Bản tin thời sự sáng 10/12

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là bảo hiểm bồi thường gần 600 tỷ đồng sau bão Yagi; ông Nguyễn Long Hải làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị; ông Nguyễn Tuấn Anh làm Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái; khởi công trung tâm thương mại lớn nhất miền Trung; khởi công cầu dây văng 4.000 tỷ vượt sông Hậu…

Bảo hiểm bồi thường gần 600 tỷ đồng sau bão Yagi

Các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ và nhân thọ chi trả cho các doanh nghiệp, cá nhân chịu thiệt hại do bão Yagi gần 600 tỷ đồng, theo số liệu Bộ Tài chính.

Bảo hiểm bồi thường gần 600 tỷ đồng sau bão Yagi. Ảnh minh họa

Bảo hiểm bồi thường gần 600 tỷ đồng sau bão Yagi. Ảnh minh họa

Thông tin này vừa được Bộ Tài chính công bố qua số liệu báo cáo từ 31 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ và 19 công ty bảo hiểm nhân thọ, tính tới ngày 6/12.

Tổng số tiền yêu cầu bồi thường về tài sản ước tính 10.595 tỷ đồng, trong đó, chiếm phần lớn là bồi thường tài sản và xe cơ giới. Các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đã chi trả 580 tỷ đồng (chiếm khoảng 6% so với yêu cầu bồi thường).

Trước đó, các doanh nghiệp bảo hiểm cam kết đảm bảo quyền lợi và hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn. Họ cũng cho biết sẽ giám định tổn thất và đẩy tiến độ xử lý hồ sơ bồi thường trên địa bàn các tỉnh thành bị ảnh hưởng.

Ngoài bồi thường về tài sản, các doanh nghiệp cũng tiếp nhận 158 yêu cầu bồi thường về người, ghi nhận 107 khách hàng tử vong và thương tật sau bão. Họ đã tạm ứng 17,7 tỷ đồng, chiếm gần 70% số tiền được đề nghị bồi hoàn.

Bão Yagi và hoàn lưu bão hồi tháng 9 đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản tại nhiều tỉnh, thành phố phía Bắc. Trước đó, theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bão Yagi ảnh hưởng nặng nề tới sản xuất nông nghiệp, du lịch miền Bắc và gây thiệt hại cho nền kinh tế khoảng 81.500 tỷ đồng. So với tổng số thiệt hại do bão Yagi gây ra với nền kinh tế, giá trị thiệt hại được bảo hiểm chiếm khoảng 14%.

Tỷ lệ chi trả bảo hiểm cho tổn thất sau bão Yagi hiện tăng gấp 4 - 5 lần so với những cơn bão lớn trước đó, chỉ ở mức 3 - 4%.

Ông Nguyễn Long Hải làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị

Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương Nguyễn Long Hải được Bộ Chính trị điều động, chỉ định giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Ông Lê Minh Hưng trao quyết định Bộ Chính trị cho ông Nguyễn Long Hải

Ông Lê Minh Hưng trao quyết định Bộ Chính trị cho ông Nguyễn Long Hải

Chiều 9/12, tại trụ sở Tỉnh ủy Quảng Trị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng trao quyết định của Bộ Chính trị cho ông Nguyễn Long Hải.

Ông Nguyễn Long Hải sẽ kế nhiệm ông Lê Quang Tùng - người đã được Quốc hội bầu giữ chức Ủy viên Ủy ban Thường vụ, Tổng thư ký Quốc hội khóa 15, nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Ông Nguyễn Long Hải 48 tuổi, quê tỉnh Phú Thọ, tiến sĩ Luật, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng khóa XIII. Ông từng giữ chức Phó chánh Văn phòng rồi Chánh Văn phòng Trung ương Đoàn; Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đoàn; Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đoàn; Phó chủ nhiệm Thường trực Ủy ban quốc gia về Thanh niên Việt Nam; Tổng thư ký Ủy ban quốc gia về Thanh niên Việt Nam; Chủ tịch Hội đồng Trung ương Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch tỉnh Lạng Sơn.

