Bức tranh đấu thầu nhiều điểm sáng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Năm 2023 là một năm nhiều ý nghĩa đối với hoạt động đấu thầu, đánh dấu sự ra đời của Luật Đấu thầu 2023 nhằm tháo gỡ các vướng mắc tồn tại trong thực tiễn đấu thầu suốt 10 năm qua, đồng thời là cột mốc 1 năm chính thức vận hành Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia (Hệ thống e-GP) mới với nhiều tiện ích vượt trội. Đây là nền tảng quan trọng để năm 2024 hoạt động đấu thầu ngày càng công khai, minh bạch, cạnh tranh, hiệu quả hơn.
2023 là năm đấu thầu qua mạng tăng đột biến về chất và lượng, lan tỏa khắp các công trình nghìn tỷ trọng điểm quốc gia, dự án nhóm A của các địa phương trên cả nước. Ảnh: Lê Tiên
2023 là năm đấu thầu qua mạng tăng đột biến về chất và lượng, lan tỏa khắp các công trình nghìn tỷ trọng điểm quốc gia, dự án nhóm A của các địa phương trên cả nước. Ảnh: Lê Tiên

Luật Đấu thầu 2023 tạo nền tảng pháp lý mới, có hiệu lực từ 01/01/2024

10 năm kể từ ngày có hiệu lực thi hành, Luật Đấu thầu 2013 cùng với các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng điều chỉnh hoạt động mua sắm, quản lý, sử dụng vốn, tài sản của Nhà nước tiệm cận với các chuẩn mực, thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, thực tiễn thi hành đã phát sinh một số hoạt động chưa được Luật quy định hoặc quy định chưa đầy đủ; một số quy định phát sinh vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện, đặt ra yêu cầu bổ sung, cải cách.

Với nhiều nội dung được sửa đổi, bổ sung để tạo dựng khung pháp lý đầy đủ, đồng bộ, thống nhất về đấu thầu, mua sắm sử dụng nguồn vốn nhà nước; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật; nâng cao tính cạnh tranh, công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế trong hoạt động đấu thầu, ngày 23/6/2023, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Đấu thầu năm 2023, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2024.

Luật Đấu thầu 2023 có 5 nhóm chính sách nổi bật. Một là, xác định rõ phạm vi điều chỉnh, nguyên tắc áp dụng Luật Đấu thầu. Hai là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác đấu thầu, bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu. Ba là, đơn giản hóa quy trình, thủ tục thực hiện hoạt động đấu thầu lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư, cắt giảm thời gian, chi phí trong hoạt động đấu thầu. Bốn là, hoàn thiện chính sách đấu thầu mua sắm hàng hóa trong nước, sản phẩm đổi mới sáng tạo, mua sắm xanh, mua sắm sản phẩm, dịch vụ được cung cấp bởi nhóm lao động yếu thế nhằm góp phần thúc đẩy sản xuất trong nước, phát triển bền vững và bảo vệ môi trường. Năm là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về đấu thầu; phòng chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong hoạt động đấu thầu.

Trong số các nhóm chính sách trên, việc tiếp tục đơn giản hóa quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư, cắt giảm thời gian, chi phí trong hoạt động đấu thầu được đánh giá là một trong những nhóm chính sách quan trọng, góp sức thực hiện chủ trương thúc đẩy nền kinh tế trở lại quỹ đạo tăng trưởng cao và bền vững, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi. Đơn cử, Luật tối đa hóa việc thực hiện thủ tục đấu thầu trên Hệ thống e-GP để rút ngắn thời gian; cắt giảm nhiều thủ tục cấp trung gian; cho phép chủ đầu tư được mua bổ sung các hàng hóa, dịch vụ phát sinh trên cơ sở hợp đồng thực hiện trước đó nhằm tiết kiệm thời gian đấu thầu...

