3 ngân hàng lỗ lớn mùa cuối năm 2015

Mùa báo cáo tài chính quý IV/2015 khép lại với nhiều gam màu sáng trong bức tranh lợi nhuận ngành ngân hàng, tuy nhiên bên cạnh những con số lãi nghìn tỷ đồng vẫn còn những con sóng ngược dòng.
3 ngân hàng lỗ lớn mùa cuối năm 2015

Sacombank

Đây là ngân hàng báo lỗ nhiều nhất trong quý cuối của năm 2015. Nguyên nhân được cho là ngân hàng đã “gánh hạn” từ Southernbank nên mới chịu ảnh hưởng lớn trong quý đầu tiên khi hoàn tất sáp nhập.

Cụ thể, tổng lợi nhuận trước dự phòng rủi ro của Sacombank quý IV/2015 là 387 tỷ đồng, giảm 42,6% so với cùng kỳ và cả năm giảm 10,5% xuống 3.403 tỷ đồng.

Tuy nhiên do dự phòng rủi ro tăng vọt, từ mức 187 tỷ đồng cùng kỳ năm 2014 lên tới 1.125 tỷ đồng trong quý cuối năm 2015, tương đương dự phòng tăng gấp hơn 6 lần; và cả năm phần dự phòng cũng tăng gấp hơn 2 lần khiến cho lợi nhuận của ngân hàng bị ảnh hưởng nặng nề.

Riêng quý IV, Sacombank lỗ trước thuế 738 tỷ đồng và lỗ sau thuế 583 tỷ đồng. Lũy kế cả năm, Sacombank lãi trước thuế 1.289 tỷ đồng, giảm 55% cùng kỳ nhưng vẫn vượt 30% so với chỉ tiêu đề ra cho cả năm (chỉ tiêu điều chỉnh sau khi nhận sáp nhập Southern Bank ở mức 1.002 tỷ trước thuế và sau thuế 782 tỷ đồng).

Như vậy, kết quả kinh doanh quý IV đã làm cho lợi nhuận của ngân hàng “bốc hơi” gần một nửa thành quả đạt được trong 9 tháng đầu năm là 2.140 tỷ đồng.

Giải trình cho lý do khiến ngân hàng bị lỗ trong quý IV, Sacombank cho biết có 3 nguyên nhân. Thứ nhất là Thu nhập lãi thuần giảm 348,5 tỷ đồng do chi phí trả lãi tiền gửi và tiền vay tăng 1.153,1 tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi của khách hàng tăng 96.332 tỷ đồng và lãi suất huy động cũng tăng lên chi phí trả lãi tăng 1.151 tỷ đồng; tiền vay tăng 533 tỷ đồng, chi phí trả lãi vay giảm 4,5 tỷ đồng; chi phí khác tăng 6 tỷ đồng.

Thu nhập lãi tăng 804,6 tỷ đồng, trong đó, dư nợ cho vay tăng 59.655 tỷ đồng và lãi suất cho vay cũng tăng nên thu nhập lãi vay tăng 872 tỷ đồng; Tiền gửi đình kỳ tài các TCTD bình quân trong quý tăng so với cùng kỳ năm trước nên thu nhập lãi tiền gửi tăng 13,5 tỷ đồng; Đầu tư chứng khoán nợ  giảm 2.016 tỷ đồng nên thu lãi từ chứng khoán nợ giảm 79,2 tỷ đồng và thu nhập lãi khác giảm 2,1 tỷ đồng.

Nguyên nhân thứ 2 khiến Sacombank lỗ quý IV là thu nhập từ các hoạt động khác giảm 18,9 tỷ đồng.

Nguyên nhân thứ 3 là do chi từ các hoạt động khác tăng 622 tỷ đồng. Cụ thể, chi phí dự phòng tín dụng tăng 938,1 tỷ đồng.

Eximbank

Đầu năm 2015, thị trường đã ngạc nhiên trước sự cải thiện của Eximbank khi đạt lợi nhuận trước thuế 545 tỷ đồng ở quý I, tăng 23,6% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế cũng tăng tương đương và đạt 422 tỷ đồng. Tuy nhiên càng về cuối năm, ngân hàng càng “đuối sức”. Theo nhận định của một chuyên gia trong ngành, Eximbank vẫn loay hoay ở cuối đường hầm mà chưa tìm ra ánh sáng để hồi phục tình hình kinh doanh của mình.

Mặc dù lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước chi phí dự phòng của ngân hàng trong quý IV đạt 346 tỷ đồng tuy nhiên bất ngờ lợi nhuận trước thuế quý IV của Eximbank âm 588 tỷ đồng. Nguyên nhân khiến Eximbank lỗ trong quý này là do ngân hàng đã trích lập dự phòng rủi ro lên tới 935 tỷ đồng.

Trong 3 năm trở lại đây, Eximbank đều báo lỗ lớn vào quý cuối năm do khoản dự phòng rủi ro tăng đột biến. Quý IV/2013 là quý đầu tiên Eximbank báo lỗ, với lợi nhuận sau thuế âm 221,6 tỷ đồng.

Riêng quý IV năm 2014 dự phòng 869 tỷ đồng (gấp 5 lần mức dự phòng cùng kỳ 2013) đã khiến ngân hàng lỗ tới 678 tỷ đồng.

Lũy kế cả năm 2015, Eximbank ghi nhận 89 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế và âm 26 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Kết quả này gần như không đáng kể so với kế hoạch 1.000 tỷ đồng mà đại hội cổ đông đã giao phó.

ABBank

ABBank là ngân hàng thứ ba báo lỗ lớn trong quý cuối năm 2015. So với cùng kỳ năm 2014, chi phí hoạt động quý IV/2015 tăng mạnh 28% lên 376 tỷ đồng. Ngoài ra chi phí dự phòng rủi ro tín dụng cũng tăng 33% lên 284 tỷ đồng, gấp 2,4 lần lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh. Chính vì vậy khiến tổng lợi nhuận trước thuế quý IV của ABBank lỗ gần 168 tỷ đồng.

Lỗ sau thuế trong quý IV/2015 của ABBank sau khi được hoàn nhập thuế giảm xuống còn 153 tỷ đồng. Cùng kỳ năm trước ABBank cũng lỗ gần 48 tỷ đồng.

Lũy kế cả năm, ABBank đạt 117 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, giảm 22,5%. Lợi nhuận sau thuế đạt 89,6 tỷ đồng, giảm 23% so với năm 2014. 

Chuyên đề

Kết nối đầu tư