Các dự án trọng điểm tại Ninh Thuận: Trễ tiến độ, đội vốn

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tính đến hết ngày 25/6/2022, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công toàn tỉnh Ninh Thuận đạt 31,6% kế hoạch năm, con số này thấp hơn rất nhiều so với tỷ lệ 50,8% của cùng kỳ năm trước. Kết quả giải ngân không đạt như kỳ vọng một mặt xuất phát từ vướng mắc của loạt dự án trọng điểm chiếm tỷ trọng vốn lớn, trong đó, có những dự án chuyển tiếp được thực hiện từ năm 2017 đến nay vẫn chưa thể cán đích sau nhiều lần được gia hạn.
Dự án Hồ chứa nước Sông Than có tổng mức đầu tư điều chỉnh 1.040,658 tỷ đồng, sử dụng vốn trái phiếu chính phủ và ngân sách trung ương. Ảnh: NC st
Dự án Hồ chứa nước Sông Than có tổng mức đầu tư điều chỉnh 1.040,658 tỷ đồng, sử dụng vốn trái phiếu chính phủ và ngân sách trung ương. Ảnh: NC st

Theo danh mục được phê duyệt, năm 2022, toàn tỉnh Ninh Thuận có 4 dự án trọng điểm. Trong đó, 2 dự án là dự án chuyển tiếp đang trong quá trình đẩy nhanh tiến độ, gồm: Hồ chứa nước Sông Than, Môi trường Bền vững các thành phố Duyên Hải - Tiểu dự án thành phố Phan Rang - Tháp Chàm; 2 dự án khởi công mới, gồm: Xây dựng Kênh chuyển nước Tân Giang - Sông Biêu; Đường nối từ thị trấn Tân Sơn, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận đi ngã tư Tà Năng, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Ninh Thuận, Dự án Hồ chứa nước Sông Than có tổng mức đầu tư điều chỉnh 1.040,658 tỷ đồng, sử dụng vốn trái phiếu chính phủ và ngân sách trung ương, được khởi động từ năm 2018 và dự kiến phải hoàn thành trước ngày 31/12/2022. Tuy nhiên trên thực tế, Dự án đang chậm 24 tháng so với tiến độ được duyệt ban đầu, hiện mới chỉ hoàn thành 60% tổng khối lượng, trong đó, các hạng mục quan trọng nhất như đập chính, đập phụ vẫn đang trong thời gian thi công. Theo đánh giá của Chủ đầu tư, nguyên nhân trễ tiến độ chủ yếu là do vướng mắc về công tác đền bù, giải phóng mặt bằng (GPMB), hoàn tất thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng và đất lâm nghiệp; năng lực thi công của một số nhà thầu còn hạn chế; trữ lượng, chất lượng các mỏ vật liệu đắp đập không đạt yêu cầu theo hồ sơ thiết kế, đặc biệt là phần đất đắp lõi, không chủ động được nguồn vật liệu thay thế, bổ sung.

Tính đến thời điểm hiện tại, nguồn vốn chuyển tiếp từ năm 2018 kéo dài sang năm 2022 mới giải ngân đạt 30,3% kế hoạch năm, trong khi thời gian còn lại không nhiều. Mặt khác, theo quy định, hạn cuối thực hiện và giải ngân số vốn ngân sách trung ương năm 2017, 2018 được phép kéo dài sang giai đoạn 2021 - 2025 là đến hết ngày 31/12/2022. Như vậy, Dự án đang đứng trước nguy cơ bị hủy kế hoạch sử dụng vốn kéo dài nếu không thể cán đích đúng hẹn.

Đối với Dự án Môi trường bền vững các thành phố Duyên Hải - Tiểu dự án TP. Phan Rang - Tháp Chàm (tổng mức đầu tư 1.933,8 tỷ đồng), do không thể hoàn thành trước năm 2022 theo như cam kết với nhà tài trợ - Ngân hàng Thế giới (WB), Dự án vừa được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận gia hạn thời gian thực hiện đến ngày 30/6/2024.

Năm 2022, Dự án được bố trí 849,213 tỷ đồng, mới giải ngân được 3,593 tỷ đồng, đạt 0,4% kế hoạch năm. Dự án chia thành 2 giai đoạn thực hiện, trong đó giai đoạn đầu gồm 28 gói thầu, đã hoàn thành 15 gói thầu, dự kiến hết năm 2022 sẽ hoàn thành toàn bộ khối lượng thuộc giai đoạn này. Đối với giai đoạn 2, Chủ đầu tư đang trong thời gian mời thầu 7/9 gói thầu xây lắp. Hai gói thầu còn lại là Gói PR-1.9 Hồ điều hòa trung tâm và Hồ Đông Hải và Gói PR-2.2 Đường Huỳnh Thúc Kháng sẽ triển khai sau khi công tác GPMB đạt 60%, dự kiến tổ chức đấu thầu trong tháng 7/2022.

Hiện tại, Dự án cần được bổ sung 366 tỷ đồng vốn đối ứng để chi trả đền bù, và các khoản thuế phát sinh do việc kéo dài thời gian thực hiện làm vượt kinh phí Dự án được duyệt. UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án nhằm đảm bảo đền bù và triển khai các hạng mục theo kế hoạch đã thống nhất với WB. Để có nguồn vốn kịp thời thực hiện GPMB theo yêu cầu WB, Tỉnh sẽ xem xét, tạm ứng 273 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh. Trên cơ sở tiến độ thực hiện và khả năng nguồn vốn, cuối tháng 6 vừa qua, Tỉnh đã thực hiện tạm ứng 100 tỷ đồng.

Đối với 2 dự án đầu tư mới, Dự án Xây dựng Kênh chuyển nước Tân Giang - Sông Biêu (tổng mức đầu tư hơn 517 tỷ đồng) đang trong giai đoạn thẩm tra báo cáo nghiên cứu khả thi để trình thẩm định, phê duyệt. Trong khi đó, Dự án Đường nối từ thị trấn Tân Sơn, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận đi ngã tư Tà Năng, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng (tổng mức đầu tư 1.494,746 tỷ đồng) đã thực hiện giải ngân 100,868 tỷ đồng, tương ứng 43,8% kế hoạch năm 2022.

Theo kiến nghị của Sở KH&ĐT, một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm thúc đẩy giải ngân là tập trung vào công tác bồi thường GPMB, đặc biệt tại các dự án trọng điểm. Cùng với đó, nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong chỉ đạo tổ chức thực hiện các dự án từ khâu chuẩn bị đầu tư, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm chất lượng, tiến độ.

Chuyên đề