Cùng với đơn giản hóa thủ tục, Luật chú trọng nâng cao hiệu lực, hiệu quả phòng chống tiêu cực, tham nhũng trong đấu thầu bằng việc bổ sung, hoàn thiện các quy định về hồ sơ mời thầu (HSMT) nhằm hạn chế tình trạng “cài cắm” các tiêu chí mang tính lợi ích nhóm; tiếp tục đẩy mạnh đấu thầu qua mạng, yêu cầu tất cả các thông tin về quá trình lựa chọn nhà thầu và kết quả thực hiện hợp đồng phải được công khai trên Hệ thống e-GP; quy định rõ các trường hợp áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu không cạnh tranh như chỉ định thầu, lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt, tự thực hiện, trách nhiệm khi thực hiện để bảo đảm minh bạch, hiệu quả, tránh lạm dụng, lách luật để không phải áp dụng đấu thầu rộng rãi.

Bên cạnh đó, Luật Đấu thầu 2023 dành một chương riêng quy định về đấu thầu trong lĩnh vực y tế, quy định giải pháp căn cơ nhằm tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc tồn tại trong thực tiễn.

Từ góc độ cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động đấu thầu, ông Trần Hào Hùng, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, nhiều nội dung cải cách tại Luật Đấu thầu 2023 kết hợp với công tác tổ chức thực thi hiệu quả chắc chắn sẽ tạo bước tiến lớn, thực chất trong công tác lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư, tăng cường hơn nữa hiệu quả sử dụng vốn nhà nước và nâng cao hiệu lực thực thi quy định của pháp luật về đấu thầu tại Việt Nam.

Đấu thầu qua mạng - tiện ích mới tạo nên giá trị mới

2023 là năm đánh dấu sự phát triển vượt bậc trong đấu thầu qua mạng. Sau 1 năm vận hành kể từ ngày 16/9/2022, Hệ thống e-GP mới với nhiều tính năng, tiện ích ưu việt, vượt trội đã đáp ứng yêu cầu đối với mục tiêu quản lý thống nhất thông tin về đấu thầu, đảm bảo an toàn, cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế của hoạt động đấu thầu.

Hơn 1 năm qua, Hệ thống e-GP không ngừng được nâng cấp bằng việc hoàn thiện, bổ sung nhiều tính năng mới của các phân hệ điều hành. Trong đó, việc xây dựng mới hoàn toàn tính năng tìm kiếm nâng cao tại phân hệ Cổng thông tin được xem là bước ngoặt mở ra “cửa ngõ” thông tin đối với cộng đồng nhà thầu, bởi Hệ thống e-GP cho phép tìm kiếm tất cả các cơ hội đấu thầu, cho nhà thầu cái nhìn tổng thể về lĩnh vực, phạm vi cung cấp của gói thầu, dự án mình quan tâm thông qua việc kết hợp nhiều trường tìm kiếm (loại công trình, địa điểm, phương thức lựa chọn nhà thầu, quy trình trong nước/quốc tế...) để cho ra kết quả theo mong muốn.

Đối với cơ quan quản lý nhà nước, Cổng thông tin xây dựng tính năng giám sát như một trong những tính năng quan trọng nhất. Đây là sự giám sát tổng thể quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu tại chủ đầu tư/bên mời thầu thuộc phạm vi quản lý. Theo đó, toàn bộ các thông tin bao gồm: danh sách chủ đầu tư/bên mời thầu không trả lời làm rõ HSMT; số lượng gói thầu phát sinh kiến nghị về HSMT; số lượng gói thầu phát sinh kiến nghị về kết quả lựa chọn nhà thầu; tỷ lệ tiết kiệm của gói thầu... sẽ được hiển thị công khai trên Cổng thông tin để cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan báo chí và xã hội tham gia giám sát.

Cùng với phân hệ Cổng thông tin, Hệ thống e-GP mới đã đưa vào sử dụng nhiều phân hệ đấu thầu điện tử; phân hệ hỗ trợ người dùng... Trong đó, phân hệ đấu thầu điện tử cho phép thực hiện đấu thầu qua mạng tất cả các hình thức, phương thức lựa chọn nhà thầu theo Thông tư số 08/2022/TT-BKHĐT, kể cả những gói thầu phức tạp nhất là đấu thầu thuốc, các gói thầu chia phần, phân lô..., được người dùng tin tưởng, đánh giá cao về tính năng.

Nhằm tối ưu hóa hiệu quả sử dụng cho người dùng, Cục Quản lý đấu thầu thường xuyên phối hợp với đơn vị vận hành xây dựng, lập trình các tính năng mới hàng tuần, hàng tháng trên Hệ thống e-GP. Mới đây nhất, ngày 21/12/2023, Hệ thống e-GP cập nhật tính năng mở bổ sung hồ sơ đề xuất tài chính cho gói thầu áp dụng đấu thầu qua mạng, phương thức 1 giai đoạn 2 túi hồ sơ.

Với việc thường xuyên nghiên cứu, cập nhật, bổ sung kịp thời các tính năng mới, Hệ thống e-GP ngày càng mang lại nhiều giá trị, lợi ích cho các chủ thể liên quan, đưa đấu thầu qua mạng phát triển vượt bậc. Năm 2023 được xem là “đỉnh cao” khi đấu thầu qua mạng tăng đột biến về cả lượng và chất. Số gói thầu đấu thầu rộng rãi, hạn chế, chào hàng cạnh tranh trong nước (không tính gói thầu EPC) thực hiện đấu thầu qua mạng đến ngày 21/12/2023 chiếm tới 99,99% tổng số gói thầu (tương ứng 136.547 gói thầu) và tổng giá trị số gói thầu thực hiện đấu thầu qua mạng đạt 851.347 tỷ đồng, chiếm 96% tổng giá trị các gói thầu.

Dấu ấn những cuộc thầu quy mô lớn

Trong năm qua, sự kiện đấu thầu rộng rãi quốc tế Gói thầu số 5.10 Thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình Nhà ga hành khách thuộc Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 đặc biệt thu hút sự chú ý của dư luận. Gói thầu có giá dự toán lên tới 35.233 tỷ đồng, là gói thầu có giá trị lớn và tính chất phức tạp nhất từ trước đến nay. Sau 3 tháng tổ chức lựa chọn nhà thầu (từ ngày 27/5 - 24/8/2023), hợp đồng Gói thầu được trao cho Liên danh VIETUR gồm 10 thành viên do Tập đoàn Công nghiệp và Thương mại Xây dựng IC Istas (Thổ Nhĩ Kỳ) đứng đầu.

Nhờ sự điều chỉnh kịp thời, đồng bộ về mặt chính sách, nâng cấp về hạ tầng công nghệ thông tin, năm 2023 ghi nhận lần đầu tiên các gói thầu mua sắm chia phần, phân lô trong lĩnh vực y tế có tính chất đặc thù, phức tạp được đấu thầu qua mạng “trơn tru”. Dấu mốc đầu tiên có thể kể đến Gói thầu số 1 Mua sắm thuốc generic thuộc Dự toán Cung cấp thuốc năm 2023 - 2025 cho các cơ sở y tế trong tỉnh An Giang do Bệnh viện Đa khoa trung tâm An Giang mời thầu. Gói thầu có giá dự toán 2.133,238 tỷ đồng, phát hành HSMT từ tháng 4/2023. Kết quả lựa chọn nhà thầu được công bố vào tháng 10/2023 với 208 nhà thầu trúng thầu cung cấp 1.666 mặt hàng (hoạt chất).

Trong lĩnh vực xây lắp, 2023 là năm đấu thầu qua mạng lan tỏa khắp các công trình nghìn tỷ trọng điểm quốc gia, dự án nhóm A của các địa phương trên cả nước. Có thể kể đến Gói thầu số 01 Thi công xây lắp công trình thuộc Dự án Đường Tân Phúc - Võng Phan (giao ĐT.387), tỉnh Hưng Yên giá trị 2.049 tỷ đồng; các gói thầu thuộc Dự án thành phần 1 Xây dựng đường Vành đai 3 đoạn qua TP.HCM như: Gói thầu XL6 giá trị 2.273,229 tỷ đồng; Gói thầu XL3 giá trị 2.343,306 tỷ đồng; Gói thầu XL9 giá trị 2.029,958 tỷ đồng…

Chia sẻ với Báo Đấu thầu trong những ngày cuối cùng của năm 2023, nhiều chủ thể tham gia vào hoạt động đấu thầu kỳ vọng bước sang năm 2024, bức tranh toàn cảnh về đấu thầu tại Việt Nam sẽ tiếp tục được “tô” thêm điểm sáng, mang lại niềm tin cho cộng đồng nhà thầu, nhà đầu tư.

Chuyên đề