Đẩy nhanh tiến độ quy hoạch và tham vấn về định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Ngày 2/3/2022, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về đẩy nhanh tiến độ quy hoạch và tham vấn về định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Hội nghị do Thủ tướng Chính phủ chủ trì theo hình thức họp trực tuyến.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: VGP

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: VGP

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, Hội nghị nhằm tập trung đánh giá về tình hình và kết quả tổ chức lập các quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia theo quy định của Luật Quy hoạch; những khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân của khó khăn, vướng mắc và đề xuất giải pháp đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch trong thời gian tới; để công tác quy hoạch phát huy được hết tiềm năng, lợi thế của các khu vực, lĩnh vực quy hoạch; có giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội dựa vào quy hoạch. Bên cạnh đó, tập trung cho ý kiến về định hướng quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; đề ra các giải pháp sát với thực tế, khả thi theo tinh thần của Luật Quy hoạch đã quy định.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định: "Xây dựng quy hoạch tổng thể quốc gia là cơ hội bố trí, sắp xếp lại không gian phát triển của quốc gia để đạt mục tiêu, khát vọng mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định, đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao".

Bộ trưởng cho rằng, một trong những quan điểm quan trọng về phát triển và tổ chức không gian phát triển đất nước khi lập quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030 là phát triển quốc gia như một thể thống nhất, không bị chia cắt, không bị ràng buộc bởi địa giới hành chính, các nguồn lực đất nước được huy động và sử dụng một cách hiệu quả nhất vì lợi ích quốc gia.

Đồng thời, theo Bộ trưởng, mục tiêu tổng quát của xây dựng quy hoạch tổng thể quốc gia là kiến tạo một mô hình phân bổ không gian phát triển quốc gia hiệu quả, bền vững, hình thành được các vùng kinh tế động lực, các trung tâm kinh tế, đô thị chiến lược, mạng lưới kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, kết nối giữa các vùng, giữa thành thị và nông thôn, tạo điều kiện cho tăng trưởng kinh tế cao, thúc đẩy thực hiện mục tiêu đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2050 trở thành nước phát triển, thu nhập cao, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại phiên họp. Ảnh: VGP

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại phiên họp. Ảnh: VGP

Đây là lần đầu tiên, Quy hoạch tổng thể quốc gia được triển khai lập ở nước ta. Theo Luật Quy hoạch (2017), Quy hoạch tổng thể quốc gia là quy hoạch cấp quốc gia, mang tính chiến lược theo hướng phân vùng và liên kết vùng của lãnh thổ bao gồm đất liền, các đảo, quần đảo, vùng biển và vùng trời; hệ thống đô thị và nông thôn; kết cấu hạ tầng; sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường; phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế. Quy hoạch tổng thể quốc gia là cơ sở để lập quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn trên cả nước.

Với vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng như trên, trong quá trình lập Quy hoạch tổng thể quốc gia cần thiết được cấp thẩm quyền cho ý kiến và thông qua những định hướng lớn như quan điểm, mục tiêu, khung định hướng tổ chức lãnh thổ quốc gia, các định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực, các vùng... trước khi triển khai các bước tiếp theo của quy trình lập Quy hoạch tổng thể quốc gia. Với mục tiêu như trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan xây dựng Báo cáo Định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Dự kiến Quy hoạch tổng thể quốc gia được trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 10 năm 2022.

Nhận thức được tầm quan trọng của việc lập Quy hoạch tổng thể quốc gia, từ đầu năm 2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chỉ đạo các đơn vị của Bộ phối hợp với các viện nghiên cứu chiến lược, quy hoạch các bộ, ngành liên quan xây dựng các định hướng phát triển và tổ chức không gian các ngành, lĩnh vực liên quan và căn cứ vào Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2030, các chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, tham khảo kinh nghiệm quốc tế để xây dựng Báo cáo Định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đã tổ chức các hội thảo xin ý kiến chuyên gia quy hoạch, các nhà khoa học, đại diện các Bộ, ngành Trung ương và các địa phương. Trong quá trình xây dựng Báo cáo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham khảo kinh nghiệm về lập quy hoạch không gian của các nước, nhất là các quốc gia có điều kiện tương đồng với Việt Nam trong khu vực như Malaysia, Hàn Quốc.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, hiện nay các quan điểm trong Quy hoạch tổng thể quốc gia đang được đề xuất và thảo luận bao gồm:

(1) Phát triển quốc gia như một thể thống nhất, khắc phục tình trạng phát triển chia cắt theo địa giới hành chính, thúc đẩy liên kết giữa các vùng, địa phương để mở rộng không gian phát triển, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh toàn cầu của quốc gia.

