Cạnh tranh thu hút lao động trong AEC sẽ rất khốc liệt

(BĐT) - Tự do lưu chuyển lao động có tay nghề sẽ được thực hiện trong nội khối khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) ra đời.  Việt Nam sẽ được và mất gì khi sự lưu chuyển này diễn ra trên thực tế?
Cạnh tranh thu hút lao động trong AEC sẽ rất khốc liệt. Ảnh Internet
Cạnh tranh thu hút lao động trong AEC sẽ rất khốc liệt. Ảnh Internet

Cơ hội cho người giỏi, áp lực cho người dở

Từ ngày 31/12/2015 khi AEC chính thức đi vào hoạt động, 8 nhóm ngành nghề lao động trong các nước ASEAN sẽ được tự do di chuyển, bao gồm: kiến trúc sư, kỹ sư, kế toán, nha sĩ, bác sĩ, y tá, vận chuyển và chuyên viên ngành du lịch. Thông qua các thỏa thuận công nhận lẫn nhau (MRA), hay nói chính xác là công nhận tay nghề tương đương, việc di chuyển này sẽ dễ như... đi chợ.

Trong 8 nhóm ngành nghề nói trên, hiện Việt Nam đang quy tụ được một đội ngũ lao động khá đông, có chất lượng cao, phần lớn đang làm công tác quản lý ở những công ty nước ngoài. Nếu chính sách đãi ngộ ở các nước khác trong AEC tốt hơn, chắc chắn họ sẽ tìm cơ hội mới. Riêng với những người có trình độ chuyên môn, trình độ tay nghề thấp, cộng với tác phong làm việc không chuyên nghiệp, sẽ bị đe dọa bởi nguy cơ thất nghiệp tăng do người lao động ở nước ngoài tràn vào.

Theo ông Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm và Hỗ trợ doanh nghiệp thuộc Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM, những tác động của lao động di chuyển tới Việt Nam là điều không thể tránh khỏi. Vì vậy, để giữ chân người lao động trong nước và thu hút được người lao động nước ngoài, Nhà nước và doanh nghiệp cần phải có cơ chế tốt và cạnh tranh. Trong “môi trường phẳng” và không ngừng đào thải đó, ai mạnh người đó sẽ được.

Tuy nhiên, ở một phương diện khác không thể chối cãi là, so với các nước trong khối ASEAN, hiện năng suất lao động của Việt Nam chỉ cao hơn Lào và Campuchia. Trong khi đó, giá cả leo thang từng ngày, khiến tiền lương tăng nhanh hơn năng suất lao động. Điều này cũng đồng nghĩa, lợi thế lao động giá rẻ của Việt Nam trong khu vực đang ngày càng mờ nhạt. Rất có thể, Việt Nam sẽ đối đầu với nguy cơ trở thành nơi để tiêu thụ hàng hoá thay vì là nơi đầu tư phát triển sản xuất.

Phải đi xuyên qua khó khăn

Trong 10 nước tham gia AEC, Việt Nam có số lao động khá cao, chiếm tỷ trọng 15%, tức đứng thứ 3, sau Indonesia (40%) và Philippines (16%). Với 300 triệu người tham gia lực lượng lao động trên tổng dân số của AEC hơn 620 triệu người, trong đó riêng ba nước nói trên chiếm 71% lao động, là một con số khổng lồ. Khi số lao động này được tự do di chuyển trong thị trường chung, ngoài thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các nước thành viên, những quốc gia có nhiều ngành nghề thâm dụng lao động sẽ đối mặt với rất nhiều rủi ro, kể cả Việt Nam.

Một số liệu thống kê của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) công bố mới đây cho biết, đến năm 2025, số việc làm của Việt Nam sẽ tăng lên 14,5%. Các ngành có nhiều cơ hội gia tăng việc làm nhất là dệt may, sản xuất lúa gạo, chế biến lương thực, xây dựng, vận tải. Tuy nhiên, do cơ cấu kinh tế của Việt Nam chủ yếu là nông nghiệp, nên số lao động tham gia vào thị trường lao động chính thức chỉ khoảng 30%. Trong khi đó, khoảng 45% lao động trong lĩnh vực nông nghiệp hầu như chưa qua đào tạo. Chính chất lượng nguồn nhân lực còn thấp là một trong những nguyên nhân cản trở sự phát triển của nước ta.

 Theo ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cách tốt nhất để vượt qua khó khăn là đi xuyên qua nó. Đã đến lúc Việt Nam cần tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, song song đó nắm vững cơ cấu lao động để có sự điều chỉnh phù hợp. Đặc biệt, tổ chức tốt hơn nữa thị trường lao động và phải giảm ngay tỷ lệ thất nghiệp. Đó là những việc làm căn cơ nhất cần thực hiện ngay bởi cuộc chơi của AEC đã chính thức bắt đầu.

Tuy nhiên, theo ghi nhận từ thực tế của phóng viên Báo Đấu thầu, nhiều doanh nghiệp trong nước cho rằng, nguồn nhân lực ở Việt Nam từ trước đến nay luôn trong tình trạng thừa “thầy” thiếu “thợ”. Vì vậy, ngay từ đầu vào, tức là từ khâu giáo dục, đào tạo, nhất là đào tạo nghề, cần phải đổi mới căn bản, toàn diện và có hệ thống. Có như vậy, bài toán về lao động của một nước có quy mô dân số khá lớn như Việt Nam mới có lời giải thỏa đáng.

Bốn mục tiêu của AEC:

Thứ nhất: Một thị trường đơn nhất và cơ sở sản xuất chung, được xây dựng thông qua: tự do lưu chuyển hàng hóa; tự do lưu chuyển dịch vụ; tự do lưu chuyển chuyển đầu tư; tự do lưu chuyển vốn và tự do lưu chuyển lao động có tay nghề.

Thứ hai: Một khu vực kinh tế cạnh tranh, được xây dựng thông qua các khuôn khổ chính sách về cạnh tranh, bảo hộ người tiêu dùng, quyền sở hữu trí tuệ, phát triển kết cấu hạ tầng, thuế quan và thương mại điện tử.

Thứ ba: Phát triển kinh tế cân bằng, được thực hiện thông qua các kế hoạch phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) và thực hiện sáng kiến hội nhập nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển trong ASEAN.

Thứ tư: Hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu, được thực hiện thông qua việc tham vấn chặt chẽ trong đàm phán đối tác và trong tiến trình tham gia vào mạng lưới cung cấp toàn cầu (WTO).

Chuyên đề

Kết nối đầu tư