Giá thuốc giảm 21,1% thông qua đấu thầu thuốc tập trung quốc gia. Ảnh: Nhã Chi |
Không thể chờ đến cuối năm 2018
“Nóng ruột” vì sự chậm trễ này, BHXH vừa gửi tiếp Công văn số 1191/BHXH-DVT đề nghị Bộ Y tế ban hành danh mục bổ sung thuốc đấu thầu tập trung cấp quốc gia do cơ quan này thực hiện.
Trước đó, BHXH đã có Công văn số 4996/BHXH-DVT ngày 8/11/2017 đề nghị Bộ Y tế tiếp tục xem xét ban hành bổ sung danh mục thuốc quốc gia đối với thuốc dùng trong lĩnh vực bảo hiểm y tế.
Cơ sở để mở rộng danh mục thuốc này là kết quả đạt được từ việc thí điểm tổ chức đấu thầu thuốc tập trung quốc gia với thuốc bảo hiểm y tế do BHXH tổ chức thực hiện với 5 hoạt chất. Cụ thể, giá thuốc giảm 21,1% (trong đó biệt dược gốc giảm 13,8%, thuốc generic giảm 33,3%), tiết kiệm 251 tỷ đồng chi phí thuốc cho người dân và giảm gánh nặng cho quỹ bảo hiểm y tế.
Tuy nhiên, theo BHXH, hiện cơ quan này chưa thể tổng kết, đánh giá việc thực hiện thí điểm tổ chức đấu thầu thuốc tập trung theo yêu cầu của Bộ Y tế, mà phải chờ đến cuối năm 2018. Nếu như phải chờ đến lúc đó mới tổ chức đấu thầu tiếp, thì BHXH chỉ có thể thực hiện đấu thầu tập trung cấp quốc gia sớm nhất là vào tháng 3/2019 và phải mất ít nhất 3 tháng nữa mới có kết quả đấu thầu. Như vậy, ít nhất 6 tháng đầu năm 2019, các cơ sở khám chữa bệnh sẽ phải thực hiện các hình thức cung ứng thuốc khác để bảo đảm đủ thuốc cho nhu cầu điều trị.
Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã yêu cầu “tiếp tục tổ chức đấu thầu tập trung để giảm giá thuốc, kể cả đối với biệt dược gốc theo chỉ đạo của Chính phủ”. Vì vậy, việc mở rộng danh mục thuốc đấu thầu tập trung không thể chờ đến cuối năm 2018.
Cân nhắc nguyên tắc, tiêu chí xây dựng danh mục
Đối với nguyên tắc, tiêu chí xây dựng danh mục thuốc đấu thầu tập trung, BHXH đề nghị không bổ sung tiêu chí “thuốc có từ 03 số đăng ký trở lên đối với mỗi nhóm thuốc để bảo đảm cạnh tranh trong công tác đấu thầu”. Bởi vì, theo BHXH, mặc dù một số thuốc có nhiều số đăng ký nhưng nhà thầu nhỏ không đủ năng lực để cung ứng thì việc đấu thầu cũng không thành công. Ngược lại, nếu thuốc có một số đăng ký nhưng năng lực cung ứng tốt, đưa vào đấu thầu tập trung giá thuốc giảm, thì vẫn bảo đảm đấu thầu thành công.
Liên quan đến danh mục thuốc biệt dược gốc, Dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư số 11/2016/TT-BYT ngày 11/5/2016 của Bộ Y tế quy định việc đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập đang được tổ chức lấy ý kiến rộng rãi. Điểm b Khoản 2 Điều 5 của Dự thảo Thông tư sửa đổi quy định, “các thuốc dự thầu vào gói thầu thuốc biệt dược gốc hoặc tương đương điều trị gồm thuốc biệt dược gốc, thuốc có tương đương điều trị với thuốc biệt dược gốc thuộc danh mục Bộ Y tế công bố, trừ thuốc biệt dược gốc được áp dụng hình thức đàm phán giá do Bộ Y tế ban hành và thuốc biệt dược gốc thuộc danh mục có nhiều số đăng ký lưu hành nhóm 1 và nhóm 2”.
Tuy nhiên, quy định này nhận được sự phản đối mạnh mẽ của Hiệp hội Doanh nghiệp sản xuất dược. Hiệp hội này cho rằng nên tổ chức đấu thầu rộng rãi đối với cả thuốc biệt dược gốc thuộc danh mục có nhiều số đăng ký lưu hành nhóm 1 và nhóm 2, thay vì hình thức đàm phán giá như Bộ Y tế đề xuất. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ mới đây cũng nhấn mạnh tới tính minh bạch và cơ sở pháp lý rõ ràng của đấu thầu rộng rãi, trong khi đàm phán giá lại chưa có cơ sở và tiêu chí cụ thể, rõ ràng, xác định trách nhiệm của các bên.