Giảm hơn 5.000 tỷ đồng dự án “hồi sinh” sông Tô Lịch (Hà Nội)
HĐND TP. Hà Nội vừa thống nhất điều chỉnh tổng mức đầu tư Dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá từ 16.000 tỷ đồng xuống còn hơn 11.000 tỷ đồng.
Sông Tô Lịch trong xanh khi được bổ cập nước từ hồ Tây |
Ngày 10/12, HĐND TP. Hà Nội đã thông qua nghị quyết điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án đầu tư công của Thành phố, trong đó có Dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá.
Dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá có tổng mức đầu tư hơn 16.000 tỷ đồng. Trong đó, vốn vay ODA của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) gần 14.000 tỷ đồng (chiếm hơn 84% tổng mức đầu tư); vốn đối ứng từ ngân sách Thành phố là hơn 2.500 tỷ đồng.
Dự án gồm 4 gói thầu chính, tiến độ thực hiện từ năm 2013 - 2025. Gói thầu số 1 xây dựng nhà máy xử lý nước thải công suất 270.000 m3/ngày đêm mới cơ bản hoàn thành, đã vận hành thử nghiệm. Gói thầu số 2 xây dựng hệ thống cống bao cho sông Tô Lịch thực hiện được 98% khối lượng.
Còn Gói thầu số 3 xây dựng hệ thống cống bao cho sông Lừ hoàn thành 10% khối lượng, đã chấm dứt hợp đồng với nhà thầu thi công. Gói thầu số 4 xây dựng hệ thống cống cho một phần khu vực quận Hà Đông và khu đô thị mới chỉ đạt 20% khối lượng. Tính đến hết tháng 10, tổng vốn giải ngân là hơn gần 5.000 tỷ đồng.
UBND TP. Hà Nội đề xuất điều chỉnh giảm tổng mức đầu tư Dự án từ hơn 16.000 tỷ đồng xuống hơn 11.100 tỷ đồng, giảm hơn 5.000 tỷ đồng.
Về lý do điều chỉnh, theo Hà Nội, vốn ODA giảm do cập nhật giá trị các gói thầu số 1, số 2, số 4 và gói thầu tư vấn dịch vụ theo giá trị hợp đồng đang thực hiện. Riêng Gói thầu số 3 cập nhật theo giá trị giải ngân thực tế tại thời điểm chấm dứt hợp đồng với nhà thầu thi công.
TP. Hà Nội cũng đề nghị điều chỉnh thời gian thực hiện đến năm 2027, kéo dài thêm 2 năm so với chủ trương thực hiện ban đầu.
TP.HCM tháo gỡ vướng mắc dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng trong tháng 12
Thành phố sẽ cố gắng giải quyết vướng mắc dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng trong tháng 12, để hoàn thành công trình trong năm 2025, theo Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi.
Cống ngăn triều Tân Thuận ở Quận 7, thuộc dự án chống ngập do triều |
"Nhà đầu tư cam kết có thể hoàn thành Dự án trong vòng 12 tháng. Như vậy, nếu các vướng mắc được giải quyết, Dự án sẽ khởi động đầu năm sau và có thể hoàn tất vào cuối năm", Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nói tại phiên chất vấn Kỳ họp thứ 20 của HĐND Thành phố, chiều 10/12.
Dự án chống ngập do triều gồm 6 cống ngăn triều khổng lồ cùng tuyến đê bao ven sông Sài Gòn dài 6 km, tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng do Công ty CP Đầu tư xây dựng Trung Nam là nhà đầu tư, khởi công từ năm 2016. Công trình nhằm kiểm soát ngập cho 570 km2 với khoảng 6,5 triệu dân ven sông Sài Gòn và trung tâm TP.HCM. Do vướng thủ tục thanh toán cho nhà đầu tư nên công trình đã chậm trễ 6 năm so với kế hoạch dù đã hoàn thành 90% khối lượng.
Theo ông Mãi, vừa qua, Thành phố đã báo cáo Thủ tướng các giải pháp gỡ vướng cho dự án này. Trong đó, TP.HCM đề nghị được điều chỉnh chủ trương đầu tư vì thời gian thực hiện kéo dài, tổng mức đầu tư của Dự án đã thay đổi. Nếu không điều chỉnh chủ trương, Thành phố sẽ không ký lại được hợp đồng, phụ lục và không có cơ sở thanh toán cho nhà đầu tư.
