Tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đạt 12,5%
Tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ ngân hàng 2025 diễn ra sáng 14/12, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng công bố, tính đến ngày 13/12, tín dụng đã tăng khoảng 12,5% so với cuối năm 2023, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và ưu tiên.
Lãi suất cho vay đã giảm khoảng 0,96%/năm so với cuối năm 2023 |
Thống đốc cũng nhấn mạnh những thành tựu trong điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng, bao gồm việc ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ thanh khoản cho các tổ chức tín dụng và duy trì ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối.
Ngân hàng Nhà nước đã giữ nguyên các mức lãi suất điều hành, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn với chi phí thấp, hỗ trợ nền kinh tế trong bối cảnh lãi suất thế giới vẫn ở mức cao.
Đồng thời, các ngân hàng được chỉ đạo giảm chi phí hoạt động để giảm lãi suất cho vay, công khai mức lãi suất cho vay bình quân, chênh lệch lãi suất tiền gửi và cho vay trên trang thông tin điện tử.
Theo báo cáo, lãi suất cho vay đã giảm khoảng 0,96%/năm so với cuối năm 2023.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ đạo các tổ chức tín dụng đẩy mạnh triển khai các chương trình tín dụng như: chương trình 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư; chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm, thủy sản… Đặc biệt, ngành ngân hàng đã thực hiện các giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 (bão Yagi).
Thời gian tới, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường, tình hình kinh tế trong và ngoài nước để điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả. Song song đó là việc phối hợp hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa nhằm hỗ trợ ưu tiên tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đồng thời góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.
Khởi công cao tốc nối TP.HCM - Bình Dương - Bình Phước
Cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành kết nối Vành đai 3, 4 sẽ giúp tăng kết nối các tỉnh Đông Nam Bộ, giảm thời gian từ Tây Nguyên đi sân bay Long Thành.
Phối cảnh cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành |
Sáng 14/12, UBND tỉnh Bình Phước cùng Bộ Giao thông vận tải tổ chức khởi công dự án 7 km cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành qua địa bàn.
Đây là dự án cao tốc đầu tiên của tỉnh này với tổng mức đầu tư gần 1.500 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách trung ương khoảng 1.000 tỷ đồng, còn lại là ngân sách địa phương, dự kiến hoàn thành trong năm 2026.
Cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành dài 69 km, trong đó đoạn qua Bình Dương khoảng 52 km (dự kiến khởi công đầu năm 2025); 7 km đi qua Bình Phước và 2 km qua TP.HCM. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 17.400 tỷ đồng, thời gian thực hiện 2024 - 2027, hoàn vốn trong 32 năm 7 tháng. Giai đoạn đầu, tuyến có 4 làn xe và nâng lên 6 làn ở giai đoạn đầu tư tiếp theo, vận tốc tối đa 100 km/h.
Cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành khi được khai thác sẽ là tuyến huyết mạch liên kết vùng Đông Nam Bộ. Đồng thời, công trình cũng giúp rút ngắn thời gian từ Bình Phước đến sân bay Long Thành, cảng Cái Mép - Thị Vải, giảm chi phí logistics cho các doanh nghiệp đầu tư ở đây.
Ngoài dự án trên, Bình Phước đang chuẩn bị khởi công Dự án cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành dài 129 km, trong đó đoạn đi qua Đăk Nông dài 27,8 km, đi qua Bình Phước dài 101 km với tổng vốn đầu tư 25.540 tỷ đồng. Vốn Nhà nước tham gia 12.770 tỷ đồng và vốn nhà đầu tư 12.770 tỷ đồng.
Lập Ban chỉ đạo chuẩn bị khai thác sân bay Long Thành
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa ban hành quyết định thành lập Ban chỉ đạo công tác chuẩn bị khai thác Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Hạng mục nhà ga Cảng hàng không quốc tế Long Thành đã lộ diện |
Ban chỉ đạo do lãnh đạo Bộ GTVT làm Trưởng ban, Phó Trưởng ban gồm Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam (Phó Trưởng ban thường trực), Tổng giám đốc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam và đại diện lãnh đạo các vụ thuộc Bộ GTVT như Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông, Vận tải, Quản lý doanh nghiệp, Cục Quản lý đầu tư xây dựng.
Ban chỉ đạo có chức năng là đầu mối phối hợp liên ngành giải quyết các vấn đề phát sinh trong công tác chuẩn bị khai thác Cảng hàng không quốc tế Long Thành; chủ trì chỉ đạo, tổ chức điều phối tổng thể công tác chuẩn bị khai thác Cảng hàng không quốc tế Long Thành, bao gồm việc chỉ đạo thử nghiệm các công việc vận hành và chuyển giao khai thác cảng, đảm bảo khi đưa vào vận hành khai thác được thống nhất, đồng bộ, liên tục và hiệu quả.
Ban chỉ đạo cũng có nhiệm vụ xử lý các vấn đề khó khăn, vướng mắc giữa các cơ quan, đơn vị trong quá trình phối hợp thực hiện công tác chuẩn bị khai thác cảng; chỉ đạo, đôn đốc các vấn đề quan trọng của công tác chuẩn bị khai thác và chuyển giao khai thác cảng về tiến độ, các mốc thời gian chính, đảm bảo công khai, minh bạch, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị liên quan.
