Hoạt động đấu thầu tại EVN sẽ thuận lợi hơn với hành lang pháp lý đầy đủ, rõ ràng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trao đổi với Báo Đấu thầu, bà Phạm Thị Thúy Hà, Trưởng ban Quản lý đấu thầu thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nhìn nhận, Luật Đấu thầu 2023 có nhiều nội dung sửa đổi, điều chỉnh theo hướng tích cực, phù hợp với thực tế công tác đấu thầu. Với hành lang pháp lý đầy đủ, rõ ràng, hoạt động đấu thầu tại các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) như EVN sẽ thuận lợi hơn, bảo đảm sự chặt chẽ, tính cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả.
Công tác mua sắm, đấu thầu thực hiện các dự án đầu tư xây dựng theo hướng minh bạch, hiệu quả luôn được Tập đoàn Điện lực Việt Nam quan tâm và tích cực triển khai. Ảnh: Nhã Chi
Công tác mua sắm, đấu thầu thực hiện các dự án đầu tư xây dựng theo hướng minh bạch, hiệu quả luôn được Tập đoàn Điện lực Việt Nam quan tâm và tích cực triển khai. Ảnh: Nhã Chi

Bà kỳ vọng gì về bước chuyển trong hoạt động đấu thầu khi Luật Đấu thầu (sửa đổi) đi vào cuộc sống?

Trước tiên, cá nhân tôi xin chúc mừng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), cụ thể là Cục Quản lý Đấu thầu, đơn vị chủ trì soạn thảo Luật và Ban soạn thảo Luật. Thời gian vừa qua, Ban soạn thảo đã rất tâm huyết trong công tác tổng kết, đánh giá việc thi hành Luật Đấu thầu 2013, nghiên cứu, lắng nghe và tiếp thu rất nhiều ý kiến phát sinh từ thực tiễn thi hành Luật của các đơn vị, trong đó có EVN.

Bà Phạm Thị Thúy Hà

Bà Phạm Thị Thúy Hà

So với Luật Đấu thầu 2013, Luật Đấu thầu (sửa đổi) đã có nhiều nội dung sửa đổi, điều chỉnh theo hướng tích cực, phù hợp với thực tế công tác đấu thầu. Ví dụ giải quyết vướng mắc về áp dụng hợp đồng trọn gói, phương thức đấu thầu một giai đoạn một túi hồ sơ đối với các gói thầu quy mô nhỏ; làm rõ phạm vi gói thầu áp dụng hình thức mua sắm trực tiếp; làm rõ yêu cầu về bảo đảm cạnh tranh trong đấu thầu; bổ sung các quy định về tịch thu, hoàn trả bảo đảm dự thầu phù hợp với thực tế triển khai; bổ sung làm rõ quy trình đối với hình thức tự thực hiện, lựa chọn tư vấn cá nhân; đơn giản hóa quy trình thủ tục chỉ định thầu đối với gói thầu có giá trị dưới 50 triệu đồng; quy định rõ ràng hơn về trách nhiệm giải quyết kiến nghị trong đấu thầu…

Mặc dù một số quy định đang chờ văn bản hướng dẫn chi tiết của Chính phủ, nhưng tôi tin tưởng, với những nội dung sửa đổi, điều chỉnh nêu trên, hoạt động đấu thầu tại các DNNN như EVN sẽ thuận lợi hơn, bảo đảm được sự chặt chẽ về thủ tục pháp lý và tính cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả.

Một trong những sửa đổi quan trọng lần này là làm rõ phạm vi áp dụng Luật đối với DNNN theo hướng vừa không để khoảng trống pháp lý nhưng vẫn bảo đảm sự thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN. Bà đánh giá thế nào về điểm sửa đổi này?

Luật Đấu thầu 2013 xác định phạm vi điều chỉnh theo gói thầu và nguồn vốn nhà nước sử dụng cho gói thầu, còn Luật Đấu thầu (sửa đổi) xác định phạm vi điều chỉnh theo nhóm đối tượng cần quản lý. Theo tôi, thay đổi này xuất phát từ quan điểm quản lý của Nhà nước, cần điều chỉnh nhóm đối tượng rộng hơn để áp dụng các trình tự, thủ tục được quy chuẩn theo luật định, mà không hoàn toàn vì Luật Đấu thầu 2013 có khoảng trống pháp lý về phạm vi điều chỉnh.