Thành phố cũng đề nghị Thủ tướng có ý kiến để Ngân hàng Nhà nước tiếp tục tái cấp vốn, gia hạn thời gian tái cấp vốn. Các ngân hàng cũng cần cơ cấu lại kế hoạch trả nợ của nhà đầu tư và TP.HCM liên quan đến Dự án.
Cũng theo người đứng đầu chính quyền Thành phố, dự án chống ngập 10.000 tỷ được thanh toán bằng tiền từ kế hoạch đầu tư công trung hạn và 3 vị trí đất. Năm nay, Thành phố đã bố trí 6.800 tỷ đồng vốn đầu tư cho Dự án nhưng chưa thanh toán được. Thành phố đã kiến nghị Thủ tướng thống nhất phương án dùng 3 vị trí đất để thanh toán cho nhà đầu tư, ủy quyền cho TP.HCM định giá và thực hiện thanh toán.
Dự án hiện đã hoàn thành 90% tổng khối lượng và hoàn tất kiểm toán 3.000 tỷ đồng. Thành phố đề xuất thanh toán trước phần tiền này để nhà đầu tư hoàn thành phần còn lại của Dự án, khoản chênh lệch vốn sẽ dùng để trả nợ ngân hàng để giảm lãi.
Ông Phạm Đức Ấn làm Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh
Ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Ngân hàng Agribank được bầu làm Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Ông Nguyễn Quang Dương, Phó ban Tổ chức Trung ương, đã trao quyết định điều động, chỉ định ông Phạm Đức Ấn tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh |
Ông Phạm Đức Ấn được HĐND tỉnh Quảng Ninh bầu làm Chủ tịch UBND Tỉnh tại kỳ họp sáng 10/12.
Sáng cùng ngày, thừa ủy quyền của Ban Bí thư, ông Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó ban Tổ chức Trung ương, đã trao quyết định điều động, chỉ định ông Phạm Đức Ấn tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Tân Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Phạm Đức Ấn, quê Nghệ An, trình độ cử nhân Luật Kinh tế, thạc sĩ Tài chính Ngân hàng. Ông Phạm Đức Ấn trải qua hơn 20 năm công tác tại Ngân hàng BIDV, đến tháng 8/2012 được biệt phái sang giữ vị trí Tổng giám đốc Ngân hàng VRB.
Gần hai năm sau, ông Phạm Đức Ấn được điều động làm Phó Chủ tịch Hội đồng thành viên Ngân hàng Agribank và giữ chức vụ này đến cuối năm 2018. Từ 1/1/2019, ông Phạm Đức Ấn được bổ nhiệm là Chánh văn phòng Ngân hàng Nhà nước, tháng 4/2020 được điều động và bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng thành viên Ngân hàng Agribank.
Quảng Bình bầu Phó Bí thư Tỉnh ủy, giới thiệu nhân sự Chủ tịch UBND Tỉnh
Chiều ngày 10/12, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Bình tổ chức hội nghị thực hiện quy trình công tác cán bộ bầu Phó Bí thư Tỉnh ủy, giới thiệu nhân sự để HĐND bầu Chủ tịch UBND Tỉnh.
Ông Trần Phong (người cầm hoa) được bầu giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình |
Tại hội nghị, ông Lê Ngọc Quang, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình công bố công văn của Văn phòng Trung ương Đảng thông báo ý kiến của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc đồng ý giới thiệu ông Trần Phong, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Đồng Hới, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Đồng Hới để bầu giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2020 - 2025, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Hội nghị đã thống nhất với tờ trình giới thiệu nhân sự của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình để bầu chức danh Phó Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2020 - 2025 đối với ông Trần Phong, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Đồng Hới.
Kết quả, 100% tỉnh ủy viên có mặt đã bỏ phiếu đồng ý bầu ông Trần Phong giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Bình cũng thực hiện các quy trình giới thiệu nhân sự để Hội đồng Nhân dân Tỉnh bầu ông Trần Phong giữ chức Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Ông Trần Phong sinh năm 1974, quê quán xã Quảng Phương, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Trình độ lý luận Chính trị: Cao cấp; Trình độ chuyên môn: Đại học Quản trị kinh doanh tổng hợp; Học vị: Thạc sĩ Kinh tế.
