Bộ trưởng Vinh: “Còn nhiều nuối tiếc, nhưng không thể làm gì hơn!” (Kỳ 2)

“Không phải là tài nguyên khoáng sản. Cũng không phải là vốn! Chính những người tâm huyết, tài năng nhất mới là nguồn sáng tạo vô cùng to lớn, có thể đưa một đất nước từ không có tài nguyên gì trở thành một nước phát triển mạnh mẽ như các quốc gia lân cận”

Thấy vị Tư lệnh ngành liên tục trả lời câu hỏi của phóng viên suốt gần 2 giờ đồng hồ, vị trợ lý khe khẽ nhắc: “Có lẽ Bộ trưởng nên nghỉ một tí”. “Không cần, không cần! Chúng ta cứ tiếp tục!” – Bộ trưởng Bùi Quang Vinh xua tay. 

Và cuộc phỏng vấn lại tiếp tục, giữa những ngổn ngang tâm tư, nuối tiếc… 

Không phải tài nguyên, không phải vốn, mà con người và thể chế mới làm nên sự phát triển của đất nước (Ảnh: BD)

“Đây là một cuộc cách mạng” 

Thưa Bộ trưởng, mặc dù tinh thần của Luật Doanh nghiệp là “chọn bỏ”, nghĩa là người dân được làm tất cả những gì mà luật không cấm. Thế nhưng trên thực tế hiện nay đang xuất hiện rất nhiều giấy phép con và nhiều doanh nghiệp vẫn quả quyết rằng môi trường kinh doanh không được cải thiện như mong muốn. Ông nghĩ gì về điều này? 

Đây là cả một quá trình, không thể mong quy định Luật pháp có thể triệt bỏ tất cả. Bởi vì, chuyện xin-cho đã ăn rễ trong đầu từng cán bộ một, tôi có thể nói như vậy. Cho nên, đây là một cuộc cách mạng! 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng là người hiểu điều này, đã khuyến khích cơ quan soạn thảo là Bộ Kế hoạch và Đầu tư là phải làm. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng rất khuyến khích tư tưởng này. 

Theo quy định mới, tất cả những ngành mà luật pháp cấm và tất cả những ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì chỉ có từ Nghị định Chính phủ trở lên mới có quyền hạn chế quyền kinh doanh của doanh nghiệp và người dân. 

Thế nhưng, có thực tế là tại những Nghị định chuyên ngành khác, các Bộ ngành vẫn đang ra các Thông tư để quy định những điều kiện mang tính áp đặt. 

Vậy tại sao thực tế vẫn chưa được như kỳ vọng, thưa ông? 

Tất nhiên, tôi cũng phải nói thẳng rằng, không phải là cứ có thêm điều kiện kinh doanh là cái tồi đâu. Một xã hội phát triển thì càng phải có nhiều điều kiện, điều kiện để đảm bảo cho công bằng và chất lượng phát triển tốt hơn. Xã hội càng phát triển càng cần phải có những quy định cụ thể để đảm bảo cho cuộc sống con người, chứ không phải là gây khó khăn. 

Chỉ có điều, những gì mang tính chất cấm đoán quyền của người dân một cách trái với luật pháp thì phải hạn chế. 

Hiện nay, tôi thấy đúng là vẫn còn tình trạng ban hành nhiều giấy phép con mà không đúng theo tinh thần “chọn bỏ”. Vừa rồi, Chính phủ đã thành lập tổ Thực hiện Luật doanh nghiệp, chúng tôi đang chuẩn bị để có một đợt kiểm tra. Do luật mới ra đời, mới có hiệu lực, các văn bản pháp luật cũng vừa hoàn thiện nên có lẽ phải để sang đầu năm 2016 sẽ có một đợt rà soát lại, xem từ khi Luật ra đời có bao nhiêu cái “đẻ” ra thêm, từ đó mới báo cáo Chính phủ và trao đổi với các Bộ ngành để giải quyết. 

Tôi nghĩ rằng điều căn bản nhất là chúng ta đã có một hệ thống pháp luật quy định minh bạch điều này, còn trong quá trình thực hiện thì khó. Chúng ta vẫn còn phải xem xét, bởi vì tư tưởng “chọn bỏ” của chúng ta còn rất mới, mới hơn cả các Hiệp định mà chúng ta ký với các tổ chức quốc tế song phương và đa phương. 

Tôi lấy ví dụ, Việt Nam tham gia vào WTO mà trong WTO thì lại áp dụng phương pháp “chọn cho”- nghĩa là cái gì mà hai bên thống nhất “cho” thì được ghi vào trong Hiệp định này, còn những cái “chưa cho” thì cứ phải “đi xin”. Và nhiều Hiệp định song phương mà Việt Nam ký kết với các quốc gia cũng theo cách đó. Cho nên, còn mắc rất nhiều ở các Bộ. Nhưng chúng tôi nghĩ, với tinh thần như thế này thì chúng ta làm 1-2 năm sẽ dần đi vào nề nếp. 