Ở góc độ quản lý, việc mở rộng phạm vi điều chỉnh theo Luật Đấu thầu (sửa đổi) có ưu điểm là sẽ thiết lập hành lang pháp lý đầy đủ, rõ ràng để quản lý chặt chẽ, toàn diện hoạt động lựa chọn nhà thầu tại các DNNN và công ty con 100% vốn của DNNN.

Tôi cho rằng, tác động của sự thay đổi về phạm vi điều chỉnh đối với các DNNN là không lớn. Thực tế, tại EVN, ngay từ khi có Luật Đấu thầu 2005, chúng tôi đã ban hành các quy chế quản lý nội bộ, trong đó quy định bắt buộc áp dụng Luật Đấu thầu đối với các công ty con 100% vốn của EVN.

Bà có bình luận gì đối với quy định về giám sát hoạt động đấu thầu của cộng đồng do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp chủ trì tổ chức thực hiện?

Việc bổ sung quy định về giám sát của cộng đồng có thể giúp tăng cường tính minh bạch, hiệu quả của hoạt động đấu thầu. Tuy nhiên, Luật Đấu thầu (sửa đổi) hiện chỉ mới có quy định chung về hoạt động này, trong khi việc giám sát trong đấu thầu bao gồm rất nhiều nội dung, một số công việc đòi hỏi người giám sát phải có trình độ, chứng chỉ chuyên môn nhất định mới có thể đánh giá chính xác được chất lượng của công tác đấu thầu, thực hiện hợp đồng. Do vậy, theo tôi Chính phủ cần có hướng dẫn cụ thể về phạm vi và cách thức thực hiện giám sát hoạt động đấu thầu của cộng đồng để áp dụng trên thực tế cho phù hợp.

Nhằm thúc đẩy mua sắm xanh, khuyến khích sản xuất trong nước, khuyến khích đổi mới sáng tạo… hướng tới đấu thầu bền vững, Luật Đấu thầu (sửa đổi) bổ sung thêm cơ chế ưu đãi trong đấu thầu đối với việc mua sắm hàng hóa. Góc nhìn của bà về chính sách này trong bối cảnh hiện nay như thế nào?

Việc bổ sung các quy định về ưu đãi đối với hàng hóa có xuất xứ Việt Nam, sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường… là cần thiết, giúp thúc đẩy sản xuất trong nước và tăng tính cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa trên thị trường cũng như trong hoạt động đấu thầu. Tuy vậy, ở góc độ chủ đầu tư, việc áp dụng các quy định về ưu đãi này vẫn phải dựa trên tiền đề là chất lượng của sản phẩm, hàng hóa có xuất xứ trong nước phải bảo đảm cùng một mặt bằng với các sản phẩm, hàng hóa cùng loại trên thị trường liên quan, đặc biệt là máy móc, thiết bị kỹ thuật cao trong nước mới sản xuất được nhưng chưa có kiểm chứng hoạt động, vận hành trên thực tế.

Chính phủ được giao quy định chi tiết về việc áp dụng cơ chế ưu đãi này, tôi hy vọng trong thời gian sớm nhất sẽ có những hướng dẫn cụ thể để chủ đầu tư và nhà thầu triển khai, áp dụng, bảo đảm được mục tiêu mà cơ quan quản lý nhà nước đề ra.

EVN sẽ có những giải pháp gì để áp dụng có hiệu quả những quy định mới?

Như đã đề cập ở trên, hoạt động đấu thầu của EVN và các đơn vị thành viên đã và đang được chúng tôi quy định tuân thủ theo pháp luật về đấu thầu. Trong thời gian tới, trên cơ sở quy định của Luật Đấu thầu (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua, EVN sẽ tổ chức hội nghị phổ biến các nội dung cơ bản, quy định mới của Luật tới tất cả các đơn vị thành viên, đặc biệt là đội ngũ cán bộ thực hiện công tác đấu thầu để kịp thời nắm bắt, thực hiện.

Bên cạnh đó, EVN sẽ tổ chức rà soát và thực hiện cập nhật, sửa đổi, bổ sung các quy định về đấu thầu tại các quy chế quản lý nội bộ liên quan cho phù hợp với các quy định mới.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư