Việt Nam có cơ hội đón làn sóng đầu tư trực tiếp nước ngoài dịch chuyển nhờ làm tốt chính sách ứng phó với Covid-19. Ảnh: Lê Tiên |
Bối cảnh đặc biệt
Kết quả phát triển kinh tế ấn tượng của năm 2019 với mức tăng trưởng GDP 7,02% đã tạo đà bứt phá, niềm tin cho việc thực hiện những mục tiêu, khát vọng của Việt Nam trong tương lai. Đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi rất nhiều kế hoạch, tác động nặng nề đến kinh tế thế giới và Việt Nam. Theo dự báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), tăng trưởng GDP cả năm 2020 ước đạt trên 2%, trong điều kiện cho phép, phấn đấu đạt khoảng 3%. Đây là mức tăng trưởng tích cực trong bối cảnh rất nhiều quốc gia trên thế giới tăng trưởng âm.
Tại một hội thảo do Trường Đại học Kinh tế quốc dân tổ chức gần đây, GS. TS. Trần Thọ Đạt chia sẻ, tác động từ Covid-19 khiến mục tiêu và khát vọng của nền kinh tế Việt Nam trong những năm tới với dự kiến tăng trưởng từ 6 đến 7% để đuổi kịp một số nước là vô cùng khó khăn. Nếu nhìn vào tăng trưởng năm 2020, độ chênh lệch giữa tăng trưởng thực tế và khát vọng là quá lớn.
Dù kết quả của Việt Nam vẫn là tích cực trong một năm đặc biệt, nhưng sự sụt giảm của tăng trưởng năm 2020 và nhiều vấn đề đặt ra do tác động chưa từng có của Covid-19 sẽ đòi hỏi phải thay đổi nhiều kế hoạch, nhiều dự kiến và cách thức để đi đến mục tiêu.
Hành động để nắm bắt cơ hội
Chủ đề của VRDF năm nay đi thẳng vào vấn đề nóng bỏng nhất mà doanh nghiệp, người dân đặc biệt quan tâm, đó là “Hành động để phục hồi tăng trưởng theo hướng bao trùm và bền vững trong kỷ nguyên Covid-19”. Từ đầu bài này, các chuyên gia, học giả uy tín thế giới và trong nước sẽ cùng hiến kế, đưa ra lời giải xoay quanh hai trọng tâm: “Covid-19 và hành động của Việt Nam nhằm nắm bắt cơ hội, nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu” và “Chuyển đổi số và chuyển dịch cơ cấu theo hướng bao trùm và bền vững”.
Phát triển bền vững, bao trùm là mục tiêu xuyên suốt của Việt Nam trong chính sách phát triển kinh tế. Tuy nhiên, tác động của Covid-19 sẽ cần những hành động mới để đảm bảo mục tiêu này, khi mà hàng triệu lao động mất việc, thiếu việc làm, thu nhập giảm sâu; doanh nghiệp Việt vốn nhỏ bé rất dễ bị quật ngã...
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng luôn khẳng định rằng “trong nguy có cơ”, nguy đối với quốc gia này, cũng có thể là cơ hội đối với quốc gia khác nếu biết nắm bắt. Cần một tư duy mới, cách tiếp cận mới khi mà các cấu trúc kinh tế (sản xuất, thương mại, đầu tư…) và trật tự thế giới sẽ có sự điều chỉnh và thay đổi sâu sắc do đại dịch Covid-19. Đây là cơ hội đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, bổ sung các ngành nghề, chuỗi cung ứng mới để tăng cường năng lực chống chịu của nền kinh tế; tham gia ngay các trật tự mới, cấu trúc mới sau khi hết dịch.
Nhiều tổ chức quốc tế, chuyên gia cũng đã nhận định về những cơ hội này đối với Việt Nam. Ông Jacques Morisset, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đánh giá, đại dịch Covid-19 sẽ mở ra cơ hội phát triển mới cho Việt Nam. Trong đó, nhờ đi trước các nước trong việc xử lý khủng hoảng Covid-19, Việt Nam có được cơ hội đặc biệt để tăng sự hiện diện của mình trong kinh tế toàn cầu và trở thành quốc gia đi đầu trong thế giới công nghệ số trong tương lai. Việt Nam cũng có những cơ hội đón làn sóng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) dịch chuyển, từ việc đã làm tốt chính sách ứng phó với Covid-19, và vị trí địa lý gần Trung Quốc.
Tất nhiên, cơ hội sẽ không tự đến, việc phải làm để đón được cơ hội là không đơn giản. Rất nhiều bài toán đặt ra, bởi vì bên cạnh nền tảng chưa cao, doanh nghiệp Việt Nam đang đối diện với rất nhiều khó khăn do Covid-19 gây ra. Hay là bài toán làm sao để thu hút FDI chất lượng cao và có được lợi ích nhiều hơn; làm sao để bảo đảm tính bao trùm của chuyển đổi số, mang số hóa đến cho tất cả mọi người...
Và những hiến kế, lời giải, khuyến nghị chính sách từ VRDF 2020 sẽ đặc biệt có giá trị cho Việt Nam để có thể phục hồi, nắm bắt những cơ hội mới…