Không đổi mới thì tụt hậu là điều rõ ràng! 

Nhiều khi tinh thần đổi mới cũng gặp khó khăn. Ví như chuyện Dự thảo Luật Quy hoạch, được kỳ vọng nếu ban hành được thì giúp bỏ giảm bớt sự lãng phí thêm khoảng 8.200 tỉ đồng, nhưng đã không được thông qua vì nhiều lý do. Ông muốn nói gì về điều này? 

Đó là một câu hỏi hay… (Ông Vinh trầm ngâm. Đây cũng là lần đầu tiên và duy nhất trong suốt buổi trò chuyện, vị Tư lệnh ngành vốn nổi danh quyết liệt cả trong suy nghĩ và hành động này im lặng suy ngẫm trong giây lát) Tôi có thể nói rằng, không phải là 8.200 tỉ đâu! 8.200 tỉ là cái tiền bỏ ra để làm Luật, còn cái mà gây ra tác hại thì phải gấp một nghìn một vạn lần cái con số 8.200 tỉ đó trên đất nước này. 

Khi các luật ra đời tràn lan như thế này, nó cản trở, hạn chế phát triển, nó chồng chéo lẫn nhau. Nhưng tôi rất tiếc rằng Chính phủ đã không thông qua Luật này (không trình ra Quốc hội – PV), mặc dù nó được nhiều người đánh giá là rất đổi mới! 

Luật này đụng chạm đến quá nhiều ngành, quá nhiều cá nhân. Để sang nhiệm kỳ sau, cá nhân tôi e rằng sẽ lỡ cả một nhịp cầu rất lớn cho đất nước. Tôi rất tiếc điều này nhưng tôi không có thẩm quyền gì hơn. 

Trước Quốc hội, là Bộ trưởng song ông thường phát biểu dưới tư cách đại biểu

Tại Hội nghị tổng kết ngành cuối năm, ông cam kết rất mạnh về đổi mới thể chế. Vì sao câu chuyện này lại khiến ông trăn trở đến mức độ như vậy?

Bởi vì một điều đơn giản rằng, 30 năm đổi mới vừa qua của đất nước, chúng ta có nhiều thành tựu nhưng có một thành tựu xuyên suốt và là nguyên nhân của mọi nguyên nhân, đó là chúng ta đã đổi mới được từ một nền kinh tế kế hoạch hoạch hóa tập trung sang một nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đấy chính là xung lực tạo ra lớp lớp các động lực để chúng ta phát triển và thay đổi xã hội như ngày hôm nay. 

Thế nhưng, đến giờ phút này sau 30 năm, thì những dư địa, tác động của những yếu tố đã dần dần cạn đi mà chúng đã bị chững lại trong nhiều năm vừa qua, thậm chí nếu không cẩn thận còn phải đi xuống. 

Nếu tiếp tục bình bình như thế này mà không có sự đổi mới thì chúng ta sẽ gặp khó khăn trong quá trình tăng trưởng của đất nước. Chúng ta sẽ tụt hậu là điều rõ ràng. 

Cái mà chúng tôi phân tích là “động lực nào sẽ mang lại tăng trưởng cho Việt Nam trong tương lai?”. Việc này không phải chỉ riêng Bộ Kế hoạch Đầu tư nghiên cứu. Chúng tôi đã tập hợp quanh mình hàng trăm các chuyên gia hàng đầu của thế giới do Ngân hàng Thế giới (WB) đứng ra để mời, trong đó có những người từng giật giải Nobel thế giới và một đội ngũ chuyên gia sắc sảo của Việt Nam cùng các cán bộ các ngành, các cấp để tham gia vào nghiên cứu vấn đề này. 

Chúng tôi thấy rằng, một trong những vấn đề mà chúng ta phải tiếp tục và mang tính căn cơ nhất đó là tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế. Phải đổi mới thể chế kinh tế theo hướng xây dựng những nhân tố thị trường một cách đầy đủ hơn - vì chúng ta mới chớm chân vào kinh tế thị trường nền tảng, chưa xây dựng được đầy đủ các nhân tố thị trường. 

Bộ trưởng có thể ví dụ cụ thể hơn... 

Tôi nói đất đai là một ví dụ. Chúng ta tưởng là thị trường. Không có thị trường! Thị trường Việt Nam đang rất méo mó về đất đai do chúng ta chưa công nhận, chưa phân bạch được giữa quyền sử dụng và quyền sở hữu. Và như vậy, chuyện về đất đai đang là thị trường ngầm và không theo cơ chế thị trường. Nhiều vấn đề về phân bổ nguồn lực của đất nước này vẫn theo cơ chế hành chính thôi, không phải là cơ chế thị trường. 

