Báo Đấu thầu bình chọn 10 sự kiện nổi bật của đất nước năm 2015.
1. Kỷ niệm 70 năm thành lập nước (1945 - 2015)
Lễ kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 là một sự kiện trọng đại của đất nước. Cách đây 70 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân ta đã làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám vĩ đại. Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đánh dấu một mốc son chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước vẻ vang của dân tộc ta.
70 năm qua, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã đổ biết bao công sức, trí tuệ, hy sinh xương máu để giữ vững thành quả độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; xây dựng đời sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân; thúc đẩy quan hệ đối ngoại ngày càng mở rộng, uy tín, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao.
Nhờ vậy, sức mạnh tổng hợp của quốc gia đã tăng lên, tạo ra thế và lực mới cho đất nước tiếp tục phát triển với những triển vọng tốt đẹp và là hành trang quý báu của dân tộc ta trong công cuộc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Lễ kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam diễn ra trong bối cảnh đất nước ta đang đứng trước thời cơ, vận hội lớn, đồng thời cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Ôn lại lịch sử hào hùng của dân tộc, chúng ta tin tưởng rằng một dân tộc có nền văn hiến lâu đời, có trí tuệ, bản lĩnh, truyền thống kiên cường, bất khuất, cần cù, thông minh, sáng tạo, đã từng làm nên những chiến công hiển hách, nhất định sẽ lập nên những kỳ tích mới trong sự nghiệp xây dựng thành công một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh và bảo vệ vững chắc Tổ quốc.
2. Đại hội Đảng các cấp thành công tốt đẹp
Với tinh thần đoàn kết, dân chủ, trí tuệ và trách nhiệm, Đại hội Đảng bộ các cấp đã thành công tốt đẹp, là tiền đề quan trọng để tổ chức thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Từ ngày 15/9 đến ngày 3/11/2015, 63 tỉnh, thành phố trên cả nước đã tiến hành tổ chức Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2015 - 2020, mở đầu là Đại hội Đảng bộ tỉnh Hòa Bình khai mạc vào ngày 15/9/2015 và kết thúc là Đại hội Đảng bộ TP. Hà Nội bế mạc vào ngày 3/11/2015.
Đây là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, xác định phương hướng nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020.
Tháng 12/2015, tại Hội nghị lần thứ 13 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI đã quyết định sẽ triệu tập Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng từ ngày 20/1/2016 đến ngày 28/1/2016 tại Thủ đô Hà Nội. Đến nay, đã có 26 triệu lượt ý kiến đóng góp xây dựng các văn kiện trình Đại hội XII của Đảng.
3. Tăng trưởng GDP cao nhất trong 5 năm qua
Năm 2015, tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt trên 6,68%, cao hơn mức 6,2% do Quốc hội đề ra. Đây là mức tăng trưởng kinh tế cao nhất kể từ năm 2011, là thành tựu đáng được ghi nhận trong việc thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2015. Điều này cho thấy, nền kinh tế có chuyển biến tích cực, tạo đà cho việc hoàn thành các mục tiêu đề ra trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020.
Trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, kết quả tăng trưởng kinh tế 2015 đã cho thấy sự quyết liệt trong lãnh đạo, điều hành của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và sự giám sát sát sao của các cơ quan dân cử, sự đồng thuận nỗ lực chung tay của cộng đồng doanh nghiệp và toàn thể nhân dân.
4. Nhiều bộ luật quan trọng với tư duy đột phá có hiệu lực thi hành
Nhiều bộ luật quan trọng với tư duy đột phá trong điều hành phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là tư duy “chọn bỏ” thay vì “chọn cho”, đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành trong năm 2015. Trong đó, nổi bật có Luật Đầu tư công (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2015), Luật Đầu tư 2014 và Luật Doanh nghiệp 2014 (đều có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2015).
“Chọn bỏ” là những gì cấm thì ghi vào trong luật. Doanh nghiệp và người dân được quyền làm tất cả những gì pháp luật không cấm. Đây là một thay đổi rất mạnh mẽ của Chính phủ và của Quốc hội, là phương pháp tiếp cận tiên tiến và minh bạch. Tư duy lâu nay chúng ta vẫn làm là tư duy “chọn cho”.
Thủ tục đầu tư, kinh doanh được cải tiến mạnh mẽ theo tư duy “chọn bỏ” là đột phá ấn tượng nhất trong các bộ luật nêu trên, được cộng đồng nhà đầu tư, doanh nghiệp hết sức hoan nghênh. Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan đi đầu trong việc mạnh dạn “vượt qua chính mình” để tạo nên những đột phá về tư duy và cách làm mới này ngay từ phương pháp tiếp cận xây dựng luật và các văn bản hướng dẫn thi hành, nhằm tạo động lực mới cho cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh và thực sự đem lại lợi ích cụ thể cho các doanh nghiệp, nhất là khu vực kinh tế tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa.