Tháng 12/2020, ông Nguyễn Long Hải được bầu giữ chức Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn. Tháng 8/2021, Bộ Chính trị điều động ông giữ chức Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương.

Ông Nguyễn Tuấn Anh làm Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái, được bầu giữ chức Chủ tịch UBND Tỉnh nhiệm kỳ 2021 - 2026 với số phiếu tán thành tuyệt đối.

Ông Nguyễn Tuấn Anh

Ông Nguyễn Tuấn Anh

Tại kỳ họp HĐND tỉnh Yên Bái sáng 9/12, ông Nguyễn Tuấn Anh được bầu làm Chủ tịch UBND Tỉnh thay ông Trần Huy Tuấn đã được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái hồi đầu tháng 11.

Ông Nguyễn Tuấn Anh 49 tuổi, quê Hà Nội, trình độ tiến sĩ kinh tế chuyên ngành ngân hàng tài chính. Ông Nguyễn Tuấn Anh từng làm Giám đốc Chi nhánh Agribank Mỹ Đình; Phó Tổng giám đốc Agribank; Vụ trưởng Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước; Bí thư Đảng bộ Vụ Tài chính Kế toán; Phó trưởng ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Phó chánh Văn phòng Đảng đoàn Quốc hội.

Khởi công trung tâm thương mại lớn nhất miền Trung

Trung tâm thương mại Aeon Mall Thanh Hóa rộng 10,5 ha, tổng vốn đầu tư hơn 4.150 tỷ đồng, lớn nhất khu vực miền Trung, khởi công chiều 9/12.

Phối cảnh Dự án Aeon Mall Thanh Hóa

Phối cảnh Dự án Aeon Mall Thanh Hóa

Trung tâm thương mại Aeon Mall Thanh Hóa đặt tại Khu đô thị phía Nam, phường Quảng Thành, TP. Thanh Hóa. Dự án có quy mô 10,5 ha, diện tích sàn 120.000 m2, diện tích cho thuê khoảng 52.000 m2. Nhà đầu tư đặt mục tiêu đưa Dự án vào hoạt động cuối năm 2026.

Ông Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đánh giá, Dự án là cầu nối thúc đẩy quan hệ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản. Dự án khi đi vào hoạt động sẽ là một trong những điểm đến nổi bật của TP. Thanh Hóa nói riêng và tỉnh Thanh Hóa nói chung, phục vụ không chỉ người dân địa phương mà còn du khách trong nước và quốc tế. Dự án cũng góp phần quan trọng trong việc giải quyết việc làm cho người lao động và tăng thu ngân sách.

Để Dự án hoàn thành đúng kế hoạch, ông Tuấn đề nghị chủ đầu tư, nhà thầu tập trung các nguồn lực, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, tổ chức thi công, bảo đảm tiến độ, chất lượng, an toàn.

Sau hơn 10 năm gia nhập thị trường Việt Nam, Aeon Mall dần có chỗ đứng trong thị trường trung tâm thương mại. Hiện tập đoàn này có 7 trung tâm thương mại đang vận hành tại Việt Nam. Mỗi trung tâm thương mại đều tích hợp nhiều tiện ích như vui chơi, giải trí, mua sắm.

Khởi công cầu dây văng 4.000 tỷ vượt sông Hậu

Cầu Đại Ngãi 1 nối Trà Vinh - Sóc Trăng được khởi công ngày 9/12, dự kiến hoàn thành năm 2028, giúp rút ngắn hành trình từ miền Tây đi TP.HCM khoảng 80 km so với Quốc lộ 1.

Phối cảnh cầu Đại Ngãi 1 bắc qua sông Hậu

Phối cảnh cầu Đại Ngãi 1 bắc qua sông Hậu

Công trình nằm trên Quốc lộ 60, là một trong những gói thầu xây lắp chính của Dự án xây cầu Đại Ngãi, do Ban Quản lý dự án 85 - Bộ Giao thông vận tải làm chủ đầu tư.

