Mở gói thầu 207 tỷ đồng tại Bình Định: Cạnh tranh lớn, giảm giá sâu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Bình Định vừa mở Gói thầu QN-1.7 Xây dựng mở rộng, nâng công suất Nhà máy Xử lý nước thải Nhơn Bình lên 28.000 m3/ngày. Gói thầu thu hút sự tham dự của nhiều nhà thầu, trong đó ghi nhận mức giảm giá cao nhất lên tới 38,6 tỷ đồng, tương đương với tỷ lệ giảm giá 18,6%.
Gói thầu thu hút 5 nhà thầu tham dự, trong đó Công ty CP Kỹ thuật Seen chào giá thấp nhất là 168,814 tỷ đồng, giảm 18,6% so với giá gói thầu. Ảnh minh họa: Tiên Giang
Gói thầu thu hút 5 nhà thầu tham dự, trong đó Công ty CP Kỹ thuật Seen chào giá thấp nhất là 168,814 tỷ đồng, giảm 18,6% so với giá gói thầu. Ảnh minh họa: Tiên Giang

Gói thầu nêu trên thuộc Dự án Môi trường bền vững các thành phố duyên hải - Tiểu dự án TP. Quy Nhơn, giá dự toán 207,416 tỷ đồng, lựa chọn nhà thầu thông qua hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước, qua mạng, phương thức một giai đoạn một túi hồ sơ. Theo biên bản mở thầu, có 5 nhà thầu tham dự.

Theo đó, thứ tự chào giá từ thấp đến cao như sau: Công ty CP Kỹ thuật Seen (168,814 tỷ đồng, giảm giá 18,6%); Liên danh Công ty CP Bơm Châu Âu – Công ty TNHH MTV Đầu tư và Xây dựng Hoàng Dân (171,867 tỷ đồng, giảm giá 17,1%); Công ty CP Xây dựng số 5 (179,581 tỷ đồng, giảm giá 13,4%); Liên danh Tổng công ty Đầu tư Nước và Môi trường Việt Nam (VIWASEEN) - Công ty TNHH HaskoningDHV Việt Nam (183,514 tỷ đồng, giảm giá 11,5%); Liên danh Công ty TNHH Công nghệ Thương mại Sông Hồng - Tổng công ty 36 - Công ty TNHH Phát triển công nghệ và Môi trường Á Đông (196,912 tỷ đồng; giảm giá 5%). Các nhà thầu cùng đề xuất thời gian thực hiện hợp đồng 20 tháng.

Theo kế hoạch phê duyệt ban đầu, Gói thầu được tổ chức đấu thầu trong tháng 8/2020, sau đó được điều chỉnh lùi thời gian tổ chức lựa chọn nhà thầu sang quý I/2021.

Khảo sát cho thấy, một số nhà thầu tham dự thầu là những tên tuổi lớn trong lĩnh vực thi công các công trình môi trường tại Việt Nam, từng “chạm trán” nhau tại nhiều cuộc thầu trước đó. Những “ông lớn” này được công bố trúng nhiều gói thầu trong lĩnh vực xử lý nước thải, môi trường quy mô hàng trăm đến hàng nghìn tỷ đồng.

Khảo sát cho thấy, một số nhà thầu tham dự thầu là những tên tuổi lớn trong lĩnh vực thi công các công trình môi trường tại Việt Nam, từng “chạm trán” nhau tại nhiều cuộc thầu trước đó. Những “ông lớn” này được công bố trúng nhiều gói thầu trong lĩnh vực xử lý nước thải, môi trường quy mô hàng trăm đến hàng nghìn tỷ đồng.

Đơn cử, VIWASEEN từng được công bố trúng Gói thầu Thiết kế, mua sắm vật tư và thi công xây dựng tuyến ống truyền tải nước sạch đoạn từ khu xử lý đến trạm điều tiết Tây Mỗ (km7+800), giá trúng thầu 1.790,586 tỷ đồng.

Công ty CP Xây dựng số 5 cũng từng được công bố trúng thầu nghìn tỷ, khi tháng 2/2021, doanh nghiệp này trúng Gói thầu Thiết kế, xây dựng, cung cấp và lắp đặt thiết bị hệ thống thu gom nước thải riêng và các tuyến cống chuyển nước mưa về sông Hàn cho lưu vực từ đường Hồ Xuân Hương đến giáp tỉnh Quảng Nam với giá 1.288,492 tỷ đồng.

Công ty CP Kỹ thuật Seen trước đó từng trúng nhiều gói thầu EPC tại Đà Nẵng như: Gói thầu Thiết kế, cung cấp, lắp đặt thiết bị và xây lắp Trạm xử lý nước thải Sơn Trà (giai đoạn 2), giá trúng thầu là 334,156 tỷ đồng; Gói thầu Thiết kế, cung cấp, lắp đặt thiết bị và xây lắp công trình Trạm xử lý nước thải Phú Lộc (giai đoạn 2), giá trúng thầu là 301,538 tỷ đồng…

Dự án Môi trường bền vững các thành phố duyên hải – Tiểu dự án TP. Quy Nhơn được triển khai từ năm 2018 đến năm 2022, với tổng vốn đầu tư hơn 55,3 triệu USD. Trong đó, nguồn vốn vay từ Ngân hàng Thế giới hơn 50 triệu USD, vốn đối ứng của tỉnh Bình Định trên 5,2 triệu USD.

Trước đó, Dự án đã nhiều lần phải điều chỉnh kế hoạch tổ chức lựa chọn nhà thầu. Tính đến thời điểm hiện tại, 5 trong tổng số 11 gói thầu xây lắp chính thuộc Dự án đã được công bố kết quả lựa chọn nhà thầu. Trong buổi làm việc mới đây với tỉnh Bình Định, đoàn công tác của Nhà tài trợ đề nghị Tỉnh cần đẩy nhanh tiến độ các hạng mục công trình đang xây dựng; đồng thời tổ chức đấu thầu, triển khai các gói thầu còn lại. Bên cạnh đó, đẩy nhanh việc tháo gỡ vướng mắc về giải phóng mặt bằng, rút ngắn thời gian phê duyệt hồ sơ... nhằm đảm bảo tiến độ chung của toàn Dự án.

Chuyên đề