Ông Trần Phong từng giữ các chức vụ: Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Bố Trạch; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Quảng Bình; Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Bình; Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Bình; Bí thư Thành ủy Đồng Hới.
Vi phạm luật khoáng sản, nhiều doanh nghiệp ở Bắc Giang bị xử phạt nặng
Không báo cáo kết quả hoạt động khai thác khoáng sản, thống kê, kiểm kê trữ lượng khoáng sản, sản lượng khoáng sản đã khai thác…, Công ty CP Khoa học sản xuất mỏ Bắc Giang, Công ty CP Hợp Nhất bị UBND tỉnh Bắc Giang xử phạt nặng.
Toàn cảnh khu vực khai thác tại mỏ sân golf Việt Yên, tỉnh Bắc Giang |
Ngày 10/12, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Phan Thế Tuấn đã ra quyết định xử phạt 635 triệu đồng đối với Công ty CP Khoa học sản xuất mỏ Bắc Giang, có trụ sở tại Tổ dân phố Mậu, thị trấn Tây Yên Tử, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang do ông Nguyễn Thái Phương làm Tổng Giám đốc.
Đã thực hiện các hành vi vi phạm: Vi phạm quy định về báo cáo kết quả hoạt động khai thác khoáng sản; Vi phạm quy định về lập bản đồ hiện trạng, bản vẽ mặt cắt hiện trạng khu vực được phép khai thác khoáng sản; Vi phạm quy định về thống kê, kiểm kê trữ lượng khoáng sản, sản lượng khoáng sản đã khai thác; Vi phạm quy định về quan trắc, giám sát môi trường; Vi phạm quy định về đánh giá tác động môi trường.
Tiếp tục, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Phan Thế Tuấn ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty CP Hợp Nhất do ông Phạm Hữu Bão làm Tổng Giám đốc, có địa chỉ trụ sở tại thôn Văn Non, xã Lục Sơn (huyện Lục Nam) do vi phạm trong lĩnh vực khoáng sản.
Cụ thể, doanh nghiệp này bị xử lý bởi các vi phạm sau: Vi phạm quy định về lập bản đồ hiện trạng, bản vẽ mặt cắt hiện trạng khu vực được phép khai thác khoáng sản, thống kê, kiểm kê trữ lượng khoáng sản, sản lượng khoáng sản đã khai thác.
Vi phạm các quy định khác trong khai thác khoáng sản là không báo cáo cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cho phép nhưng vẫn khai thác, sử dụng loại khoáng sản đi kèm trong quá trình khai thác.
Các vi phạm này của doanh nghiệp đều diễn ra trong năm 2022 tại 3 dự án khai thác khoáng sản thuộc khu vực mỏ Nước Vàng, xã Lục Sơn (Lục Nam). Với các hành vi trên, Công ty CP Hợp Nhất bị UBND tỉnh Bắc Giang xử phạt tổng cộng 540 triệu đồng.
Thi công trở lại trung tâm triển lãm 800 tỷ đồng ở Thủ Thiêm
Sau thời gian dài đình trệ, gói thầu bao che bên ngoài tòa nhà trung tâm triển lãm TP.HCM tổng vốn 836 tỷ đồng được thi công trở lại, dự kiến hoàn thành năm sau.
Toà nhà trung tâm triển lãm quy hoạch TP.HCM được thi công trở lại sau nhiều năm ngưng trệ |
Công trình nằm trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP. Thủ Đức, được nhà thầu huy động nhân lực, thiết bị, chia làm nhiều mũi thi công. Hoạt động đang triển khai đồng loạt, sau khi Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp TP.HCM (chủ đầu tư) chọn được nhà thầu mới thay thế đơn vị thi công cũ.
Toà nhà quy mô 5 tầng đang được triển khai các công đoạn lắp dựng vách kính cường lực, ốp nhôm tĩnh điện, vách ngăn các loại... Đây là những hạng mục thuộc Gói thầu số 6 (sản xuất và lắp dựng vách kính, mặt dựng, khung đỡ, vách ngăn, lan can, trần, tấm trang trí kim loại). Gói thầu này có trị giá hơn 110 tỷ đồng, do Công ty CP Tập đoàn 202 là đơn vị triển khai với thời gian thực hiện trong 175 ngày, bắt đầu từ hôm 19/8.
