Kết quả khảo sát của VCCI cho thấy, các lĩnh vực về đăng ký thành lập doanh nghiệp và tiếp cận điện năng tiếp tục được doanh nghiệp đánh giá cao. Ảnh: Lê Tiên |
Nhận định này được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đưa ra tại Hội thảo công bố báo cáo đánh giá thực hiện Nghị quyết 02/NQ-CP năm 2019 và Nghị quyết 35/NQ-CP năm 2016 từ góc nhìn DN.
Có chuyển biến tích cực nhưng chưa đồng đều
Đại diện cho nhóm nghiên cứu, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế của VCCI cho biết, nhìn chung môi trường kinh doanh tại Việt Nam được cộng đồng DN đánh giá là đã có những cải thiện theo thời gian, dù đang có sự cải cách không đồng đều giữa các lĩnh vực. Một số lĩnh vực liên tục có sự chuyển biến tích cực cả về xây dựng chính sách lẫn thực thi, nhưng một số lĩnh vực khác lại chưa có những cải thiện đáng kể trong nhiều năm qua. “Nói cách khác, có cơ quan rất nỗ lực cải cách thực chất, nhưng cũng có những cơ quan thực hiện một cách đối phó, hình thức”, ông Đậu Anh Tuấn cho biết.
Khi so sánh tỷ lệ DN đánh giá có cải thiện giữa các năm từ 2017 đến 2019 thì thấy kết quả được đánh giá cao hơn rõ rệt. Tất cả 11 lĩnh vực của Nghị quyết 19 đều có sự cải thiện trong con mắt DN. Điểm trung bình đã tăng từ mức 51,7% của năm 2017 và 2018 lên mức 57,5% của năm 2019. Đây là kết quả chứng tỏ nhiều biện pháp cải cách của các ngành và lĩnh vực trong các năm trước đó đã được DN ghi nhận.
Kết quả khảo sát của VCCI cho thấy, các lĩnh vực về đăng ký thành lập DN và tiếp cận điện năng tiếp tục được các DN đánh giá cao. Ở lĩnh vực đăng ký kinh doanh, tỷ lệ DN đăng ký qua mạng, qua bưu điện hoặc qua trung tâm hành chính công tăng từ 12,5% lên 17,4%.
Ở lĩnh vực thuế, các thủ tục hành chính có sự cải thiện, dễ thực hiện hơn, nhất là thủ tục nộp thuế, tỷ lệ DN khai thuế điện tử với mức độ hài lòng lên đến 98,4%. Tuy nhiên, vẫn có tới 33% DN cho rằng cán bộ thuế suy diễn bất lợi cho DN và 30% DN cho biết tình trạng chi phí không chính thức trong lĩnh vực thanh, kiểm tra thuế.
Các lĩnh vực khác cũng có nhiều chuyển biến tích cực như tiếp cận tín dụng, tỷ lệ DN sẵn sàng khởi kiện tăng...
Trong khi đó, một tỷ lệ khá lớn DN vẫn phàn nàn về việc phải đi lại nhiều lần để nộp hồ sơ xin giấy phép xây dựng và giấy phép liên quan khác.
Cải cách đang có dấu hiệu chững lại
Theo nhóm nghiên cứu của VCCI, cải cách đang có dấu hiệu chững lại. Mặc dù tỷ lệ DN phải xin giấy phép kinh doanh có điều kiện giảm từ 58% xuống 48% và tỷ lệ DN gặp khó khăn khi xin giấy phép giảm từ 42% xuống 34%, nhưng hiện vẫn còn nhiều điều kiện đầu tư kinh doanh không hợp lý, không minh bạch, không khả thi.
“Cần thẳng thắn nhìn nhận rằng tỷ lệ 48% DN phải xin giấy phép kinh doanh là vẫn ở mức cao. Nếu nhân con số này với hơn 714.000 DN hiện nay, thì có đến gần 350.000 DN vẫn phải xin một loại giấy phép con nào đó”, ông Đậu Anh Tuấn nhấn mạnh.
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới , từ 2009 đến nay, Việt Nam có 33 cải cách được ghi nhận. Trong đó, hai năm có nhiều cải cách nhất là 2016 và 2018 với 5 cải cách/năm. Hai năm trở lại đây, số lượng cải cách được ghi nhận giảm xuống chỉ còn 3 cải cách/năm. Cải cách duy nhất của Việt Nam trong năm nay được Doing Business của Ngân hàng Thế giới ghi nhận là ở lĩnh vực nộp thuế và tiếp cận tín dụng. Cá biệt, lĩnh vuwjxc đăng ký tài sản (đăng ký đất đai và tài sản gắn liền với đất) không hề có một cải cách nào trong suốt 13 năm qua.
Theo tính toán của ông Đậu Anh Tuấn, nếu vẫn cứ tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng số DN 17,3% như giai đoạn 2015 - 2018 thì đến ngày 31/12/2019, cả nước sẽ có khoảng 984.000 DN. Do đó, Chính phủ cần có những biện pháp cải cách mạnh mẽ hơn rất nhiều, không chỉ về gia nhập thị trường, mà còn về hỗ trợ DN thì mới có thể đạt được mục tiêu 1 triệu DN.