Dự án Môi trường bền vững các thành phố duyên hải: Các tiểu dự án đồng loạt xin gia hạn

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Năm 2017, 4 thành phố duyên hải gồm Phan Rang - Tháp Chàm (Ninh Thuận), Nha Trang (Khánh Hòa), Quy Nhơn (Bình Định) và Đồng Hới (Quảng Bình) được Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ thực hiện Dự án Môi trường bền vững các thành phố duyên hải (CCSEP) với cam kết hoàn thành trước ngày 31/12/2022. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, trong đó có tác động từ dịch bệnh, chậm giải phóng mặt bằng, cả 4 tiểu dự án đang đứng trước nguy cơ không thể về đích đúng hạn như cam kết.
Mục tiêu của Dự án Môi trường bền vững các thành phố duyên hải là tăng cường tiếp cận các dịch vụ vệ sinh và cải thiện hiệu quả hoạt động của các đơn vị công ích. Ảnh minh họa: Nhã Chi
Mục tiêu của Dự án Môi trường bền vững các thành phố duyên hải là tăng cường tiếp cận các dịch vụ vệ sinh và cải thiện hiệu quả hoạt động của các đơn vị công ích. Ảnh minh họa: Nhã Chi

Tính đến thời điểm hiện tại, Tiểu dự án TP. Phan Rang - Tháp Chàm do Ban Xây dựng năng lực và thực hiện các dự án ODA ngành nước tỉnh Ninh Thuận giữ vai trò chủ đầu tư, trực tiếp mời thầu đã hoàn thành công tác đấu thầu các gói thầu thuộc giai đoạn 1 (chiếm 30% khối lượng) và hoàn thành 14 trong số 26 gói thầu của giai đoạn này. Giai đoạn 2 (chiếm 70% khối lượng) gồm 19 gói thầu dự kiến triển khai đấu thầu trong quý II/2022.

Tiểu dự án có tổng mức đầu tư 1.962,367 tỷ đồng (vốn vay WB 1.655,5 tỷ đồng; vốn đối ứng trong nước 278,3 tỷ đồng). Theo báo cáo của Chủ đầu tư, khó khăn lớn nhất ảnh hưởng tiến độ chung là công tác giải phóng mặt bằng. Theo đó, trong giai đoạn 1, số hộ dân bị ảnh hưởng là 268 hộ. Giai đoạn 2, số hộ bị ảnh hưởng lên đến hơn 740 hộ. Bên cạnh đó là tác động của dịch Covid-19, mưa bão làm gián đoạn quá trình thi công.

Tiểu dự án TP. Nha Trang có tổng mức đầu tư quy đổi 1.607,51 tỷ đồng (vốn WB là 1.352,987 tỷ đồng, vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam là 254,522 tỷ đồng), do Ban Quản lý dự án phát triển tỉnh Khánh Hòa làm chủ đầu tư, trực tiếp mời thầu. Tiểu dự án được chia thành 2 giai đoạn, trong đó, giai đoạn đầu (kéo dài 18 tháng) gồm 5 gói thầu xây lắp đến nay cơ bản hoàn thành. Tuy nhiên, giai đoạn còn lại rất chậm so với kế hoạch do nhiều hạng mục vẫn đang được mời thầu, trong khi thời gian triển khai hợp đồng mỗi gói thầu thường kéo dài từ 16 - 18 tháng.

Nguyên nhân chậm tiến độ, theo UBND tỉnh Khánh Hòa, là sự bùng phát của dịch bệnh, địa phương không thể tổ chức đoàn kiểm kê khối lượng đền bù ngoài hiện trường, họp hội đồng bồi thường, vận động người dân... Thêm vào đó, năm 2020, TP. Nha Trang chịu ảnh hưởng nặng nề của 3 cơn bão lớn (số 9, số 10, số 12), nên chính quyền địa phương không có đủ thời gian và nguồn lực để đẩy nhanh giải phóng mặt bằng.

Về Tiểu dự án TP. Quy Nhơn, theo đánh giá, đây là tiểu dự án có tiến độ tích cực nhất. Chia sẻ với Báo Đấu thầu, đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Bình Định (chủ đầu tư, trực tiếp mời thầu) cho biết, Tiểu dự án đã hoàn tất chọn nhà thầu thi công các hạng mục xây lắp từ năm 2021. Đến thời điểm hiện tại, công tác giải ngân vốn, giải phóng mặt bằng đều được thực hiện đúng lộ trình, ít gặp vướng mắc. Tuy nhiên, dịch Covid-19 kéo dài làm gián đoạn thi công, do nhà thầu gặp khó khăn trong việc huy động nhân lực, vật lực triển khai các gói thầu. Được biết, Tiểu dự án TP. Quy Nhơn có tổng mức đầu tư 1.262,315 tỷ đồng (vốn đối ứng của Tỉnh là 119,165 tỷ đồng; còn lại là vốn vay WB).

Tiểu dự án TP. Đồng Hới do UBND tỉnh Quảng Bình giữ vai trò chủ đầu tư, giao Ban Quản lý dự án môi trường và biến đổi khí hậu TP. Đồng Hới làm bên mời thầu. Tổng kinh phí đầu tư là 58,128 triệu USD, trong đó vốn vay WB là 50,2 triệu USD; vốn đối ứng là 7,91 triệu USD (bao gồm ngân sách trung ương 3,61 triệu USD; ngân sách tỉnh 4,3 triệu USD). Bên mời thầu cho biết, tất cả 10 gói thầu xây lắp đã được trao thầu từ năm 2020. Tuy nhiên, Tiểu dự án vẫn còn một gói thầu xây lắp hạng mục nhà máy xử lý nước thải được đầu tư bổ sung từ nguồn vốn dư, dự kiến sẽ tổ chức mời thầu trong năm nay.

Theo Bên mời thầu, quá trình triển khai các gói thầu gặp nhiều vướng mắc, đơn cử như một số hạng mục chồng lấn mặt bằng thi công phải điều chỉnh thiết kế; trở ngại trong công tác giải phóng mặt bằng và các vấn đề liên quan đến rà phá bom mìn, vật liệu nổ; ảnh hưởng của dịch Covid-19; tình hình mưa lũ kéo dài phức tạp trên địa bàn... Bên cạnh đó, phải kể đến năng lực của nhà thầu thi công còn hạn chế, điển hình là tại Gói thầu DH-1.2 Kè và nạo vét hạ lưu sông Cầu Rào; cải tạo năng lực thoát nước cầu Cống Mười. Đây là những nguyên nhân chính dẫn tới việc phải đề nghị kéo dài Hiệp định vay.

Trước nguy cơ không thể về đích đúng tiến độ, cơ quan chủ quản các tiểu dự án cùng cơ quan chức năng đang hoàn thiện thủ tục, đề nghị WB xem xét chấp thuận gia hạn thời gian thực hiện và thời hạn đóng các hiệp định vay vốn của Dự án đến ngày 30/6/2024. Trong đó, Tiểu dự án TP. Phan Rang - Tháp Chàm đã chính thức được phê duyệt điều chỉnh thời gian thực hiện.

Chuyên đề