Cơ chế thị trường là doanh nghiệp nào, nhân tố nào sử dụng nguồn lực đó, như vốn, đất đai, tài nguyên khoáng sản hiệu quả nhất thì doanh nghiệp đó, tổ chức đó được tiếp cận nguồn lực. Đã có cơ chế này chưa? Chưa! Nếu có thì chắc chắn sẽ tốt, hiệu quả hơn rất nhiều. Và còn nhiều vấn đề khác. 

Lao động cũng vậy. Lao động nói theo nghĩa rộng bao gồm cả bộ máy công quyền, doanh nghiệp và trong đời sống xã hội. Phải có một thị trường lao động, anh làm tốt thì anh được đãi ngộ cao, tôi có quyền nhận anh vào và ngày mai có quyền sa thải anh ra nếu không đạt yêu cầu. Chúng ta có làm được không? Nhận vào thì dễ, cho ra thì khó! 

Con người, thể chế là yếu tố quyết định! 

Tại diễn đàn VDPF vừa rồi, Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra vấn đề: “Việt Nam sẽ phát triển bằng nguồn lực nào trong thời gian tới”. Ông nhận định gì khi chuyên gia quốc tế đưa ra câu hỏi này? 

Thể chế và con người là hai yếu tố quyết định đến sự tăng trưởng của đất nước. Con người ở đây phải được sử dụng, chọn lựa từ những người lãnh đạo cấp cao nhất, chọn được những người tài năng nhất quản lý đất nước, trách nhiệm nhất với đất nước và trong tất cả. 

Những người tâm huyết, tài năng nhất cần phải được trọng dụng, đấy là nguồn sáng tạo vô cùng to lớn, có thể đưa một đất nước từ không có tài nguyên gì trở thành một nước phát triển mạnh mẽ như các quốc gia lân cận. 

Bên cạnh đó là cần một thể chế tốt. Còn tất cả những việc khác đều là nhỏ hết! Không phải là tài nguyên khoáng sản. Cũng không phải là vốn! Không cần! Đó chỉ là những điều kiện mà thôi. 

Chúng tôi cũng hy vọng rằng, trong tương lai Việt Nam sẽ tận dụng tốt hai lợi thế này. 

Giữ cương vị là một Bộ trưởng, ông suy nghĩ gì khi có nhiều báo cáo, nhiều chuyên gia nhận xét Việt Nam có nguy cơ bị tụt hậu xa so với khu vực? 

Việt Nam có những tiến triển lớn và đã được ghi nhận như tăng hạng về năng lực cạnh tranh. Tuy nhiên đó là chúng ta so với chính mình, còn so với bạn bè các nước bên cạnh, so với những quốc gia có cùng điều kiện với chúng ta trước đây thì mới thấy là trong nhiều lĩnh vực, chúng ta tụt hậu so với họ. 

Chúng ta chưa được hài lòng. Dễ thấy điều này mặc dù thế giới đánh giá Việt Nam khá cao, là một trong những quốc gia tăng trưởng nhanh nhất giai đoạn vừa qua, đạt được nhiều mục tiêu thiên niên kỷ… Tự hào lắm nhưng không được bằng lòng với những gì đạt được vì chúng ta còn có thể làm tốt hơn thế! 

Trong cuộc chạy đua này đừng nghĩ rằng cứ hơn chính mình giai đoạn trước thì chúng ta không tụt hậu. Bởi vì những người bên cạnh họ còn chạy nhanh hơn! 

Đây là một cuộc chạy đua. Tụt hậu chỉ là khái niệm tương đối. Năng suất lao động của Việt Nam thua họ nhiều lần, đó là tụt hậu. Năng suất xét cho cùng là yếu tố quan trọng nhất trong mọi thời đại. Chúng ta đã nhìn thấy năng suất lao động của Việt Nam thấp, chúng ta đã tụt hậu so với họ. Chúng ta nói về tăng trưởng năng suất lao động nhưng tốc độ tăng trưởng của chúng ta giảm dần và thua tốc độ tăng trưởng của các nước khác thì kinh tế Việt Nam sẽ không đuổi kịp họ đâu! 

… 

Kết thúc buổi phỏng vấn, vẫn còn nhiều điều phóng viên muốn hỏi và Bộ trưởng muốn sẻ chia… Đây cũng là lần cuối cùng ông ngồi lại với phóng viên để chia sẻ, trải lòng về một năm đã qua trên cương vị Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư. 

Hơn 4 giờ chiều, Bộ trưởng Vinh lại vội vã bước ra khỏi phòng để tham dự một cuộc họp quan trọng khác. Chai nước lọc đã mở nắp vẫn còn nguyên trên bàn… 

Chuyên đề

Kết nối đầu tư