Cần thay đổi tư duy và cách chống dịch để đảm bảo sản xuất

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một doanh nghiệp (DN) điển hình chỉ có thể cầm cự thêm tối đa 6 tháng, trong đó thấp nhất là lĩnh vực nông lâm, thủy sản (trung bình 4,7 tháng), thông tin truyền thông (4,9 tháng) và xây dựng (5,3 tháng). Các khó khăn, vướng mắc cho DN trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 là vô cùng nhiều, vô cùng lớn.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Đây là kết quả khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về sức chịu đựng của DN Việt Nam trước tình trạng kéo dài của dịch bệnh, giãn cách xã hội được ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch VCCI báo cáo tại Hội nghị trực tuyến của Thủ tướng Chính phủ với cộng đồng DN và các địa phương về các giải pháp tiếp tục hỗ trợ DN trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn ra sáng 26/9.

Tổn thất lớn, có nguy cơ kéo dài

Theo ông Phạm Tấn Công, tính tới trước thềm Hội nghị, VCCI đã nhận được 357 trang báo cáo, kiến nghị đến từ 132 hiệp hội DN (bao gồm các hiệp hội trong nước, các hiệp hội các nhà đầu tư nước ngoài, các liên minh hợp tác xã) và DN cả nước. Trong đó, có 192 kiến nghị cụ thể.

Cộng đồng DN đang bị suy giảm mạnh về quy mô hoạt động và gia tăng mức độ ảnh hưởng tiêu cực đến toàn bộ các lĩnh vực, ngành nghề sản xuất, kinh doanh.

Chỉ trong 8 tháng đầu năm nay, đã có trên 85 nghìn DN, tức trên 10% số DN cả nước rút khỏi thị trường, trung bình mỗi tháng trên 10 nghìn DN, tăng hơn 24% so với cùng kỳ năm 2020. Đằng sau việc mỗi DN phải ngừng hoạt động là sự mất đi sinh kế, nguồn sống của người lao động và sự suy giảm của nền kinh tế.

Với ảnh hưởng của dịch bệnh, của giãn cách xã hội kéo dài, trong 4 tháng trở lại đây, tổng cầu nền kinh tế suy giảm, sản xuất, giao thương đình trệ, chuỗi cung ứng đứt gãy, lao động mất việc làm, chi phí sản xuất, kinh doanh tăng vọt… nhiều đơn hàng bị mất, nhiều lĩnh vực kinh tế hoạt động dưới 60% công suất. Tất cả các thành phần kinh tế, các ngành nghề đều bị ảnh hưởng tiêu cực, trong đó nghiêm trọng nhất là các lĩnh vực du lịch, chế biến thuỷ sản, giao thông vận tải.

Cụ thể, các DN chế biến và xuất khẩu thủy sản, hiện nay tại các tỉnh thành phía Nam chỉ có khoảng 30% số DN còn hoạt động nhờ đảm bảo được điều kiện “3 tại chỗ”, nhưng cũng vô cùng khó khăn vì chi phí tăng vọt và chỉ có thể huy động 30-50% số lao động, công suất giảm chỉ còn 40-50%;

Với các DN ngành gỗ, đã có trên 50% số DN tại khu vực Đông Nam Bộ dừng sản xuất và đang đối diện nguy cơ phá sản.

Ngành lữ hành, lưu trú và ăn uống chịu tác động vô cùng nghiêm trọng, kéo dài từ năm 2019 đến nay. Công suất phòng trung bình cả nước chỉ đạt 15%, nhiều nơi dưới 10%, nhiều cơ sở phải đóng cửa.

Theo phản ánh từ các hiệp hội DN của các ngành hàng liên quan đến xuất khẩu và sử dụng nhiều lao động, chỉ có từ 15-20% nhà máy sản xuất cầm chừng do theo được “3 tại chỗ”, còn lại đến 80 - 85% số nhà máy phải ngừng ngừng sản xuất.

Về lao động, theo khảo sát của VCCI, trung bình có 90,8% DN đã giảm quy mô lao động trong thời kỳ diễn ra dịch bệnh. Nói cách khác, cứ khoảng 10 DN thì có 9 DN phải chấp nhận cho người lao động thôi việc do hoạt động sản xuất kinh doanh kém khả quan trong thời gian dịch bệnh bùng phát. Tình trạng người lao động mất việc làm do ảnh hưởng từ dịch bệnh phổ biến nhất ở các tỉnh Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh duyên hải miền Trung. Lần lượt có 95%, 93% và 92% DN đang hoạt động ở các vùng này báo cáo phải cho người lao động thôi việc.

“Mỗi tháng qua đi là cả chục ngàn DN phải đóng cửa, rời khỏi thị trường, chuỗi sản xuất bị đứt gãy, tổn thất của cộng đồng DN là vô cùng lớn và có nguy cơ kéo dài”, ông Phạm Tấn Công đánh giá.

Chung tay kiểm soát dịch để mở cửa trở lại

Đợt bùng dịch thứ 4 tại Việt Nam diễn biến phức tạp, hiện đã ngấm sâu, lan rộng, nếu giãn cách xã hội mãi thì các DN sẽ sụp đổ. Tình hình đã thay đổi, do vậy cần có tư duy mới, quan điểm mới, chiến lược mới, cách làm mới về chống dịch.

Theo đại diện VCCI, cộng đồng DN thể hiện sự đồng tình, nhất trí cao với quan điểm của Thủ tướng Chính phủ là “phải sống chung lâu dài với dịch bệnh, không thể khống chế tuyệt đối, phải thích ứng và có cách làm phù hợp”. Quan điểm mới này dẫn đến cần thay đổi chiến lược ứng phó Covid-19, thay vì dồn toàn lực tập trung cho một mặt trận chính là phòng chống dịch bệnh, từ nay chúng ta cần tập trung cho cả mặt trận thứ 2 là duy trì, phát triển kinh tế. Cả 2 mặt trận đều quan trọng và tác động qua lại với nhau, phòng chống dịch tốt thì mới duy trì được sản xuất an toàn, duy trì được sản xuất tốt thì mới có lực để chiến thắng dịch bệnh.

Với cách tiếp cận này, VCCI đưa ra hai đề xuất với Chính phủ.

Thứ nhất là cần nhìn nhận DN là một chủ thể trong ứng phó Covid-19, từ đó tin tưởng giao quyền và trang bị, nâng cao năng lực y tế tại chỗ cho các DN. Như trong thời chiến, chúng ta đã trang bị và thành lập các đội dân quân, tự vệ, nâng cao năng lực chiến đấu của cả nước. Trong cuộc chiến lâu dài chống Covid-19, chúng ta cần công nhận và cho DN chủ động tự xét nghiệm, tự điều trị các ca F0 nhẹ tuỳ theo khả năng, điều kiện của DN, Nhà nước chỉ cần hỗ trợ, hướng dẫn và ban hành các quy định, chính sách phù hợp.

Thứ hai là mặt trận kinh tế vững chắc là nền tảng cho chiến thắng trên mặt trận y tế, do vậy cần có chủ trương kiên quyết bảo vệ, hỗ trợ duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh an toàn của DN trong điều kiện sống chung với dịch.

Đồng thuận với quan điểm “sống chung với virus một cách an toàn”, trước đó, trong công thư gửi Thủ tướng Chính phủ, các hiệp hội DN đầu tư nước ngoài (AmCham Việt Nam, Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN, EuroCham và KoCham) cũng cho rằng, cần tái mở cửa nền kinh tế một cách an toàn, tạo điều kiện cho nền kinh tế phục hồi và thiết lập trạng thái “bình thường mới”. Điều đó có nghĩa là sớm dừng áp dụng Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 và tránh áp dụng trở lại các biện pháp hạn chế tương tự trong tương lai. Khi tiến tới một trạng thái bình thường mới, ngoài việc tiêm chủng nhiều hơn, điều quan trọng là phải có sự phối hợp các chính sách trên toàn quốc và giữa các tỉnh, bao gồm vận chuyển, sẵn sàng các xét nghiệm nhanh và các chính sách để cô lập F0 nhanh chóng để đảm bảo an toàn cho người lao động và giảm thiểu tác động đến các hoạt động.

“DN cần có lộ trình rõ ràng và mốc thời gian cụ thể cho việc mở cửa trở lại ngay từ bây giờ. Các DN có kế hoạch đảm bảo an toàn phòng dịch rõ ràng và lịch sử thực hiện tốt quy trình sản xuất an toàn phòng dịch cần được trao quyền tự chủ lớn hơn đối với hoạt động sản xuất và việc đảm bảo an toàn cho người lao động và phải được mở cửa trở lại ngay khi họ sẵn sàng, với sự hậu kiểm của cơ quan chức năng...”, các hiệp hội DN đầu tư nước ngoài cho biết.

Chuyên đề