VRDF 2019: Ưu tiên đúng và thực thi hiệu quả

(BĐT) - Đứng trước bước ngoặt quan trọng của đất nước trong giai đoạn mới, để hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng, việc lựa chọn đúng và có hành động, thực thi hiệu quả là rất quan trọng. Báo Đấu thầu ghi nhận một số ưu tiên và hành động được các chuyên gia khuyến nghị cho định hướng phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam trong giai đoạn tới.

“Đầu tư vào nguồn nhân lực để đáp ứng việc mở cửa thương mại”

Bà Pinelopi Koujianou Goldberg, Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới. Ảnh: Lê Tiên

Việt Nam đang tham gia chuỗi giá trị toàn cầu cả trong công đoạn trước và sau của lĩnh vực công nghiệp chế tác, nhưng mới ở mức hạn chế.

Để bước ra khỏi giới hạn trong sản xuất công nghiệp, điều đầu tiên là cần tăng tỷ trọng giá trị nội địa. Khi chuyển sang sản xuất công nghiệp và dịch vụ tiên tiến trong chuỗi giá trị toàn cầu, mức độ mở cửa thương mại của nền kinh tế và kỹ năng người lao động là nhân tố quyết định.

Bên cạnh đó, chống lại sự cám dỗ của các chính sách bảo hộ, tham gia sâu vào các hiệp định thương mại sẽ làm tăng trưởng chuỗi giá trị toàn cầu của quốc gia. Ngoài ra, tiếp tục đầu tư vào nguồn nhân lực sẽ là một trong những giải pháp quan trọng cho Việt Nam trong giai đoạn tới.

“Mô hình nhà nước kiến tạo phát triển có thể là sự lựa chọn phù hợp cho Việt Nam”

TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. Ảnh: Lê Tiên

Việt Nam đã từ bỏ mô hình kế hoạch hóa tập trung mà đi theo mô hình nhà nước kiến tạo phát triển kể từ Đại hội VI của Đảng. Đảng và Nhà nước đã đề ra đường lối công nghiệp hóa đất nước, đã công nhận cơ chế thị trường, nhưng vẫn coi trọng vai trò quản lý của Nhà nước. Nhờ đó mà nước ta đã có sự phát triển ngoạn mục trong thời gian qua.

Tuy nhiên, có nhiều nguyên nhân khiến Việt Nam chưa thành “hổ”, thành “rồng” mà nguyên nhân cơ bản nhất là Việt Nam không thúc đẩy phát triển công nghiệp thông qua các công ty, các tập đoàn tư nhân, mà lại thông qua các doanh nghiệp nhà nước. Một nguyên nhân khác là không có được một bộ máy hành chính, công cụ chuyên nghiệp, nhân sự tài giỏi để hiện thực hóa chương trình công nghiệp hóa. Đây là những khiếm khuyết mà chúng ta phải tập trung mọi nỗ lực để khắc phục và đồng thời phải kiên trì mô hình nhà nước kiến tạo phát triển, bởi đây là sự lựa chọn đúng đắn, tối ưu cho Việt Nam.

“Cải cách thể chế nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi chính sách”

TS. Jonathan Pincus, Chủ tịch Quỹ Rajawali, nguyên Chuyên gia kinh tế trưởng của UNDP Việt Nam. Ảnh: Lê Tiên

Việt Nam có 3 vấn đề trong quá trình cải cách khiến cho việc thực thi chính sách trở nên khó khăn. Đó là, sự phân mảnh về quyền lực, thương mại hóa nhà nước và tinh thần thực tài bị suy yếu. Từ những vấn đề trên, tôi đề xuất 3 phương thức tăng cường hiệu quả các thể chế chính quyền.

Thứ nhất là hợp lý hóa, bảo đảm tính tập trung trong công tác tổ chức, nhân sự. Có thể luân chuyển lãnh đạo địa phương, thành lập một cơ quan chủ trì hoạch định và thực hiện chính sách kinh tế và đào tạo chuyên sâu cho cán bộ nắm giữ các vị trí quan trọng, nhạy cảm.

Thứ hai là tính kỷ luật thị trường, trong đó minh bạch hơn trên thị trường đất đai và tín dụng; tách biệt rõ ràng giữa doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp được cổ phần hóa với cơ quan quản lý; giám sát chặt chẽ hơn và thực thi nghiêm các quy định về hạn chế rủi ro trong hệ thống ngân hàng.

Thứ ba là vấn đề trách nhiệm giải trình với người dân. Giải pháp cho vấn đề này là áp dụng Chính phủ điện tử và truyền thông xã hội để tăng cường minh bạch và sự tham gia của người dân trong việc ra quyết định của Nhà nước.

“Đẩy mạnh đầu tư cho khu vực tư nhân trong nước”

TS. David Dollar, Nghiên cứu viên cao cấp Viện Brookings (Hoa Kỳ), nguyên Giám đốc quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Trung Quốc. Ảnh: Lê Tiên

So với các quốc gia có cùng mức thu nhập bình quân đầu người, Việt Nam có chế độ pháp quyền tương đối tốt, đây là cơ sở để Việt Nam có thể thu hút lượng lớn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên đầu tư của khu vực tư nhân vẫn thấp bởi chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, hoạt động xuất khẩu trực tiếp của Việt Nam chủ yếu do các doanh nghiệp nước ngoài đảm nhiệm.

Ngoài ra, tỷ lệ đầu tư vào lĩnh vực tài chính và khu vực tư nhân trong nước còn thấp. Đây là nghịch lý trong phát triển, trong khi thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam khá tốt. Nhiều nghiên cứu cho thấy doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam chủ yếu là quy mô nhỏ và gặp nhiều khó khăn để phát triển.

Thực tế, tôi chưa thấy quốc gia nào thịnh vượng mà chỉ nhờ vào đầu tư trực tiếp nước ngoài. Do đó, đầu tư tư nhân trong nước của Việt Nam cần được đẩy mạnh hơn, đóng vai trò quan trọng thay vì tập trung thu hút FDI và phát triển doanh nghiệp nhà nước.   

Chuyên đề