Xã hội hóa đấu giá tài sản

(BĐT) - Luật Đấu giá tài sản (ĐGTS) có hiệu lực từ ngày 1/7/2017 được kỳ vọng từng bước đưa hoạt động ĐGTS theo hướng chuyên nghiệp hóa. Chủ trương xã hội hóa hoạt động ĐGTS với việc thực hiện chuyển đổi mô hình hoạt động của Trung tâm Dịch vụ bán ĐGTS là bước đi quan trọng để thực hiện mục tiêu này.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Đảm bảo hiệu quả hoạt động đấu giá

Tại Hội nghị triển khai công tác bổ trợ tư pháp (BTTP) năm 2017, Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp thuộc Bộ Tư pháp Vũ Hồng Dương cho biết, trong năm 2016, công tác xây dựng thể chế trong hoạt động BTTP đã hoàn thành đúng tiến độ và chất lượng. Việc phát triển các nghề tư pháp như luật sư, công chứng, đấu giá tài sản... tiếp tục được tăng cường theo định hướng phát triển số lượng đi đôi với tăng cường chất lượng. Đặc biệt, sự ra đời của Luật ĐGTS đã được ghi nhận là một trong 10 sự kiện nổi bật của ngành tư pháp năm 2016.

Với định hướng tiếp tục thực hiện chủ trương xã hội hóa hoạt động này, từng bước đưa hoạt động ĐGTS theo hướng chuyên nghiệp hóa, Luật ĐGTS giao UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ tình hình thực tiễn tại địa phương xem xét, phê duyệt các đề án như: Đề án thực hiện cơ chế tự chủ đối với Trung tâm Dịch vụ bán ĐGTS, Đề án chuyển đổi Trung tâm Dịch vụ bán ĐGTS thành doanh nghiệp trong trường hợp không cần thiết duy trì Trung tâm Dịch vụ bán ĐGTS, Đề án giải thể Trung tâm Dịch vụ bán ĐGTS trong trường hợp không có khả năng chuyển đổi thành doanh nghiệp sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Tư pháp. Việc làm này được thực hiện là để đảm bảo hoạt động đấu giá liên tục, ổn định, tránh gây ách tắc việc xử lý tài sản, đồng thời phù hợp với tình hình thực tiễn về tổ chức và hoạt động đấu giá tại địa phương. 

Hoàn thiện thể chế xã hội hóa đấu giá tài sản

Theo ông Đoàn Văn Hường, Phó Chánh Thanh tra Bộ Tư pháp, chủ trương xã hội hóa mạnh mẽ hoạt động BTTP theo Nghị quyết 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 là hoàn toàn đúng đắn, bước đầu đã có những kết quả triển khai thành công trong hoạt động xã hội hóa lĩnh vực công chứng, luật sư.

“Đối với hoạt động ĐGTS, Nghị định 17/2010/NĐ-CP về bán ĐGTS là một trong những đột phá mạnh mẽ nhất khi thực thi Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị, từ đó đến nay đã có khoảng hơn 200 doanh nghiệp bán ĐGTS và 62 Trung tâm Dịch vụ bán ĐGTS ra đời với hơn 1.000 đấu giá viên” – ông Hường nhấn mạnh.

Tuy nhiên, nội hàm của xã hội hóa theo Nghị quyết 49 đến nay theo quan điểm của ông Hường mới chỉ xác định đẩy mạnh xã hội hóa trong hoạt động BTTP, cụ thể là công chứng, luật sư, giám định; còn đối với hoạt động bán ĐGTS thì tiến độ và tốc độ xã hội hóa có thể chậm hơn. Lộ trình xã hội hóa này phải tính toán cụ thể tới việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị đối với các trung tâm dịch vụ bán ĐGTS.

Nhằm tạo nền tảng cho xã hội hóa hoạt động ĐGTS, theo quan điểm của ông Hường là cần phải chuẩn bị về mọi mặt, từ yếu tố thể chế, đến việc nâng cao trình độ của đội ngũ đấu giá viên để đáp ứng được yêu cầu cạnh tranh, thành lập các tổ chức xã hội nghề nghiệp của đấu giá viên. Sự chuẩn bị này cần phải theo lộ trình, từng bước thực hiện.

Theo ông Võ Đình Toàn, Phó Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý, hoạt động ĐGTS sau khi được luật hóa cần có những kiến nghị với các cấp chính quyền để hoàn thiện thể chế xã hội hóa. Tuy nhiên, ĐGTS là lĩnh vực, ngành nghề mang tính kinh tế, kỹ thuật rất cao. Do đó, nếu xã hội hóa hoạt động bán ĐGTS có được những văn bản luật hóa các tiêu chuẩn, tiêu chí kỹ thuật để thực hiện thì sẽ rất dễ kiểm soát. Còn nếu việc thực hiện chỉ mang tính chất định tính mà không định lượng được đối với các vấn đề đã được quy định trong Luật ĐGTS thì theo ông Toàn, rất có thể sẽ làm nảy sinh những “vênh váo” trong thực tiễn, từ đó, các đối tượng xấu có thể lợi dụng để lách luật.                

Chuyên đề