Kiểm toán Nhà nước tiến hành kiểm toán tại Vietinbank từ 10/10/2016 đến 24/10/2016. Ảnh: Lê Tiên |
Ngân hàng Nhà nước là lực lượng chủ lực, chủ đạo
Trước mắt, Kiểm toán Nhà nước tiến hành kiểm toán tại Ngân hàng Nhà nước (từ 25/4/2016 đến 25/5/2016), sau đó sẽ tiến hành kiểm toán tại Agribank (từ 15/9/2016 đến 29/9/2016), Vietinbank (từ 10/10/2016 đến 24/10/2016) và BIDV (từ 25/10/2016 đến 8/11/2016).
Theo ông Đoàn Xuân Tiên, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước, việc cơ cấu lại TCTD trong giai đoạn 2011 - 2015 là nhằm tập trung lành mạnh hóa tình trạng tài chính và củng cố năng lực hoạt động của các TCTD; cải thiện mức độ an toàn và hiệu quả hoạt động của hệ thống TCTD; nâng cao trật tự, kỷ cương và nguyên tắc thị trường trong hoạt động ngân hàng. Sau giai đoạn cơ cấu lại căn bản, triệt để và toàn diện, mục tiêu đặt ra là năm 2020 phát triển được hệ thống TCTD đa năng theo hướng hiện đại, hoạt động an toàn, hiệu quả vững chắc với cấu trúc đa dạng về sở hữu, quy mô, loại hình, có khả năng cạnh tranh lớn hơn và dựa trên nền tảng công nghệ, quản trị ngân hàng tiên tiến phù hợp với thông lệ, chuẩn mực quốc tế về hoạt động ngân hàng nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu về dịch vụ tài chính, ngân hàng của nền kinh tế.
Vẫn theo ông Tiên, cơ cấu lại hệ thống TCTD và từng TCTD là một quá trình thường xuyên, liên tục nhằm khắc phục những khó khăn, yếu kém và chủ động đối phó với những thách thức để các TCTD không ngừng phát triển một cách an toàn, hiệu quả, vững chắc và đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới. Cơ cấu lại còn nhằm thực hiện mục tiêu củng cố, phát triển hệ thống TCTD đa dạng về sở hữu, quy mô và loại hình phù hợp với đặc điểm và trình độ phát triển của nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
Hệ thống TCTD sau khi hoàn thành tái cơ cấu sẽ bao gồm một số ngân hàng lớn, hoạt động lành mạnh đóng vai trò làm trụ cột trong hệ thống, có khả năng cạnh tranh trong khu vực, đồng thời có những ngân hàng vừa và nhỏ, TCTD phi ngân hàng đáp ứng tốt hơn nhu cầu dịch vụ ngân hàng của mọi tầng lớp trong xã hội. Nâng cao vai trò, vị trí chi phối, dẫn dắt thị trường của các TCTD Việt Nam, đặc biệt là bảo đảm các ngân hàng thương mại nhà nước (ngân hàng 100% vốn nhà nước và ngân hàng có cổ phần chi phối của Nhà nước) thật sự là lực lượng chủ lực, chủ đạo của hệ thống TCTD, đồng thời có đủ năng lực cạnh tranh trong nước và quốc tế. Trong giai đoạn 2016 - 2020, Nhà nước tiếp tục khuyến khích việc sáp nhập, hợp nhất, mua lại các TCTD theo nguyên tắc tự nguyện, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền và các quyền, nghĩa vụ kinh tế của các bên có liên quan theo quy định của pháp luật.
Vẫn còn trên 131.822 tỷ đồng nợ xấu
Kết quả kiểm toán mới được Kiểm toán Nhà nước công bố cho thấy, các tổ chức tài chính, ngân hàng được kiểm toán cơ bản hoàn thành nhiệm vụ được giao; kinh doanh có lãi và bảo đảm các chỉ tiêu an toàn trong hệ thống; thanh khoản trong hệ thống ngân hàng được cải thiện, bảo đảm khả năng thanh toán và chi trả của toàn hệ thống. “Ngân hàng Nhà nước cơ bản đã triển khai đầy đủ các nội dung của Đề án Cơ cấu lại các TCTD giai đoạn 2011 - 2015 theo Quyết định 254/QĐ-TTg và đã đạt được một số kết quả nhất định. Đặc biệt là việc xử lý nợ xấu. Tính đến 31/12/2013, Công ty Quản lý tài sản của các TCTD (VAMC) đã tích cực mua nợ xấu của các TCTD với tổng số nợ xấu đã mua là 30.947 tỷ đồng tính đến 31/12/2013 và đến 31/12/2014 đã mua tổng cộng 33.220 tỷ đồng, góp phần đáng kể giảm tỷ lệ nợ xấu của các TCTD”, ông Đào Văn Dũng, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp thuộc Kiểm toán Nhà nước cho biết.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, sau 4 năm thực hiện tái cơ cấu với nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt, tình hình tài chính và hoạt động kinh doanh của hệ thống ngân hàng được củng cố, chấn chỉnh và lành mạnh hóa; hệ thống quản trị được cải thiện một bước quan trọng.
Cụ thể, tính đến 31/12/2015, tổng nguồn vốn huy động đạt 5.148.700 tỷ đồng, tăng 696.500 tỷ đồng so với cuối năm 2014. Dư nợ tín dụng nền kinh tế toàn hệ thống đạt 4.657.000 tỷ đồng, tăng 686.600 tỷ đồng so với cuối năm 2014. Tổng vốn điều lệ của toàn hệ thống ngân hàng đạt 460.300 tỷ đồng, tăng 24.600 tỷ đồng so với năm 2014. Vốn chủ sở hữu toàn hệ thống cuối tháng 12/2015 đạt 556.100 tỷ đồng, tăng 20.300 tỷ đồng so với năm 2014...
Cũng theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối năm 2015, tổng nợ xấu của toàn hệ thống là 131.800 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 2,55%, giảm 83.100 tỷ đồng (38,7%) so với cuối năm 2014. Trong năm 2015, tổng các khoản nợ xấu được xử lý đạt 187.000 tỷ đồng; năm 2014 xử lý được gần 143.550 tỷ đồng, tăng hơn 55.572 tỷ đồng so với năm 2013 (xem bảng).