Doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam khó cạnh tranh với doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp FDI. Ảnh: Lê Tiên |
Chính những ưu đãi này sẽ tạo ra một thị trường rất méo mó và phải loại bỏ ngay hành vi phản cạnh tranh này.
Sợ cạnh tranh
Tại Hội thảo “Xây dựng và thực thi chính sách toàn diện về cạnh tranh: Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam”, ông Cung cho biết, sau khoảng 30 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu kinh tế - xã hội. Song khi chuyển sang nền kinh tế thị trường, chúng ta vẫn còn khiếm khuyết. “Ở Việt Nam sau 30 năm đổi mới, chúng ta vẫn có cảm giác sợ cạnh tranh, thúc đẩy cạnh tranh”, Viện trưởng CIEM bày tỏ. Thêm vào đó, ông Cung chỉ ra một thực tế: “Cho đến giờ này tôi cũng chưa thấy sự thay đổi nào về mặt tư duy để cải thiện chất lượng chính sách cạnh tranh một cách thực chất ở Việt Nam”.
Đề cập sâu hơn đến vấn đề cạnh tranh giữa các doanh nghiệp nhà nước (DNNN), doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), doanh nghiệp tư nhân (DNTN) trong nền kinh tế thị trường, ông Michael Woods, chuyên gia tư vấn quốc tế về cạnh tranh cho rằng: “Chính sách cạnh tranh chỉ đạt được khi chúng ta có một thị trường cạnh tranh bình đẳng. Trong thị trường này, DNNN không thể có lợi thế cạnh tranh hơn DNTN”.
Chia sẻ kinh nghiệm của Chính phủ Australia đối với vến đề này, ông Michael Woods cho biết: “Các DNNN của Australia phải cạnh tranh bình đẳng với các DNTN trong nước trong việc tuân thủ các luật (cạnh tranh, lao động, môi trường…); tiếp cận vốn; trả các khoản phí, khoản phạt… Trong trường hợp các DNTN nhận thấy họ không có sự cạnh tranh bình đẳng với các DNNN, họ có quyền khiếu nại và báo cáo công khai cho Chính phủ cùng các cơ quan liên quan”.
Loại bỏ những ưu đãi bất hợp lý
Nhấn mạnh cạnh tranh đang là câu chuyện rất lớn của Việt Nam, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan lo ngại: “Trong số các thành viên tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) thì năng lực cạnh tranh của Việt Nam là thấp nhất, cả về năng lực thể chế hay năng lực của DN”. Đáng buồn hơn, trong khối ASEAN, Việt Nam đang xếp ở vị trí thứ 7, trong khi đó vị trí này lại đang bị thách thức bởi các nước có thứ hạng thấp hơn như Lào, Campuchia, Myanmar”.
Theo bà Lan, chúng ta cần chấm dứt ngay những ưu đãi không cạnh tranh dành cho khối DNNN, DN FDI. Dẫn chứng cho luận điểm này, bà Lan cho rằng: “Lâu nay, DNNN vẫn là ưu tiên số 1, tiếp theo là DN FDI rồi mới đến DNTN”. Bà Lan nêu lên một thực tế, ở Dự án Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn, do Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) làm chủ đầu tư với tổng vốn đầu tư lên tới 9 tỷ USD, mặc dù đến thời điểm này, Dự án vẫn chưa hoàn thành nhưng luôn “đòi” ưu đãi tính toán lên tới 3 tỷ USD. “Như vậy, khoản đầu tư 9 tỷ USD có ý nghĩa gì đối với nền kinh tế?”, bà Lan đặt câu hỏi.
Câu chuyện cạnh tranh giữa các DN cũng được nhiều đại biểu tại Hội thảo nhắc tới ở lĩnh vực cung ứng dịch vụ công, huy động trái phiếu chính phủ… Để nâng cao sức cạnh tranh của DN Việt Nam cũng như toàn nền kinh tế, nhiều ý kiến đại biểu đề xuất: Chính phủ cần xây dựng chính sách cạnh tranh hiệu quả để thị trường vận hành một cách tự do, linh hoạt. Trong thị trường này, các nguồn lực được phân bổ hợp lý, những ưu đãi trợ cấp không phù hợp phải được loại bỏ.
Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương:
Chúng ta đang xây dựng nền kinh tế thị trường hiện đại, đầy đủ mà cốt lõi của thị trường này là cạnh tranh, nếu thiếu cạnh tranh thì không thể có kinh tế thị trường. Hoạt động cạnh tranh phải là cạnh tranh công bằng, lành mạnh. Do vậy, việc xây dựng chính sách cạnh tranh là một bộ phận quan trọng hay nói đúng hơn là trụ cột của kinh tế thị trường hiện đại, đầy đủ.