Cầu Đại Ngãi 1 có tổng chiều dài hơn 3 km, trong đó phần cầu chính dài khoảng 2,6 km, rộng 21,5 m, còn lại là đường dẫn ở hai đầu. Công trình được thiết kế dạng dây văng với hai trụ tháp dạng chữ A, cao 110 m tính từ mặt cầu. Cầu có nhịp chính dài 450 m, lớn thứ hai Việt Nam, sau cầu Cần Thơ 550 m, khổ thông thuyền 300 m. Gói thầu xây dựng cầu Đại Ngãi 1 trị giá hơn 3.900 tỷ đồng, thực hiện bởi liên danh nhà thầu do Tập đoàn Đèo Cả đứng đầu.

Theo đại diện liên danh nhà thầu, thời gian thi công cầu Đại Ngãi 1 thực hiện trong 1.250 ngày, dự kiến hoàn thành vào tháng 6/2028. Khi khai thác, công trình này cùng các cầu Rạch Miễu, Hàm Luông, Cổ Chiên, hình thành hệ thống hạ tầng đồng bộ, tăng năng lực giao thông vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Cầu Đại Ngãi 1 cũng giúp rút ngắn hành trình từ Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu về TP.HCM khoảng 80 km so với Quốc lộ 1.

Dự án xây dựng cầu Đại Ngãi tổng mức đầu tư gần 8.000 tỷ đồng, tổng chiều dài 15 km, điểm đầu giao Quốc lộ 54 thuộc địa phận huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh; điểm cuối giao quốc lộ Nam Sông Hậu, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng. Ngoài cầu Đại Ngãi 1, trước đó, gói thầu lớn khác của Dự án là cầu Đại Ngãi 2 đã khởi công hồi tháng 10/2023, dự kiến hoàn thành năm 2025.

UBND TP.HCM trình danh mục 22 dự án thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội

Tại kỳ họp thứ 20 HĐND khóa X diễn ra ngày 9/12, UBND TP.HCM trình HĐND Thành phố xem xét, thông qua “Danh mục công trình, dự án phải thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng”.

UBND TP.HCM trình danh mục 22 dự án thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội

UBND TP.HCM trình danh mục 22 dự án thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội

Theo danh mục UBND TP.HCM trình, sẽ có 22 công trình dự án phải thu hồi đất. Cụ thể, có 11 công trình, dự án phải thu hồi đất đăng ký mới với tổng diện tích đất thu hồi là 3,87 ha.

Có 11 công trình, dự án phải thu hồi đất đã được thông qua theo Danh mục dự án cần thu hồi đất tại các Nghị quyết của HĐND TP.HCM nhưng đã quá thời hạn 3 năm chưa có quyết định thu hồi đất, nay tiếp tục thực hiện việc thu hồi đất với diện tích là 13,77 ha.

Trong đó, huyện Nhà Bè có nhiều nhất với 7 dự án, chủ yếu là các dự án chống sạt lở, dự án cầu Rạch Tôm; quận Bình Thạnh và Quận 11 mỗi địa phương có 3 dự án; huyện Củ Chi và Quận 8 mỗi địa phương có 2 dự án; quận Phú Nhuận, 3, 5, 6 và Quận 10 mỗi địa phương 1 dự án.

Về sự phù hợp quy hoạch, UBND các quận: 3, 5, 6, 8, 10, 11, Bình Thạnh, Phú Nhuận, huyện Củ Chi, huyện Nhà Bè có ý kiến đảm bảo sự phù hợp quy hoạch đối với các dự án thu hồi đất trình HĐND thông qua.

Có 1 dự án đường dây 500kV Củ Chi - rẽ Chơn Thành - Đức Hòa trên địa bàn huyện Củ Chi chưa có trong các quy hoạch chung, quy hoạch phân khu được duyệt. Tuy nhiên, Dự án có trong Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 - 2030 của huyện Củ Chi đã được Hội đồng thẩm định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện họp thông qua vào ngày 30/10/2024.