(2) Phát triển có trọng tâm, trọng điểm, tập trung nguồn lực để hình thành một số vùng động lực, các hành lang kinh tế, các cực tăng trưởng tại các khu vực có tiềm năng, lợi thế để thúc đẩy kinh tế cả nước phát triển nhanh, hiệu quả.

(3) Phát triển theo hướng bền vững; bảo đảm sử dụng đất, tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả; bảo vệ môi trường; bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa; tăng cường đa dạng sinh học; chủ động phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.

(4) Hình thành hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, tạo bộ khung tổ chức không gian phát triển các vùng, các hành lang kinh tế, các cực tăng trưởng, đáp ứng yêu cầu phát triển dài hạn.

(5) Tổ chức không gian phát triển gắn với hình thành hệ thống đô thị quốc gia tạo động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững; xây dựng mạng lưới đô thị xanh, thông minh, phân bổ hợp lý, bảo đảm khai thác được điều kiện đặc thù, lợi thế của từng vùng, miền; tăng cường kết nối đô thị và nông thôn.

(6) Tổ chức không gian phát triển quốc gia dựa trên sự gắn kết khu vực nội địa với không gian biển, tham gia các hành lang kinh tế quan trọng trong khu vực, phát triển kinh tế - xã hội các dải biên giới gắn với bảo vệ chủ quyền và bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Một số nội dung chính của định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia

Trong khi các nguồn lực dành cho phát triển có hạn, trong một giai đoạn nhất định cần ưu tiên, tập trung đầu tư cho một số lãnh thổ có điều kiện thuận lợi nhất về vị trí địa lý, kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực và cơ sở vật chất kỹ thuật sẵn có để các lãnh thổ đó phát triển đi trước một bước, tạo động lực và làm đầu tàu lôi kéo các vùng khác cùng phát triển. Trong định hướng tổ chức lãnh thổ quốc gia dự kiến tập trung hình thành và phát triển các hành lang kinh tế và vùng động lực.

Tập trung hình thành và phát triển hành lang kinh tế Bắc - Nam và các hành lang kinh tế Đông - Tây. Dự kiến có 2 hành lang Bắc - Nam: Hành lang phía Đông gắn với đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông và Quốc lộ 1A từ Lạng Sơn đến Cà Mau và Hành lang phía Tây gắn với đường Hồ Chí Minh và đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây từ Cao Bằng đến Kiên Giang - Cà Mau. Trong giai đoạn đến năm 2030 ưu tiên phát triển Hành lang kinh tế phía Đông và phát triển dải ven biển. Trên các hành lang kinh tế sẽ định hướng bố trí các trung tâm kinh tế, trung tâm dịch vụ, du lịch gắn với các đô thị lớn, các cửa khẩu, các đầu mối giao thông quan trọng trên hành lang.

Đối với các vùng động lực, hiện nay cả nước có 4 vùng kinh tế trọng điểm với quy mô khá lớn, gồm 24/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Do quy mô các vùng kinh tế trọng điểm quá lớn, chưa có cơ chế chính sách ưu đãi vượt trội nên chưa thực sự trở thành các vùng động lực, nhiều địa phương thuộc các vùng kinh tế trọng điểm có trình độ phát triển dưới hoặc tương đương mức trung bình cả nước. Trên cơ sở các vùng kinh tế trọng điểm hiện nay, lựa chọn một số địa bàn có vị trí thuận lợi nhất, có sân bay quốc tế cửa ngõ và cảng biển cửa ngõ quốc tế kết hợp trung chuyển, có tiềm lực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhân lực chất lượng cao để hình thành các vùng động lực của quốc gia.

Chuyên đề