Theo chủ đầu tư, gói thầu này khi hoàn thành, đơn vị thi công sẽ tiếp tục hoàn thiện các hạng mục phía trong toà nhà và lắp đặt trang thiết bị, dự kiến đưa vào sử dụng vào tháng 9 năm sau. "Những hạng mục còn lại của dự án đều phụ thuộc vào Gói thầu số 6 nên chúng tôi cùng nhà thầu đang phối hợp đẩy nhanh tiến độ", đại diện chủ đầu tư nói.
Khởi công năm 2013, Dự án Trung tâm triển lãm quy hoạch TP.HCM được xây dựng giữa tuyến đường ven sông Sài Gòn và đại lộ Vòng Cung, trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Tòa nhà này có chức năng chính phục vụ trưng bày, triển lãm quy hoạch kiến trúc của Thành phố và là điểm tổ chức sự kiện, nơi giao lưu của giới chuyên môn, người dân, du khách...
Với kiến trúc hai khối đặt nghiêng, chụm vào nhau, khối thép tạo hình tam giác, tòa nhà được xem là công trình mang tính biểu tượng trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Dự án đã hoàn thành phần thô từ nhiều năm trước, sau đó ngưng trệ bởi gặp vướng mắc ở Gói thầu số 6. Nguyên nhân chính là nhà thầu cũ trình mẫu vật liệu sử dụng cho công trình không đạt yêu cầu; chỉ tiêu kỹ thuật của nhà sản xuất vật liệu cũng chưa làm rõ sự phù hợp với thiết kế Dự án.
Thừa Thiên Huế sẽ trùng tu di tích Quốc Tử Giám ở Huế
Di tích Quốc Tử Giám nằm trong kinh thành Huế sẽ được trùng tu với tổng kinh phí 108 tỷ đồng.
Di tích Quốc Tử Giám sẽ được trùng tu |
Ngày 10/12, HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế thông qua nghị quyết điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án bảo tồn, tôn tạo di tích Quốc Tử Giám, nâng tổng kinh phí thực hiện Dự án từ 66 tỷ đồng lên 108 tỷ đồng, thời gian từ nay đến 2028.
Các công trình trong Quốc Tử Giám như Di Luân đường, hai nhà học tả hữu, hai nhà ở của các giám sinh sẽ được bảo tồn, nâng cấp. Trong đó, công trình chính là Di Luân đường chuyển từ tu bổ cục bộ sang tu bổ tổng thể (hạ giải). Nhà che bia Huỳnh Tự Thư Thanh và nội thất của các công trình sẽ được trùng tu. Tổng kinh phí thực hiện Dự án tăng 48 tỷ đồng so với nghị quyết HĐND tháng 10/2021.
Quốc Tử Giám được nhà Nguyễn xây dựng dưới thời vua Gia Long, tên gọi Đốc học đường, tại An Ninh Thượng, nay là phường Hương Hồ, thị xã Hương Trà để đào tạo nhân tài cho đất nước. Năm 1908, vua Duy Tân nhận thấy vị trí Quốc Tử Giám đặt tại An Ninh Thượng cách xa kinh thành nên dời về bên trong kinh thành Huế như hiện nay, tại số 1 đường 23 tháng 8.
Năm 1976, Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế sử dụng Quốc Tử Giám làm trụ sở trưng bày gần 30.000 hiện vật. Tháng 8/2022, khu vực trưng bày các hiện vật thời kháng chiến chống Pháp tại Quốc Tử Giám bị cháy, phần mái bị hư hại.
Vừa qua, Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế đã di dời các hiện vật khỏi Quốc Tử Giám về địa điểm mới tại 268 đường Điện Biên Phủ để bàn giao di tích cho Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế quản lý.
Bãi nhiệm đại biểu HĐND tỉnh với Bí thư huyện Hạ Hòa (Phú Thọ)
HĐND tỉnh Phú Thọ bãi nhiệm đại biểu HĐND tỉnh khóa XIX, nhiệm kỳ 2021 - 2026 đối với ông Lưu Quang Huy, Bí thư Huyện ủy Hạ Hòa do đã bị khai trừ đảng.