Hiện UBND huyện Củ Chi đang hoàn thiện hồ sơ và dự kiến trình Sở Tài nguyên và Môi trường để trình UBND Thành phố phê duyệt trong tháng 12/2024. UBND huyện Củ Chi báo cáo đây là dự án cấp bách, trọng điểm quốc gia đang tổ chức triển khai chuẩn bị thu hồi đất, đề xuất trình HĐND TP.HCM thông qua danh mục thu hồi đất và sẽ cập nhật vào Quy hoạch chung, quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 trên địa bàn huyện Củ Chi ngay sau khi Quy hoạch TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 được Thủ tướng phê duyệt.

Vietnam Airlines sắp họp bất thường để bàn tăng vốn

Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) dự kiến họp bất thường tháng sau để trình phương án tăng vốn, mua thêm tàu bay.

Vietnam Airlines dự kiến họp bất thường tháng sau để trình phương án tăng vốn, mua thêm tàu bay

Vietnam Airlines dự kiến họp bất thường tháng sau để trình phương án tăng vốn, mua thêm tàu bay

Theo nghị quyết ngày 9/12 của Hội đồng quản trị Vietnam Airlines, phiên họp đại hội đồng cổ đông bất thường của hãng sẽ diễn ra ngày 21/1/2025. Ngày cuối cùng chốt danh sách cổ đông dự họp là 26/12.

Tại phiên họp này, hãng hàng không quốc gia dự kiến trình đại hội đồng cổ đông phương án phát hành cổ phần để tăng vốn điều lệ và những định hướng trong Đề án phục hồi sản xuất, cơ cấu đến 2035. Động thái này nhằm giúp Tổng công ty nhanh chóng cải thiện năng lực tài chính, đảm bảo ổn định dòng tiền trong dài hạn. Doanh nghiệp cũng xin ý kiến cổ đông về chủ trương với Dự án đầu tư đội tàu bay thân hẹp.

Cuối tháng 11, Quốc hội đã thông qua các giải pháp để gỡ khó cho hãng hàng không từ ảnh hưởng của đại dịch. Theo đó, Vietnam Airlines được chào bán thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ thêm tối đa 22.000 tỷ đồng theo 2 giai đoạn, khi đáp ứng các quy định của Luật Chứng khoán.

Cụ thể, giai đoạn 1, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) được phép thay mặt Chính phủ đầu tư mua cổ phiếu tại Vietnam Airlines. Đây là quyền mua cổ phần của cổ đông Nhà nước theo phương thức chuyển giao quyền mua khi hãng thực hiện phương án tăng vốn giai đoạn 1 với quy mô phát hành 9.000 tỷ đồng. Giai đoạn 2, Nhà nước chuyển giao quyền mua cổ phần cho doanh nghiệp, với quy mô tối đa 13.000 tỷ đồng.

Biên chế đội bay của Vietnam Airlines hiện có hơn 100 tàu, gồm thân rộng và hẹp. Hãng dự báo có thể cần đến 170 máy bay mới đến năm 2035. Trong năm sau, Vietnam Airlines có kế hoạch mua bổ sung 50 tàu bay thân hẹp. Bên lề một sự kiện hàng không khu vực vào tháng trước, CEO Lê Hồng Hà nói rằng, hãng mở cửa với mọi đối tác, nhưng cần thực hiện qua đấu thầu.

Từ đầu năm đến nay, hoạt động của Tổng công ty khởi sắc hơn 2 năm sau dịch Covid-19. Vietnam Airlines đã có lãi quý thứ ba liên tiếp với lợi nhuận hợp nhất sau thuế hơn 860 tỷ đồng trong quý III.

Dù vậy, do tác động nặng nề của đại dịch, hãng vẫn âm vốn chủ sở hữu hơn 11.000 tỷ đồng. Đến hết tháng 9, hãng hàng không quốc gia lỗ lũy kế hơn 35.200 tỷ đồng.

