Yêu cầu khó đáp ứng tại 4 dự án điện gió nghìn tỷ

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - 4 dự án nhà máy điện gió tại huyện Krông Búk (Đắk Lắk) với tổng quy mô công suất 200 MW, sơ bộ tổng chi phí thực hiện khoảng 7.673 tỷ đồng đã lựa chọn được nhà đầu tư đạt đánh giá sơ bộ năng lực, kinh nghiệm. Mỗi dự án chỉ có duy nhất 1 nhà đầu tư đạt đánh giá sơ bộ. 4 nhà đầu tư này đều có chung 2 thành viên sáng lập.
4 dự án nhà máy điện gió tại huyện Krông Búk (Đắk Lắk) có tổng quy mô công suất 200 MW, sơ bộ tổng chi phí thực hiện khoảng 7.673 tỷ đồng. Ảnh: Lê Tiên
4 dự án nhà máy điện gió tại huyện Krông Búk (Đắk Lắk) có tổng quy mô công suất 200 MW, sơ bộ tổng chi phí thực hiện khoảng 7.673 tỷ đồng. Ảnh: Lê Tiên

Các dự án nói trên bao gồm: Dự án Nhà máy Điện gió Krông Búk 1 có sơ bộ tổng chi phí thực hiện 1.784 tỷ đồng, chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (BTHTTĐC) khoảng 66 tỷ đồng; Dự án Nhà máy Điện gió Krông Búk 2 có sơ bộ tổng chi phí thực hiện 1.802 tỷ đồng, chi phí BTHTTĐC khoảng 65 tỷ đồng; Dự án Nhà máy Điện gió Cư Né 1 có sơ bộ tổng chi phí thực hiện 2.177 tỷ đồng, chi phí BTHTTĐC khoảng 32 tỷ đồng; Dự án Nhà máy Điện gió Cư Né 2 có sơ bộ tổng chi phí thực hiện 1.910 tỷ đồng, chi phí BTHTTĐC là 42 tỷ đồng.

4 dự án được công bố danh mục ngày 20/11/2020. Đến nay, cả 4 dự án đều được Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tỉnh Đắk Lắk công bố kết quả đánh giá sơ bộ năng lực, kinh nghiệm nhà đầu tư thực hiện dự án.

Trong đó, Dự án Nhà máy Điện gió Krông Búk 1 chỉ có 1 nhà đầu tư nộp hồ sơ đăng ký thực hiện và đạt đánh giá sơ bộ năng lực, kinh nghiệm là Công ty TNHH Đầu tư năng lượng mới KrongBuk.

Dự án Nhà máy Điện gió Krông Búk 2 có 2 nhà đầu tư nộp hồ sơ đăng ký thực hiện là Công ty TNHH Năng lượng gió KrongBuk và Công ty TNHH Đầu tư năng lượng mới KrongBuk. Tuy nhiên, trong quá trình đánh giá hồ sơ, Công ty TNHH Đầu tư năng lượng mới KrongBuk đã có văn bản xin rút, không đăng ký thực hiện Dự án. Công ty TNHH Năng lượng gió KrongBuk là nhà đầu tư duy nhất đạt đánh giá sơ bộ năng lực, kinh nghiệm.

Dự án Nhà máy Điện gió Cư Né 1 chỉ có Công ty TNHH Đầu tư năng lượng tái tạo Cư Né nộp hồ sơ đăng ký thực hiện và đạt đánh giá sơ bộ năng lực, kinh nghiệm. Tại Dự án Nhà máy Điện gió Cư Né 2, Công ty TNHH Đầu tư và Quản lý điện gió Cư Né là nhà đầu tư duy nhất nộp hồ sơ và đạt đánh giá sơ bộ năng lực, kinh nghiệm.

Theo tìm hiểu, 4 nhà đầu tư đạt đánh giá sơ bộ năng lực, kinh nghiệm tại 4 dự án nêu trên có nhiều điểm tương đồng như: thành lập doanh nghiệp cùng ngày, có cùng thành viên góp vốn sáng lập, trước thời điểm 20/7/2020 có cùng người đại diện theo pháp luật…

Cụ thể, 4 doanh nghiệp đều được thành lập ngày 2/8/2019. Trong đó, Công ty TNHH Năng lượng gió KrongBuk có địa chỉ tại phường Hà Cầu, quận Hà Đông, TP. Hà Nội. Công ty TNHH Đầu tư năng lượng mới KrongBuk có địa chỉ tại phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội. Công ty TNHH Đầu tư năng lượng tái tạo Cư Né có địa chỉ tại phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội. Công ty TNHH Đầu tư và Quản lý điện gió Cư Né có địa chỉ tại phường La Khê, quận Hà Đông, TP. Hà Nội.

Người đại diện theo pháp luật của cả 4 doanh nghiệp là bà Trần Thị Mỹ Hạnh. Vốn điều lệ của mỗi doanh nghiệp được ghi nhận tại thời điểm thành lập đều là là 4,55 tỷ đồng. 4 doanh nghiệp đều cùng có danh sách thành viên góp vốn gồm: Công ty CP Đầu tư xây dựng Hamek (phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội) góp 30% vốn; Sgtndl Renewable Energy Investment Pte. Ltd (Singapore) góp 70% vốn. Ngày 20/7/2020, cả 4 doanh nghiệp đều thay đổi người đại diện theo pháp luật, sang 4 cá nhân đều mang quốc tịch Trung Quốc.

Khi phát hành hồ sơ mời nhà đầu tư quan tâm, tại phụ lục yêu cầu sơ bộ về năng lực tài chính, kinh nghiệm của nhà đầu tư thực hiện 4 dự án ban hành kèm theo các quyết định phê duyệt danh mục dự án, có yêu cầu về đo gió. Cụ thể, “tính đến thời điểm hết hạn nộp hồ sơ đăng ký thực hiện dự án, nhà đầu tư phải cung cấp báo cáo kết quả đo gió tại khu vực dự án bảo đảm tuân thủ quy định tại Điều 5 Thông tư 02/2019/TT-BCT của Bộ Công Thương. Trong trường hợp số liệu đo gió không phải của nhà đầu tư thực hiện dự án thì số liệu đó phải có xác nhận bởi cơ quan, tổ chức được cơ quan có thẩm quyền cho phép khảo sát, đo gió tại khu vực dự án”.

Theo quy định tại Điều 5 Thông tư 02/2019/TT-BCT, dự án điện gió phải có báo cáo kết quả đo gió tại khu vực dự án trước khi lập và phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi. Việc đo gió được thực hiện trong thời gian tối thiểu là 12 tháng liên tục tại các vị trí có tính đại diện, số lượng cột đo gió bảo đảm phù hợp với sự biến đổi địa hình khu vực dự án. Với thời gian mời nhà đầu tư nộp hồ sơ tại mỗi dự án là 30 ngày, nếu không có sự chuẩn bị trước khi nộp hồ sơ đăng ký thực hiện, có lẽ khó có nhà đầu tư nào có thể đáp ứng được yêu cầu này.

Chuyên đề