Kỳ vọng nhà thầu có thêm công việc, tiếp tục lớn mạnh

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) chia sẻ về các giải pháp “tự cứu mình” của các nhà thầu - doanh nghiệp (DN) xây dựng và kỳ vọng, quá trình triển khai Luật Đấu thầu 2023 sẽ tạo lập môi trường cạnh tranh lành mạnh, mang đến cơ hội phục hồi mạnh mẽ cho các nhà thầu.
Việc hoàn thiện quy định của pháp luật về đấu thầu sẽ tạo cơ hội cho các nhà thầu xây dựng cạnh tranh lành mạnh và phát triển. Ảnh: Lê Tiên
Việc hoàn thiện quy định của pháp luật về đấu thầu sẽ tạo cơ hội cho các nhà thầu xây dựng cạnh tranh lành mạnh và phát triển. Ảnh: Lê Tiên

Sau thời gian dài đối mặt với khó khăn, sức khỏe của các DN xây dựng hiện như thế nào, thưa ông?

Trong thời gian gần đây, Chính phủ triển khai một số dự án đầu tư công lớn như: Dự án đường bộ cao tốc Bắc Nam, Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, Vành đai 3 TP.HCM, Dự án sân bay Long Thành… đã tạo nhiều việc làm cho DN ngành xây dựng. Tuy nhiên, chỉ các nhà thầu quy mô lớn mới tham gia được vào các dự án này. Phần còn lại, các DN nhỏ và vừa (DNNVV), đặc biệt là DN nhỏ thì thoi thóp, đóng cửa khá nhiều. Rất nhiều nhà thầu xây dựng đã bị chấm dứt hợp đồng do không còn đủ năng lực tài chính để thực hiện.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp

Ông Nguyễn Quốc Hiệp

DNNVV có 2 điểm rất khó. Một là không có cơ hội tham gia các dự án đầu tư công vì năng lực triển khai và tài chính hạn chế. Hai là, để có vốn duy trì hoạt động thì chỉ có thể trông chờ việc đi vay. Với mức lãi suất vay vốn vẫn neo ở 12 - 13%/năm, làm thế nào để có lãi là một câu hỏi thách thức. Rất nhiều DN đành chấp nhận không có việc làm, không dám vay với lãi suất cao để tiếp tục hoạt động. Đây là vấn đề cực kỳ nan giải của DNNVV hiện nay.

Thời gian qua, DN ngành xây dựng đã không ít lần gửi đơn kêu cứu tới các cơ quan chức năng. Bên cạnh việc “kêu cứu”, bản thân các DN đang có những động thái gì để “tự cứu mình”, thưa ông?

Khi công việc xây dựng có nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước ngày càng ít, một số DN trước kia chuyên thi công dự án tư nhân bắt đầu thay đổi tư duy, chuyển hướng tìm cơ hội tham gia vào dự án đầu tư công, làm thay đổi cục diện thị trường xây dựng. Trong bối cảnh hiện nay, quyết tâm của Chính phủ trong việc triển khai mạnh mẽ các dự án đầu tư công đã trở thành “phao cứu sinh” cho nhiều DN xây dựng. Nếu không có lượng lớn công việc từ các dự án đầu tư công thì DN còn điêu đứng hơn nữa.

Trong các buổi họp gần nhất của VACC, chúng tôi đã bàn nhiều phương án, trong đó có việc bàn thảo về phương hướng hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau của các thành viên để tận dụng cơ hội thị trường, vực dậy ngành xây dựng.

Bản thân các DN cũng phải tự vận động nhiều. Tại dự án sân bay Long Thành, nhiều DN xây dựng đầu ngành của Việt Nam đã liên danh lại, tham gia đấu thầu, tìm cơ hội công việc. Trong sự liên danh này, có những DN trước đây là đối thủ của nhau, hoặc có những liên danh có sự tham gia của nhà thầu nước ngoài… Có thể thấy, đây là diễn biến mới, chưa từng có trong lịch sử ngành xây dựng. Các nhà thầu từ đối thủ lớn chuyển sang đối tác, tự kết nối, liên danh với nhau xuất phát từ nhu cầu tìm kiếm cơ hội, tự vực dậy trong hoạt động của chính mình cũng như của ngành xây dựng nói chung.