Vĩnh Phúc đề xuất dự án 1.200 tỷ đồng phát huy giá trị hồ Đầm Vạc

Sở Xây dựng Vĩnh Phúc đề xuất dự án 1.200 tỷ đồng nạo vét, làm đường quanh hồ và xây dựng hệ thống công viên quanh Đầm Vạc và triển khai trong năm 2025 và giai đoạn 2026 - 2028.

Một góc hồ Đầm Vạc, thành phố Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc

Một góc hồ Đầm Vạc, thành phố Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc

Ngày 9/12, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Dương Văn An chủ trì cuộc họp về phương án, ý tưởng quản lý, khai thác và phát huy giá trị hồ Đầm Vạc (thành phố Vĩnh Yên).

Hồ Đầm Vạc với diện tích khoảng 150 ha là điểm nhấn, "trái tim xanh" của thành phố Vĩnh Yên, nhưng đến nay chưa có đường dạo xung quanh, chưa phát huy được hết tiềm năng, giá trị.

Do đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã giao UBND Tỉnh chỉ đạo các sở, ngành nghiên cứu, xây dựng ý tưởng quy hoạch, khai thác, bảo vệ và phát huy giá trị của hồ Đầm Vạc gắn với phát triển đô thị, khu vui chơi giải trí, khu dân cư và tạo cảnh quan sinh thái.

Theo đề xuất của Sở Xây dựng Vĩnh Phúc, Dự án có tổng nguồn vốn khoảng 1.200 tỷ đồng, được triển khai thực hiện trong năm 2025 và giai đoạn 2026 - 2028. Dự án bao gồm tuyến đường dạo quanh hồ, hệ thống công viên và công tác nạo vét lòng hồ Đầm Vạc.

Dự án này, theo Sở Xây dựng Vĩnh Phúc, nhằm chỉnh trang đô thị, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, kiến trúc khu vực hồ Đầm Vạc và xung quanh; xây dựng các khu công viên, tạo sân khấu thực cảnh trên mặt nước, tái tạo hệ sinh thái tự nhiên.

Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Dương Văn An cho biết, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất chủ trương có dự án đầu tư, cải tạo hồ Đầm Vạc để phát huy giá trị của hồ theo hướng mở rộng hồ mà không làm ảnh hưởng đến đời sống, môi trường, cảnh quan khu vực xung quanh.

Việc nạo vét toàn bộ lòng hồ và xây dựng hệ thống đường giao thông quanh hồ có tổng chiều dài khoảng 15 km nhằm phục vụ đi dạo, thể dục, thể thao và xây dựng một số điểm vui chơi xung quanh hồ, phát triển du lịch, tham quan.

Giám đốc Sở Y tế Bạc Liêu bị kỷ luật do để xảy ra sai phạm trong đấu thầu

Ông Bùi Quốc Nam, Giám đốc Sở Y tế Bạc Liêu bị cảnh cáo do liên quan vụ án vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại sở này.

Ông Bùi Quốc Nam, Giám đốc Sở Y tế Bạc Liêu

Ông Bùi Quốc Nam, Giám đốc Sở Y tế Bạc Liêu

Ông Nam, 59 tuổi, vừa bị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo do để xảy ra sai phạm trong đấu thầu gây ra hậu quả nghiêm trọng. Liên quan vụ việc, ông Trần Hoài Đảo, Phó Giám đốc Sở Y tế Bạc Liêu, cũng bị xử lý với hình thức tương tự.

Hai lãnh đạo Sở Y tế Bạc Liêu bị kỷ luật do để thuộc cấp sai phạm. Trước đó hồi tháng 7, Công an tỉnh Bạc Liêu khởi tố, bắt tạm giam ông Huỳnh Thanh Phong, 58 tuổi, Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính thuộc sở này và một số lãnh đạo doanh nghiệp để điều tra về hành vi đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.

Theo cơ quan công an, ông Huỳnh Thanh Phong không đảm bảo công bằng trong đấu thầu dự án mua sắm trang thiết bị y tế Bệnh viện Đa khoa Tỉnh, tạo điều kiện để doanh nghiệp trúng thầu, gây thiệt hại ngân sách hơn 20 tỷ đồng.

Chuyên đề