng bao gồm 11 tỉnh, thành phố và được phân thành 2 tiểu vùng: phía Bắc sông Hồng và phía Nam sông Hồng.
Phạm vi, ranh giới lập quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng bao gồm 11 tỉnh, thành phố
Phạm vi, ranh giới lập quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng bao gồm 11 tỉnh, thành phố

Ngày 4/5/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành Quyết định số 368/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, phạm vi, ranh giới lập quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng bao gồm 11 tỉnh, thành phố và được phân thành 2 tiểu vùng: phía Bắc sông Hồng và phía Nam sông Hồng.

Cụ thể, tiểu vùng phía Bắc gồm: TP. Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh và Vĩnh Phúc; tiểu vùng phía Nam gồm 4 tỉnh: Thái Bình, Nam Định, Hà Nam và Ninh Bình.

Về phương hướng phát triển hệ thống đô thị, Quy hoạch nêu rõ, lấy định hướng phát triển giao thông công cộng (theo mô hình phát triển đô thị gắn với định hướng giao thông - TOD) làm cơ sở quy hoạch đô thị. Định hướng quy hoạch di dời ra khỏi nội đô các cơ sở sản xuất, một số đơn vị sự nghiệp, các cơ sở nghiên cứu lớn… để giảm tải áp lực hạ tầng.

Đồng thời, xây dựng các thành phố trực thuộc TP. Hà Nội và các đô thị vệ tinh có hạ tầng đồng bộ, tiện ích và dịch vụ đô thị, giao thông kết nối thuận tiện với trung tâm, giảm tải cho khu vực nội đô và mở rộng không gian phát triển của TP. Hà Nội.

Về hạ tầng, Quy hoạch chú trọng việc đầu tư phát triển các tuyến đường sắt theo quy hoạch phát triển đường sắt quốc gia đối với các đoạn tuyến đi qua vùng. Từng bước đầu tư xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Xây dựng đường sắt vùng, đường sắt kết nối các khu kinh tế cửa khẩu với cảng biển cửa ngõ quốc tế khu vực Hải Phòng - Quảng Ninh, trong đó ưu tiên chuẩn bị và triển khai xây dựng mới các tuyến đường sắt tốc độ cao Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và Lạng Sơn - Hà Nội kết nối với Trung Quốc.

Nghiên cứu phát triển, thu hút đầu tư các tuyến đường sắt kết nối vùng, liên vùng phù hợp nhu cầu từng giai đoạn: đường sắt ven biển Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh (bao gồm cả đoạn Nam Hải Phòng - Hạ Long), Hạ Long - Móng Cái và hoàn thành các tuyến đường sắt khu đầu mối thành phố Hà Nội.

Ngoài ra, đẩy mạnh quy hoạch đường sắt đô thị tại Hà Nội và các địa phương trong vùng. Nghiên cứu đầu tư các tuyến đường sắt đô thị kết nối Hà Nội với Bắc Ninh, Hưng Yên, Hà Nam, Vĩnh Phúc nhằm tăng cường năng lực vận tải công cộng khối lượng lớn, gắn kết các đô thị liền kề, tạo không gian phát triển xây dựng đô thị, các khu chức năng (theo mô hình TOD).

Mục tiêu Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng đề ra là đến năm 2030, GRDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 11.000 - 12.000 USD/người; tầm nhìn đến năm 2050 trở thành vùng phát triển hiện đại, văn minh, sinh thái, thu nhập cao.

Tỷ trọng trong GRDP của khu vực dịch vụ đạt khoảng 41%; công nghiệp - xây dựng khoảng 47%; nông, lâm, thủy sản đạt khoảng 3,5% GRDP; thuế sản phẩm trừ trợ cấp chiếm khoảng 8,5% GRDP; kinh tế số đạt khoảng 35% GRDP.

Tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo chiếm 50% tổng số doanh nghiệp hoạt động; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội đạt trên 7%/năm. Tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 55%. Diện tích sàn nhà ở bình quân đầu người khu vực đô thị đạt khoảng 32 - 33 m2.

Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 48 - 52%. Tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị ở mức dưới 3%. 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới…

Chuyên đề