Ông Lưu Quang Huy |
HĐND tỉnh Phú Thọ vừa tiến hành bãi nhiệm và tán thành thông qua nghị quyết về việc bãi nhiệm đại biểu HĐND tỉnh khóa XIX, nhiệm kỳ 2021 - 2026 đối với ông Lưu Quang Huy, Tổ đại biểu HĐND tỉnh khu vực huyện Hạ Hòa do vi phạm pháp luật, vi phạm tiêu chuẩn của đại biểu HĐND.
Cuối tháng 10 vừa qua, Ban Bí thư kết luận ông Lưu Quang Huy, Bí thư Huyện ủy Hạ Hòa, nguyên Trưởng Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng Đền Hùng (Phú Thọ) suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.
Ông Huy đã vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi phạm quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương, gây hậu quả rất nghiêm trọng, dư luận bức xúc, ảnh hưởng rất xấu đến uy tín của tổ chức đảng và cơ quan, đơn vị công tác.
Căn cứ nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả, nguyên nhân vi phạm, Ban Bí thư quyết định thi hành kỷ luật khai trừ ra khỏi đảng đối với ông Lưu Quang Huy và đề nghị các cơ quan chức năng được giao thi hành kỷ luật hành chính kịp thời, đồng bộ với kỷ luật đảng.
TP.HCM dự kiến cấp sổ hồng cho 38.000 căn hộ năm 2025
TP.HCM đã giải quyết vướng mắc và cấp sổ hồng cho hơn 43.000 căn hộ, dự kiến hoàn tất cấp sổ cho 38.000 căn còn lại trong năm sau.
Bất động sản khu Đông TP.HCM |
Thông tin trên được UBND TP.HCM nêu trong văn bản gửi thường trực HĐND Thành phố về công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các dự án chung cư trên địa bàn.
Theo báo cáo từ Sở Tài Nguyên và Môi Trường, TP.HCM có hơn 81.000 căn nhà thuộc 335 dự án đã đủ điều kiện nhưng chưa thể hoàn tất cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất (sổ hồng) do phát sinh các vướng mắc.
Tuy nhiên, đến tháng 12, Thành phố đã hoàn tất gỡ vướng pháp lý và giải quyết cấp sổ hồng cho khoảng 43.100 căn, đạt tỷ lệ 53%. Dự kiến năm 2025, Thành phố sẽ hoàn tất việc tháo gỡ khó khăn, cấp sổ hồng cho 38.000 căn còn lại.
Cũng theo Sở Tài Nguyên và Môi Trường, hơn 81.000 căn nhà nêu trên có phát sinh vướng mắc thuộc 6 nhóm.
Nhóm 1 (những dự án không có vướng mắc pháp lý và đang chờ hoàn thành nghĩa vụ tài chính) bao gồm 8.159 căn, hiện 100% căn hộ thuộc nhóm này đã hoàn tất cấp sổ hồng.
Nhóm 2 (các dự án không có vướng mắc pháp lý nhưng chưa nộp hồ sơ) với hơn 30.000 căn hộ, hiện đã giải quyết cấp sổ cho 16.378 căn đã nộp đủ hồ sơ.
Nhóm 3 (nhóm dự án bất động sản mới officetel, shophouse) gồm 8.918 căn hộ thuộc 29 dự án, thành phố đã tháo gỡ được 9 dự án với 7.174 căn, đạt tỷ lệ 80%.
Nhóm 4 (dự án cần bổ sung nghĩa vụ tài chính) với 19.958 căn thuộc 39 dự án, hiện đã tháo gỡ được 14 dự án, tương ứng với 6.130 căn.
Nhóm 5 (vướng mắc khác) với 3.125 căn nhà tại 6 dự án, đã tháo gỡ cho 3 dự án, tương ứng với 1.715 căn và nhóm 6 (nhóm thanh tra, điều tra) với 8.235 căn hộ tại 18 dự án, hiện đã tháo gỡ được cho 7 dự án, tương ứng với 3.565 căn.
Bên cạnh đó, sở này cho biết, hiện có 3.521 căn hộ tại một số dự án dù đã được tháo gỡ vướng mắc nhưng đến nay vẫn chưa cấp giấy chứng nhận cho người dân. Thời gian tới, TP.HCM sẽ đề nghị các chủ đầu tư và người mua nhà tại các dự án trên thực hiện việc nộp hồ sơ để giải quyết thủ tục cấp giấy chứng nhận.