Xử lý kiến nghị kiểu đánh võng, nhà thầu bất lực

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trong nhiều biểu hiện của việc xử lý kiến nghị đấu thầu chưa triệt để hiện nay, rất dễ để nhận diện tình trạng “đá bóng” trách nhiệm, xử lý không đúng trọng tâm. Điều này dẫn tới hành trình kiến nghị của nhà thầu dần đi vào ngõ cụt và tệ hơn là méo mó hiệu quả của công tác đấu thầu.
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Gần 10 tháng bất phục

Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển công nghệ Đất Việt (gọi tắt là Công ty Đất Việt) vừa có văn bản gửi HĐND, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Đắk Nông về việc không đồng ý với kết quả giải quyết kiến nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tỉnh Đắk Nông liên quan đến kết quả lựa chọn nhà thầu Gói thầu Mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông do Công an tỉnh Đắk Nông làm chủ đầu tư. Đây là gói thầu có thời gian kiến nghị kéo dài kỷ lục.

Trước đó, ngày 26/12/2019, Công an tỉnh Đắk Nông công bố Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển công nghệ Đức Việt trúng gói thầu nêu trên với giá 1.261.400.000 đồng. Câu chuyện kiến nghị được bắt đầu khi Công ty Đất Việt cho rằng thiết bị của Nhà thầu Đức Việt không đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời thầu (HSMT).

Sở KH&ĐT tỉnh Đắk Nông sau đó đã thành lập Hội đồng tư vấn giải quyết kiến nghị trong đấu thầu. Tuy nhiên, ngay cả khi Sở KH&ĐT Đắk Nông công bố kết quả xử lý, những nội dung kết luận này vẫn không được Công ty Đất Việt không chấp thuận.

Công ty Đất Việt cho rằng, Quyết định phê duyệt mẫu số 1011 của Tổng cục Đo lường chất lượng cấp cho Nhà thầu Đức Việt về model cân Ultraslim 20T- BT, Canada có phạm vi đo 910 - 1.820kg, tuy nhiên nhà thầu này dự thầu với thiết bị có khoảng đo 100 - 20.000kg là không đúng theo phê duyệt mẫu. Ngoài ra, việc Chủ đầu tư không kiểm tra đối chiếu phê duyệt mẫu kiểm định mà đi làm hiệu chuẩn thiết bị là không đúng quy định, bởi Nghị định số 165/2013/NĐ-CP của Chính phủ cũng như Thông tư số 40/2015/TT-BCA bắt buộc thiết bị cân tải trọng này phải được kiểm định trước khi đưa vào sử dụng.

“Việc thiết bị không đáp ứng yêu cầu của HSMT vẫn được đánh giá đạt, từ đó sử dụng để cân và xử phạt đối với các phương tiện giao thông là rất tùy tiện, gây nhiều hệ lụy về sau”, đại diện Công ty Đất Việt chia sẻ.

“Đánh võng”, “đá bóng” trách nhiệm

Kiến nghị tại gói thầu xây kè hàng trăm tỷ đồng tại Cần Thơ của các nhà thầu đề cập trực tiếp đến những yêu cầu phi lý liên quan đến nhân sự, hợp đồng tương tự trong HSMT. Tuy nhiên, bên mời thầu chỉ đưa ra câu trả lời là “đã tuân thủ quy định”.

“Việc trả lời không đúng trọng tâm, nội dung kiến nghị cũng là cách để câu giờ, làm nhà thầu mất kiên nhẫn, thậm chí bỏ cuộc”, các nhà thầu phản ánh.

Một câu chuyện khác rất phổ biến của việc “đánh võng” khi xử lý kiến nghị là… chờ ý kiến của các cơ quan khác nhau ở địa phương và Trung ương.

Tại TP.HCM, không thiếu các chủ đầu tư gần như “làm ngơ” trước đơn kiến nghị của nhà thầu. Các đơn vị này chỉ có văn bản trả lời khi các cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu các cấp lên tiếng. Chẳng hạn như sự việc liên quan đến gói thầu số hóa dữ liệu của Quận 6, gói thầu tại Ban chỉ huy quân sự huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng)…

Trong khi đó, một hiện tượng khiến việc xử lý kiến nghị trong đấu thầu hiện nay mất thời gian, thiếu hiệu quả chính là các chủ đầu tư, thậm chí người có thẩm quyền đẩy hoàn toàn trách nhiệm cho đơn vị tư vấn đấu thầu.

Theo các quy định về đấu thầu, trách nhiệm xử lý kiến nghị thuộc về chủ đầu tư, bên mời thầu, người có thẩm quyền, cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu các cấp. Tuy nhiên, rất nhiều gói thầu hiện nay, một số chủ đầu tư phó thác toàn bộ các khâu như lập HSMT, thẩm định HSMT, phát hành HSMT, xử lý kiến nghị đấu thầu… cho đơn vị tư vấn. Thậm chí, ngay cả khi nhà thầu gửi văn bản kiến nghị đến chủ đầu tư, song chủ đầu tư vẫn nhất quyết yêu cầu đi tìm đơn vị tư vấn để có câu trả lời.

Một đơn vị thuộc Bộ Nội vụ có địa chỉ tại TP.HCM vừa thể hiện rõ sự thoái thác trong xử lý kiến nghị của nhà thầu khi liên tục yêu cầu nhà thầu đi tìm đơn vị tư vấn. “Phải đợi tư vấn có trả lời. Chúng tôi đã thuê đơn vị tư vấn rồi thì việc trả lời kiến nghị của trách nhiệm của tư vấn. Chủ đầu tư không trả lời được”…là những phản hồi của chủ đầu tư này với Báo Đấu thầu.

Đây là cơ sở để nhiều tư vấn thiếu chuyên nghiệp tự cho mình quyền bao sân, lấn việc và hành xử sai so với quy định đấu thầu.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, một số chuyên gia nhận định, các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ cũng như Bộ trưởng Bộ KH&ĐT đều rất sâu sát khi đề cập đến việc xử lý kiến nghị trong đấu thầu. “Tình trạng kiến nghị kéo dài, vượt cấp, phức tạp và làm ảnh hưởng đến môi trường đấu thầu phần lớn do công tác xử lý kiến nghị kiểu đá trách nhiệm, câu giờ, trả lời sai nội dung kiến nghị. Đây cũng chính là biểu hiện của việc chưa tuân thủ quy định của pháp luật đấu thầu cũng như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ”, các chuyên gia cho biết.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư