Cả ngân hàng và khách hàng đều cần phải nắm bắt được cơ hội mua-bán nợ |
Sau khi đẩy mạnh việc bán nợ cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), kéo tỷ lệ nợ xấu về dưới 3%, các ngân hàng đã ra sức xử lý, với kỳ vọng thu hồi được nợ, nhưng thực tế cho thấy, nợ xấu vẫn là “bóng ma” ám ảnh nhiều nhà băng. Báo cáo tài chính quý II/2016 của các ngân hàng cho thấy, tình trạng nợ xấu tăng xuất hiện ở hầu hết các nhà băng.
Thống kê tại 9 ngân hàng niêm yết cho thấy, tính đến cuối tháng 6/2016, các nhà băng này đang mang hơn 43.000 tỷ đồng nợ xấu, tăng 28% so với mức 33.868 tỷ đồng của cuối năm 2015. Trong đó, xét về tỷ lệ, Eximbank là nhà băng có nợ xấu tăng cao nhất, từ mức 1,86% cuối năm 2015, lên tới 5,3% cuối quý II/2016 (tương đương hơn 4.200 tỷ đồng). Nợ xấu tăng đã làm xói mòn lợi nhuận các ngân hàng do phải tăng trích lập dự phòng rủi ro.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước – Chi nhánh TP. HCM cho biết, tỷ lệ nợ xấu của các tổ chức tín dụng trên địa bàn Thành phố đầu năm 2016 là 4,02%, nhưng đến 30/6/2016 đã giảm nhẹ còn 3,89%, nếu trừ đi 3 ngân hàng “0 đồng” (CB, OceanBank, GPBank), thì nợ xấu chỉ còn 2,01%. Tuy nhiên, trước tình hình nợ xấu tăng nhanh như hiện nay, các ngân hàng sẽ phải báo cáo cụ thể lên NHNN, đồng thời từng bước đẩy mạnh việc xử lý để kéo giảm nợ xấu.
Theo tổng giám đốc một ngân hàng, để giảm nợ xấu, các nhà băng thường sử dụng 2 cách. Một là, bán nợ xấu cho VAMC và cách này đã được áp dụng trong những năm gần đây. Hai là, tăng mạnh dư nợ tín dụng để giảm tỷ lệ nợ xấu. Tuy nhiên, thời gian qua, 2 cách này dường như đã dần mất tác dụng, bởi VAMC nửa năm nay có dấu hiệu giảm tốc trong việc mua nợ mới để lo tập trung xử lý số nợ cũ, trong khi các ngân hàng cũng khó tăng mạnh dư nợ tín dụng trong bối cảnh hiện nay.
Chẳng hạn, tại Eximbank, lãnh đạo ngân hàng cho hay, sau khi bán khoảng 6.000 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC trong những năm trước đây, thì từ đầu năm 2016 đến nay, Eximbank chưa có chủ trương và cũng chưa bán bất kỳ khoản nợ xấu nào khác cho VAMC. Ngược lại, công tác xử lý và thu hồi nợ trực tiếp, kể cả nợ đã bán cho VAMC, được Eximbank coi là nhiệm vụ hàng đầu trong năm 2016.
Tổng giám đốc SCB, ông Võ Tấn Hoàng Văn cho biết, 6 tháng đầu năm nay, SCB xử lý được khoảng 1.200 tỷ đồng nợ xấu (trong tổng số nợ xấu đã bán cho VAMC). Một phần là nhờ kinh tế có dấu hiệu đi lên, cho nên các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, đầu tư bắt đầu có nhu cầu mua lại các dự án đang trong quá trình xử lý nợ, trong khi phía ngân hàng cũng nhận ra rằng, cần phải hy sinh nhiều hơn trong quá trình xử lý nợ. Tức là, trước đây, khi giá bán nợ của cả phía ngân hàng và khách hàng còn duy trì ở mức cao, nhưng sau một thời gian chờ đợi mà vẫn chưa xử lý được, nên không chỉ ngân hàng, mà cả khách hàng đều thấy cần phải nắm bắt cơ hội bán nợ.
Theo đó, chỉ trong tháng 5 và tháng 6/2016, SCB đã bán được 3 nhà máy chế biến thủy sản, trong khi trước đó đã nằm tồn kho một thời gian dài. Trong 6 tháng cuối năm, SCB kỳ vọng sẽ thu hồi được thêm khoảng 1.500 tỷ đồng nợ xấu, qua đó giảm tổng số nợ xấu bán cho VAMC xuống còn 15.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, vì dự phòng rủi ro chưa thể giảm nhanh, nên lợi nhuận của SCB trong năm nay khó kỳ vọng ở mức cao.
Giám đốc khối thị trường mới nổi Công ty Korea Investment & Securities, ông Yun Hang Jin đưa ra nhận định, bất động sản Việt Nam ấm lên cũng tạo điều kiện tốt cho các ngân hàng trong quá trình xử lý nợ xấu, nhất là khi Chính phủ đang “mạnh tay” hơn trong quá trình xử lý nợ xấu sẽ tạo điều kiện tốt cho các nhà đầu tư nước ngoài tham gia mua-bán nợ xấu.
Mặc dù nhà đầu tư nước ngoài hiện chưa được tham gia mua-bán nợ công khai do Việt Nam chưa hình thành thị trường mua-bán nợ, song không vì thế mà họ “buông tay”. Tuy nhiên, khối lượng nợ xấu mà VAMC “gom” về là rất lớn, nên theo ông Yun, để có thể giải quyết bài toán nợ xấu tốt hơn, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cần có lộ trình và phương án xử lý cụ thể.
TS. Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, tính đến thời điểm hiện tại, những nỗ lực xử lý nợ xấu của các ngân hàng đã mang lại kết quả nhất định. Tuy nhiên, chặng đường xử lý nợ xấu chỉ mới đi được một nửa. Do đó, nếu muốn nợ xấu được xử lý một cách hiệu quả trong bối cảnh hiện nay, các ngân hàng cần phải biết “hy sinh” và từ bỏ lòng tham, nếu không sẽ rất khó để thu hồi được nợ gốc, chứ chưa nói đến có lãi.