Xây lắp điện Quảng Nam có gì trước thềm SCIC thoái vốn?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Ngày 4/12, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) sẽ tổ chức bán đấu giá 540.000 cổ phần sở hữu tại Công ty CP Xây lắp điện Quảng Nam (tương ứng 20% vốn điều lệ), với giá khởi điểm cả lô là 6,649 tỷ đồng, tương đương 12.313 đồng/CP. Việc thoái vốn diễn ra trong bối cảnh doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong hoạt động kinh doanh, đấu thầu...
Kết quả kinh doanh của Công ty CP Xây lắp điện Quảng Nam
Kết quả kinh doanh của Công ty CP Xây lắp điện Quảng Nam

Khó cạnh tranh về giá trong đấu thầu

6 tháng đầu năm 2024, Xây lắp điện Quảng Nam ghi nhận doanh thu đạt 22 tỷ đồng. Sau khi trừ các khoản chi phí, doanh nghiệp này báo lỗ 5,6 tỷ đồng. Lý giải về kết quả này, Công ty cho biết, nguyên nhân là hoạt động kinh doanh khó khăn, đấu thầu ngày càng cạnh tranh gay gắt, các thị trường truyền thống bị bão hòa và ít phát sinh dự án mới, bên cạnh đó, chi phí lãi vay của Công ty tăng cao do tăng nợ vay.

Trong giai đoạn từ năm 2022 đến 6 tháng đầu năm 2024, doanh thu của Xây lắp điện Quảng Nam chủ yếu đến từ mảng truyền thống là xây lắp điện và cột bê tông ly tâm. Trong đó, tỷ trọng doanh thu từ mảng xây lắp điện có xu hướng giảm, tỷ trọng doanh thu mảng cột bê tông ly tâm có xu hướng tăng.

Theo dữ liệu của Báo Đấu thầu, Công ty CP Xây lắp điện Quảng Nam tham gia khoảng 26 gói thầu từ đầu năm đến nay. Trong đó, Công ty trúng 3 gói thầu với tỷ lệ giảm giá cao. Tháng 9/2024, nhà thầu này trúng Gói thầu Xây lắp công trình giải quyết kiến nghị cử tri và xóa điện kế dùng chung các huyện Giồng Trôm, Bình Đại, Chợ Lách, do Công ty Điện lực Bến Tre làm chủ đầu tư với giá hơn 31,38 tỷ đồng, giảm 23,3% so với giá dự toán.

Cuối tháng 5/2024, Xây lắp điện Quảng Nam trúng Gói thầu Cung cấp vật tư, thiết bị và thi công xây dựng công trình nâng cấp, phát triển lưới trung hạ thế và trạm biến áp huyện Ba Tri năm 2024 với giá hơn 18,6 tỷ đồng, giảm 11,5% so với giá gói thầu.

Tại nhiều gói thầu khác, Xây lắp điện Quảng Nam không thể cạnh tranh về giá với các đối thủ, như: Gói thầu Thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình nâng cấp và phát triển lưới điện khu vực Điện lực Cai Lậy (giá dự toán 20,6 tỷ đồng); Gói thầu Thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình nâng cấp và phát triển lưới điện khu vực Điện lực Tân Phước, Chợ Gạo do Công ty Điện lực Tiền Giang làm chủ đầu tư (giá dự toán 20 tỷ đồng); Gói thầu Cung cấp vật tư, thiết bị và thi công xây dựng công trình nâng cấp, phát triển lưới trung hạ thế và trạm biến áp huyện Thạnh Phú năm 2024 do Điện lực Bến Tre làm chủ đầu tư (giá dự toán 23 tỷ đồng)…

Tình hình tài chính kém khả quan

Tính đến cuối quý II/2024, tổng tài sản của Xây lắp điện Quảng Nam ở mức 91 tỷ đồng, trong đó, nợ phải trả chiếm 74,7%, tương ứng 68 tỷ đồng. Phần lớn nợ phải trả của Công ty là nợ vay với 40,2 tỷ đồng.

Ngoài ra, chiếm phần lớn tài sản của Xây lắp điện Quảng Nam là hàng tồn kho với giá trị 64,8 tỷ đồng. Tại thời điểm kiểm toán báo cáo tài chính bán niên 2024, Công ty TNHH Kiểm toán Hùng Vương cho biết, giá trị sản xuất kinh doanh dở dang của Công ty chủ yếu là công trình xây lắp điện dở dang nằm ở các vùng núi xa trụ sở Công ty. Tại các công trình này, chủ đầu tư và nhà thầu chưa có biên bản xác định giá trị xây lắp dở dang. “Với các tài liệu và thông tin được đơn vị cung cấp, chúng tôi không đưa ý kiến về giá trị hàng tồn kho của Công ty”, đơn vị kiểm toán nhấn mạnh. Trong khi đó, tiền mặt của Xây lắp điện Quảng Nam chỉ còn khoảng 1,2 tỷ đồng.

Công ty CP Xây lắp điện Quảng Nam được thành lập tháng 4/2010, hiện có vốn điều lệ 27 tỷ đồng, hoạt động chính trong lĩnh vực xây dựng công trình thủy điện, thi công lắp đặt các công trình viễn thông, hạ tầng kỹ thuật, công trình thủy lợi… Ngoài SCIC, Xây lắp điện Quảng Nam còn 2 cổ đông lớn là ông Ngô Văn Hòa nắm giữ 61,33% và Ngô Xuân Huy nắm giữ 10,4%.

Chuyên đề