Xây dựng quy hoạch tổng thể quốc gia: Định hình Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Xây dựng quy hoạch tổng thể quốc gia là cơ hội bố trí, sắp xếp lại không gian phát triển để đạt mục tiêu, khát vọng mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định, đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Đó là quan điểm được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng khẳng định tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về đẩy nhanh tiến độ quy hoạch và tham vấn về định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa diễn ra.
Hai điểm mấu chốt của công tác lập quy hoạch là đúng tiến độ và bảo đảm chất lượng, trong đó đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng quy hoạch. Ảnh: Lê Tiên
Hai điểm mấu chốt của công tác lập quy hoạch là đúng tiến độ và bảo đảm chất lượng, trong đó đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng quy hoạch. Ảnh: Lê Tiên

Báo cáo tiến độ lập các quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, những khó khăn, vướng mắc đã cơ bản được tháo gỡ nhờ các giải pháp tại Nghị quyết số 119/NQ-CP. Tiến độ lập, thẩm định, phê duyệt các quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia đã được cải thiện nhưng vẫn còn chậm.

Trong quá trình triển khai tổ chức lập quy hoạch, Bộ KH&ĐT tiếp tục nhận được phản ánh về một số khó khăn, vướng mắc của bộ, ngành, địa phương. Có những khó khăn, vướng mắc tồn tại từ trước nhưng chưa được giải quyết hoặc giải quyết chưa hiệu quả, một số phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện. Nhiều địa phương cho biết, vẫn còn khó khăn, vướng mắc trong quá trình lập quy hoạch tỉnh.

Tại Hội nghị, lãnh đạo của 2 tỉnh Điện Biên và Nghệ An cho biết, Quy hoạch sử dụng đất quốc gia đã được Quốc hội thông qua nhưng chỉ tiêu phân bổ sử dụng đất cho các địa phương tới nay vẫn chưa có, do vậy địa phương gặp nhiều khó khăn trong việc lập các phương án về quy hoạch sử dụng đất tích hợp vào quy hoạch tỉnh. Ngoài ra, định hướng, khung quy hoạch ngành, lĩnh vực quốc gia chưa được phê duyệt nên địa phương chưa có đủ căn cứ để cụ thể hóa các định hướng này trong quy hoạch tỉnh.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá, các bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai nhiệm vụ, công việc theo Luật Quy hoạch và đã có những tiến bộ nhất định. Tuy nhiên, tiến độ vẫn chưa được như kế hoạch đề ra và chất lượng chưa được như mong muốn.

Dự kiến, Bộ KH&ĐT báo cáo Ban Cán sự Đảng Chính phủ về Quy hoạch tổng thể quốc gia trong tháng 3/2022 để xem xét trình Bộ Chính trị trong tháng 4/2022, trình Ban Chấp hành Trung ương Đảng trong tháng 5/2022. Tiếp thu ý kiến của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Bộ KH&ĐT sẽ khẩn trương phối hợp với các bộ, ngành hoàn thiện Quy hoạch tổng thể quốc gia, dự kiến trình Chính phủ xem xét, thông qua trong tháng 7/2022, trình Quốc hội khóa XV phê duyệt tại Kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022).

Ngoài ra, Quy hoạch sử dụng đất quốc gia đã được Quốc hội Khóa XV phê duyệt, Quy hoạch không gian biển quốc gia đang được Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai xây dựng, dự kiến trình Chính phủ báo cáo Quốc hội thông qua trong năm 2022.

Liên quan đến quy hoạch ngành quốc gia, đến nay, 4/38 quy hoạch đã được phê duyệt; 14/38 quy hoạch đã hoàn thành lập quy hoạch, lấy ý kiến trình thẩm định quy hoạch. Còn 20/38 quy hoạch, các bộ đang thực hiện.

Do vậy, Thủ tướng yêu cầu, các bộ, ngành, địa phương phải xác định công tác quy hoạch là một nhiệm vụ chính trị quan trọng của năm 2022. Theo đó, phải lưu ý hai điểm mấu chốt là đúng tiến độ và bảo đảm chất lượng, trong đó đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu nâng cao chất lượng quy hoạch.

Quy hoạch phải đi trước một bước, sát thực tế, khả thi, khai thác, phát huy được tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của các lĩnh vực, khu vực, địa phương và tháo gỡ, hóa giải những hạn chế, yếu kém, mâu thuẫn, thách thức, khó khăn. Muốn phát triển tốt thì phải có quy hoạch tốt, vì quy hoạch tốt thì mới có chương trình, dự án tốt, có chương trình, dự án tốt thì mới có nhà đầu tư tốt.

Thủ tướng lưu ý không cầu toàn, cũng không nóng vội trong công tác quy hoạch. Quy hoạch cần phát huy cao độ tính độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường, tự vươn lên của mỗi lĩnh vực, khu vực, địa phương và quốc gia; lấy nguồn lực bên trong là chiến lược cơ bản, lâu dài, quyết định; ngoại lực là quan trọng, đột phá; kết hợp hài hòa, hợp lý giữa nội lực và ngoại lực; giữa tính độc lập, tự chủ và hội nhập.

Trong tổ chức thực hiện, Thủ tướng nhấn mạnh tới việc phải chọn được những nhà thầu tư vấn tốt cả trong nước và ngoài nước, lắng nghe ý kiến nhiều chiều để tranh thủ ý kiến, trí tuệ của các giới. Đồng thời, các bộ, ngành, địa phương cần lập tổ giúp việc chuyên trách, làm việc chuyên nghiệp về công tác quy hoạch; phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của cấp ủy, chính quyền cơ quan, địa phương.

Thủ tướng yêu cầu Quy hoạch tổng thể quốc gia phải gắn kết với sự phát triển của khu vực và thế giới; lựa chọn vị trí "mắt xích" nào trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị để phát huy lợi thế, cơ hội, tiềm năng, nâng cao hiệu quả cạnh tranh toàn cầu của đất nước…

Chuyên đề