Khối DNNVV chưa đảm đương được các gói thầu lớn, muốn tồn tại thì đương nhiên phải làm thầu phụ. VACC đã kêu gọi các DN lớn, có năng lực làm thầu chính hỗ trợ, giúp đỡ các DNNVV trong vai trò thầu phụ. VACC đang tính đến việc góp ý, kiến nghị trong các văn bản dưới luật về tỷ lệ cụ thể công việc của nhà thầu phụ trong phần việc của nhà thầu chính như thế nào để phù hợp với quy định pháp luật và vẫn giúp các nhà thầu nhỏ có việc làm.

Ngoài các nỗ lực trên, VACC đang và sẽ làm gì để hỗ trợ các thành viên, các nhà thầu xây dựng tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh để vượt khó, thưa ông?

Thực tế trong thời gian qua, do bối cảnh quá khó khăn, một số nhà thầu có biểu hiện phá giá thị trường vì quá “đói việc”. VACC đã kêu gọi các nhà thầu không phá giá làm ảnh hưởng tới chất lượng công trình, sự lành mạnh của thị trường xây dựng.

Để hỗ trợ nhà thầu xây dựng bớt khó khăn trong những vấn đề như đảm bảo thanh toán, hạn chế nợ đọng, VACC dự tính việc thông báo rộng rãi thông tin về các chủ đầu tư có nguồn vốn ngoài ngân sách không thực hiện thanh toán nghiêm chỉnh cho nhà thầu để các nhà thầu khác có sự cân nhắc trong quá trình tham gia, hợp tác. Tiến tới VACC sẽ xây dựng danh sách các chủ đầu tư vi phạm nguyên tắc thanh toán, vi phạm công bằng tài chính để bảo đảm sự lành mạnh của thị trường xây dựng.

Luật Đấu thầu (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua và sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2024. Ông kỳ vọng điều gì từ nền tảng pháp lý mới này?

Luật Đấu thầu 2023 có nhiều điểm mới, rất tiến bộ, khắc phục những bất cập trong hoạt động đấu thầu thời gian qua. Chẳng hạn, Luật quy định nhiều hình thức lựa chọn nhà thầu, quy định rõ hình thức chỉ định thầu áp dụng trong các trường hợp cấp bách. Về các điều kiện tham gia lựa chọn nhà thầu, Luật Đấu thầu 2023 bổ sung làm rõ quy định về tư cách hợp lệ đối với nhà thầu, nhà đầu tư trong đó bao gồm nhà thầu là hộ kinh doanh; quy định bảo đảm cạnh tranh trong đấu thầu; mở rộng các đối tượng được hưởng ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu…

Tôi kỳ vọng, việc tiếp tục hoàn thiện quy định của pháp luật về đấu thầu sẽ góp phần tạo lập môi trường cạnh tranh lành mạnh, minh bạch, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh của nhà thầu, nhà đầu tư trong nước, đạt được hiệu quả kinh tế - xã hội thiết thực từ hoạt động đấu thầu. Đồng thời, những nhà thầu hoạt động chân chính sẽ có thêm cơ hội công việc, để vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay và tiếp tục lớn mạnh.

Để Luật sớm đi vào cuộc sống, theo tôi, các cơ quan chức năng cần sớm ban hành các văn bản hướng dẫn, tạo hành lang pháp lý đồng bộ trong quá trình thực thi. Tôi rất hoan nghênh cách làm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc mời đại diện của các hiệp hội, tổ chức ngành nghề tham gia vào quá trình soạn thảo, biên tập các văn bản dưới luật; từ đó các văn bản khi được ban hành sẽ có tính thực tiễn, đạt hiệu quả cao trong quá trình thực thi.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư