Khắc phục những “mắt xích yếu” trong đấu thầu qua mạng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Công tác đấu thầu qua mạng (ĐTQM) ngày càng có nhiều bước tiến rõ nét khi đa số các bộ, ngành, địa phương, đơn vị triển khai quyết liệt, số lượng gói thầu và tổng giá trị ĐTQM tăng mạnh. Tuy nhiên, vẫn có những đơn vị chưa chuyển động cùng nhịp, cần quyết tâm cao hơn để đạt mục tiêu 100% gói thầu ĐTQM trong thời gian tới.
Một số bên mời thầu chưa mạnh dạn triển khai đấu thầu qua mạng các gói thầu quy mô lớn. Ảnh: Lê Tiên
Một số bên mời thầu chưa mạnh dạn triển khai đấu thầu qua mạng các gói thầu quy mô lớn. Ảnh: Lê Tiên

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho biết, thời gian qua, công tác ĐTQM tiếp tục được đẩy mạnh, có chuyển biến tích cực. Bộ KH&ĐT đã đưa vào vận hành Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia mới với nhiều đổi mới, cải tiến, thêm tiện ích và tạo nhiều thuận lợi cho chủ đầu tư, bên mời thầu trong việc quản lý xuyên suốt quá trình đấu thầu, góp phần tăng tính cạnh tranh, công bằng, minh bạch trong đấu thầu, phục vụ hiệu quả cho các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác kiểm tra, giám sát, theo dõi hoạt động đấu thầu.

Năm 2022 là năm công tác ĐTQM vượt 2 chỉ tiêu theo Thông tư 08/2022/TT-BKHĐT (số lượng gói thầu ĐTQM đạt tối thiểu 80%, thực tế đạt 96,91% và tổng giá trị gói thầu ĐTQM đạt tối thiểu 70%, thực tế đạt 78,99%). Trong đó, 105/120 cơ quan, đơn vị có tỷ trọng về tổng số lượng gói thầu áp dụng ĐTQM vượt yêu cầu tối thiểu (80%) và 88/120 cơ quan, đơn vị có tỷ trọng về giá trị gói thầu áp dụng ĐTQM vượt yêu cầu tối thiểu (70%).

Tuy nhiên, bức tranh ĐTQM năm 2022 cũng ghi nhận một số cơ quan, đơn vị có tỷ trọng ĐTQM thấp như: Tổng công ty Lương thực miền Nam, Tổng công ty Cà phê Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam…

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, cán bộ đấu thầu của Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho biết, năm 2022, chỉ trừ Gói thầu Thuê dịch vụ thu phí không dừng trên 4 tuyến cao tốc (Cầu Giẽ - Ninh Bình, Nội Bài - Lào Cai, Đà Nẵng - Quảng Ngãi, TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây) do VEC quản lý không thực hiện ĐTQM, các gói thầu còn lại đều được thực hiện ĐTQM. Tuy nhiên, gói thầu duy nhất không thực hiện ĐTQM có giá gói thầu hơn 1.000 tỷ đồng, các gói thầu được ĐTQM lại có quy mô nhỏ, dẫn đến VEC chỉ đáp ứng được tỷ lệ về số lượng gói thầu ĐTQM mà không đáp ứng được tỷ lệ giá trị ĐTQM theo yêu cầu tại Thông tư số 08/2022/TT-BKHĐT. Năm 2023, VEC sẽ ĐTQM 100% gói thầu trong kế hoạch.

Trên thực tế, một số đơn vị, bộ, ngành, địa phương có những đặc thù, những lý do khác nhau dẫn đến kết quả ĐTQM chưa đạt yêu cầu, nhưng hy vọng sẽ tìm ra giải pháp khắc phục để cả nước hoàn thành sớm lộ trình ĐTQM, tăng cường công khai và minh bạch hơn nữa hoạt động đấu thầu.

Cán bộ đấu thầu của Tổng công ty Lương thực miền Nam cho biết, năm 2022, Tổng công ty lựa chọn nhà thầu cho 93 gói thầu, trong đó 77 gói thầu được chỉ định thầu, 13 gói thầu chào hàng cạnh tranh và 3 gói thầu đấu thầu rộng rãi qua mạng. Do quy mô các gói thầu chào hàng cạnh tranh nhỏ, nằm rải rác trên nhiều địa bàn nên Tổng công ty Lương thực miền Nam cho phép các nhà thầu thông báo giá trực tiếp mà không tiến hành ĐTQM. Thời gian tới, bộ phận đấu thầu sẽ nghiên cứu và đề xuất Tổng công ty các giải pháp để tối đa hóa việc lựa chọn nhà thầu qua mạng, đáp ứng yêu cầu chung về lộ trình ĐTQM.

Lý giải về việc tỷ lệ ĐTQM còn thấp, cán bộ đấu thầu của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam cho biết, năm 2022, số lượng gói thầu, dự án mới của Tập đoàn thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu khá ít. Do đặc thù của ngành, một số gói thầu phải tổ chức đấu thầu quốc tế để lựa chọn nhà thầu, một số gói thầu khác thì áp dụng loại hợp đồng EPC mà Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia chưa hỗ trợ ĐTQM loại gói thầu này nên thực hiện đấu thầu trực tiếp. Mặt khác, năm 2022, Tập đoàn có nhiều gói thầu lựa chọn nhà thầu theo quy chế riêng nên chỉ thông báo kế hoạch lựa chọn nhà thầu và mời nhà thầu quan tâm nộp hồ sơ dự thầu trực tiếp, không triển khai lựa chọn nhà thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.

Tương tự, cán bộ của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam cho biết, từ năm 2021 trở lại đây, quan điểm nhất quán của Tổng công ty là đẩy mạnh ĐTQM tối đa. Tuy nhiên, trên thực tế, năm 2022, Tổng công ty có 1 gói thầu quy mô hơn 3.000 tỷ đồng, khó triển khai trên môi trường mạng nên đã đấu thầu trực tiếp. Giá trị gói thầu này chiếm phần lớn trong tổng giá trị các gói thầu lựa chọn nhà thầu năm 2022 nên Tổng công ty không đáp ứng yêu cầu tối thiểu về tỷ trọng giá trị gói thầu áp dụng ĐTQM.

Cán bộ của nhiều chủ đầu tư, bên mời thầu đề xuất cơ quan chức năng nghiên cứu mở rộng phạm vi áp dụng ĐTQM của các gói thầu hỗn hợp, gói thầu đấu thầu quốc tế… để quá trình ĐTQM thuận lợi hơn nữa.

Lãnh đạo Trung tâm Đấu thầu qua mạng quốc gia cho biết, nhìn chung, công tác ĐTQM thời gian qua có nhiều bước tiến, nhiều địa phương, bộ, ngành đã đấu thầu 100% gói thầu trong phạm vi có thể ĐTQM, vượt các chỉ tiêu theo yêu cầu trong lộ trình ĐTQM quốc gia. Đây là tiền đề rất thuận lợi để nâng cao minh bạch trong công tác đấu thầu. Trên thực tế, một số đơn vị, bộ, ngành, địa phương có những đặc thù, những lý do khác nhau dẫn đến kết quả ĐTQM chưa đạt yêu cầu, nhưng hy vọng sẽ tìm ra giải pháp khắc phục để cả nước hoàn thành sớm lộ trình ĐTQM, tăng cường công khai và minh bạch hơn nữa hoạt động đấu thầu.

Chuyên đề