5. Cộng đồng ASEAN ra đời, Việt Nam đàm phán và ký kết nhiều FTA
Vào ngày cuối cùng của năm 2015, ngày 31/12, Cộng đồng ASEAN (Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á) chính thức ra đời với 3 trụ cột chính là Cộng đồng Chính trị - An ninh, Cộng đồng Kinh tế (AEC) và Cộng đồng Văn hóa - Xã hội. Sự kiện này là dấu mốc lịch sử trong quan hệ của các nước ASEAN.
Đặc biệt, khi AEC hình thành, Việt Nam có cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu, tăng thu hút đầu tư nước ngoài và lao động chất lượng cao cũng như có thêm nhiều việc làm. Tuy nhiên, thách thức về sức ép cạnh tranh đối với doanh nghiệp và hàng hoá trong nước là rất lớn.
Trong năm 2015, Việt Nam đã hoàn tất đàm phán, ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), FTA Việt Nam - Hàn Quốc (ký kết ngày 5/5/2015) và FTA Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á - Âu (ký ngày 29/5/2015), kết thúc đàm phán FTA Việt Nam - Liên minh châu Âu (ký Thỏa thuận chính thức kết thúc đàm phán EVFTA vào ngày 2/12/2015) và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP, công bố ngày 5/10/2015)… đưa nước ta bước vào thời kỳ hội nhập sâu rộng về cả kinh tế, chính trị - xã hội và ngoại giao, mở ra thời kỳ phát triển mới cho Việt Nam, thúc đẩy cải cách trong nước cả khu vực công và khu vực tư, buộc nền kinh tế nước ta phải nâng cao năng lực cạnh tranh.
6. Kết thúc đàm phán TPP, lần đầu tiên Việt Nam mở cửa thị trường mua sắm công
Tháng 10/2015, 12 nước TPP gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zeland, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam đã đạt được thỏa thuận chung sau nỗ lực đàm phán suốt 5 năm. TPP mở ra nhiều cơ hội và thách thức cho Việt Nam. Nếu tận dụng tốt cơ hội, TPP có thể giúp GDP Việt Nam tăng thêm 23,5 tỷ USD vào năm 2020 và 33,5 tỷ USD vào năm 2025. Vốn đầu tư từ các nước nội và ngoại khối TPP vào thị trường Việt Nam dự báo sẽ tăng cao. Việt Nam sẽ đẩy mạnh xuất khẩu sang các nước thành viên TPP khi thuế quan dần giảm về 0.
Điểm đặc biệt của TPP là lần đầu tiên Việt Nam tham gia mở cửa thị trường mua sắm công. Khác với WTO, các nước tham gia có thể chọn tham gia Hiệp định Mua sắm chính phủ (GPA) hoặc không, nhưng với TPP thì Chương Mua sắm chính phủ dành cho tất cả các thành viên, buộc phải tham gia. Mua sắm công là thị trường đầy tiềm năng, trung bình chiếm khoảng 15% GDP của mỗi quốc gia, với tổng giá trị trên 1,3 nghìn tỷ USD trên toàn cầu. Với TPP, các nhà thầu trong nước sẽ phải vươn lên và cạnh tranh chân chính.
Bên cạnh nhiều cơ hội như cải thiện thể chế, nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng xuất khẩu và đẩy mạnh thu hút đầu tư, sức ép đối với khu vực công lẫn doanh nghiệp là không hề nhỏ. Cạnh tranh khốc liệt nhất được đánh giá là đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, với ngành chăn nuôi, nông nghiệp; nhiều ngành khác cũng chịu sức ép lớn.
7. Giá dầu giảm kỷ lục trong 11 năm qua, ngân sách thất thu lớn
Giá dầu trong năm 2015 biến động mạnh nhất trong gần 11 năm qua với mức giá đầu năm là 60 USD/thùng và cuối năm rớt xuống dưới 35 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ năm 2004 và đang có nhiều quan ngại rằng, giá dầu có thể giảm xuống mức 20 USD/thùng.
Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) không chịu giảm sản lượng khai thác và việc dư thừa nguồn cung trong khi nhu cầu tiêu thụ yếu là nguyên nhân khiến giá dầu mỏ “lao dốc không phanh”. Giá dầu sụt giảm đã tác động mạnh đến thị trường tài chính thế giới. Giá các cổ phiếu thuộc nhóm năng lượng đồng loạt sụt giảm.
Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu dầu thô, nên việc giá dầu giảm đã tác động tiêu cực đến xuất khẩu, thu ngân sách và cả nền kinh tế, đặc biệt là các doanh nghiệp ngành dầu khí. Năm 2015, dự toán nguồn thu từ dầu thô là 93.000 tỷ đồng, với giá dầu dự toán 98 USD/ thùng. Tuy nhiên, ước tính của Bộ Tài chính tới 15/12/2015, nguồn thu ngân sách từ dầu thô đạt 66.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 6% tổng thu ngân sách nhà nước. Giá dầu thô hiện dưới mức 40 USD/ thùng và giá dầu thanh toán bình quân đạt khoảng 57 USD/thùng, giảm 41 USD/thùng so giá dự toán.
8. Báo động nợ công, dù ở giới hạn cho phép
Theo số liệu được Bộ Tài chính công bố, tỷ lệ nợ công ước tính đã tăng lên khoảng 60,3% GDP trong năm 2014 và khoảng 64% GDP năm 2015. Báo cáo trước Quốc hội tại Kỳ họp cuối năm 2015, Bộ Tài chính nhận định, nợ công hiện vẫn ở dưới mức cho phép theo Nghị quyết của Quốc hội là 65%. Theo số tuyệt đối, nợ công trong những năm gần đây có xu hướng tăng. Còn nếu so với GDP, tỷ lệ này thay đổi không nhiều.
Số liệu được bộ phận nghiên cứu của The Economist cung cấp, và thể hiện trên Đồng hồ đo nợ công được cập nhật theo thời gian thực. Theo đó, đến ngày 28/12/2015, nợ công của Việt Nam được ước tính ở mức 94,34 tỷ USD, chiếm 45,7% GDP. Tính trung bình, mỗi người dân Việt đang gánh 1.034 USD nợ công.
Tuy nợ công đang ở giới hạn cho phép, nhưng tại Kỳ họp vừa qua của Quốc hội khóa XIII, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, nợ công đã đe dọa an ninh tài chính vĩ mô và đề nghị Bộ Tài chính xem xét các biện pháp cân đối thu ngân sách nhà nước đúng, đủ để đảm bảo khả năng trả nợ của quốc gia.
9. Giải ngân FDI đạt kỷ lục
Giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong cả năm 2015 ước đạt 14,5 tỷ USD, tăng 17,4% so với năm 2014. Số vốn giải ngân 11 tháng lên đến 13,2 tỷ USD, tăng 17,9% so với năm 2014. Mức giải ngân đạt được trong năm nay cao chưa từng có trong vòng 5 năm qua. Vốn giải ngân tăng cao, nhiều dự án FDI đi vào hoạt động đang và sẽ tạo động lực cho nền kinh tế, tạo ra cơ hội tốt cho doanh nghiệp trong nước đầu tư, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu; và là tín hiệu cho thấy môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam tốt lên, nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục tin tưởng lựa chọn Việt Nam là điểm đến.
Số vốn FDI cam kết trong năm nay, tính đến ngày 15/12, đạt 22,76 tỷ USD, tăng 12,5% so với năm ngoái (21,9 tỷ USD). Lý giải nguyên nhân của sự gia tăng thu hút vốn FDI và mức giải ngân kỷ lục này, các chuyên gia cho rằng, cơ hội từ TPP đã giúp thu hút nhiều công ty di dời dây chuyền lắp ráp và nhà máy sản xuất đến Việt Nam để tận dụng những lợi thế về chi phí.
10. Kết cấu hạ tầng giao thông “thay da đổi thịt”
Nhiều công trình giao thông lớn được hoàn thiện, đưa vào sử dụng trong năm 2015 đã góp phần làm nên “bộ mặt mới” khang trang hơn cho kết cấu hạ tầng giao thông Việt Nam. Mở đầu là việc khánh thành và đưa vào sử dụng 3 công trình lớn, gồm Nhà ga T2 Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, cầu Nhật Tân (Cầu Hữu nghị Việt Nhật), đường nối giữa sân bay Nội Bài với cầu Nhật Tân (đường Võ Nguyên Giáp) vào ngày 4/1/2015; tiếp đến là hàng loạt công trình lớn lần lượt được hoàn thành và đưa vào sử dụng trong năm 2015 đã tạo đột phá về phát triển hạ tầng, như: nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 từ Thanh Hóa đến Cần Thơ; đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây; đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên; cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Nội Bài - Lào Cai…
Cùng với các công trình giao thông lớn đóng vai trò huyết mạch của nền kinh tế, nhiều công trình giao thông nông thôn được xây dựng qua phong trào cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới đã làm cho bộ mặt kết cấu hạ tầng giao thông của nước ta được cải thiện đáng kể. Các công trình này góp phần tạo chuyển biến rõ rệt cho bộ mặt kết cấu hạ tầng giao thông khắp trên mọi miền đất nước; giúp nâng cao năng lực vận tải, đẩy mạnh giao thương, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế vùng miền, đưa kết cấu hạ tầng Việt Nam bắt kịp xu thế hội nhập.