Ngoài ra, Ban chỉ đạo kịp thời đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền và Tổ công tác Dự án Đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành theo Quyết định số 401/2023 của Thủ tướng Chính phủ xem xét, giải quyết đối với các vấn đề vượt thẩm quyền giải quyết.
Cả nước không hoàn thành mục tiêu xây 130.000 căn nhà xã hội
Theo Bộ Xây dựng, cả nước chỉ hoàn thành 21.000 căn nhà ở xã hội, tương ứng khoảng 16% kế hoạch năm 2024.
Một dự án nhà ở xã hội tại Thủy Nguyên, Hải Phòng |
Thông tin này được Bộ Xây dựng cho biết trong dự thảo tài liệu tổng kết công tác của ngành công bố ngày 14/12.
Theo Đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội, năm 2024, cả nước đặt mục tiêu phát triển 130.000 căn. Dù nỗ lực, các tỉnh, thành phố cũng chỉ hoàn thành được 21.000 căn, tương ứng hơn 16% kế hoạch. Thời gian qua, lãnh đạo Bộ Xây dựng nhiều lần cho biết việc hiện thực hóa mục tiêu phát triển nhà ở xã hội còn nhiều khó khăn, thách thức.
Việc thực hiện gói vay ưu đãi cho loại hình nhà ở này cũng hạn chế. Cụ thể, đến nay mới có 16 dự án được cho vay với tổng mức cam kết cấp tín dụng 4.200 tỷ đồng, dư nợ 1.727 tỷ.
Từ năm 2021 đến nay, theo số liệu của Bộ Xây dựng, cả nước có 644 dự án nhà ở xã hội được triển khai với quy mô 580.109 căn. Trong đó, chỉ có 96 dự án được hoàn thành với quy mô hơn 57.620 căn. 133 dự án đã khởi công với trên 110.200 căn. Còn lại 415 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư sẽ cung cấp thêm hơn 412.200 căn nếu xây xong.
Trong năm qua, Bộ Xây dựng cũng đã đề nghị Bộ Công an và Quốc phòng thực hiện 5.000 căn nhà ở xã hội cho lực lượng vũ trang mỗi đơn vị. Đồng thời, cơ quan này cũng phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Chính sách xã hội thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội tại Hà Nội.
Tại báo cáo gửi Thủ tướng hồi tháng 9, Bộ Xây dựng cho biết, việc phát triển nhà ở xã hội tại hai đô thị loại đặc biệt Hà Nội và TP.HCM còn chậm, chưa tới 40% chỉ tiêu dù nhu cầu rất lớn. Cụ thể, Hà Nội phải xây 18.700 căn đến 2025, nhưng thời điểm đó mới có 3 dự án được khởi công (1.700 căn) và 5 dự án xây dựng xong, với 5.200 căn, đạt gần 37% mục tiêu.
TP.HCM có chỉ tiêu xây xong 26.200 căn đến 2025. Tuy nhiên, Thành phố chỉ đạt khoảng 21% mục tiêu với 6 dự án đã cấp phép, khởi công (gần 4.400 căn) và 4 dự án hoàn thành (hơn 1.200 căn). Ngoài ra, TP.HCM đăng ký đưa 6 dự án vận hành vào năm 2025.
Thưởng Tết cao nhất ở Bình Dương 375 triệu đồng
Mức thưởng Tết Ất Tỵ cao nhất ở Bình Dương là 375 triệu đồng thuộc về doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, trong khi thấp nhất là gần 5 triệu đồng.
Công nhân làm việc trong nhà máy sản xuất giày ở Bình Dương |
Thông tin trên được lãnh đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương cho biết chiều 14/12. Như vậy, mức thưởng cao nhất và thấp nhất ở địa phương này đều tăng so với năm ngoái (lần lượt là 366 triệu đồng và 4,68 triệu đồng).
Theo đó, khi rà soát, tổng hợp tình hình lương, thưởng Tết 2024 tại 1.771 doanh nghiệp trên địa bàn sử dụng hơn 323.600 lao động, có 95 doanh nghiệp chưa có kế hoạch thưởng Tết, 1.676 đã có báo cáo.
Với các doanh nghiệp có báo cáo, Tết dương lịch 2025, dự kiến mức thưởng cao nhất là 368 triệu đồng dành cho một cá nhân làm việc trong doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thuộc khu công nghiệp. Trong khi đó, mức thấp nhất là 200.000 đồng và bình quân là 750.000 đồng.
Đối với Tết Ất Ty, mức thưởng cao nhất là 375 triệu đồng cũng thuộc về một cá nhân làm việc trong doanh nghiệp FDI thuộc khu công nghiệp, trong khi đó thấp nhất là 4,96 triệu đồng và bình quân là 8,77 triệu đồng.
Đối với khối doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, mức thưởng Tết Ất Tỵ cao nhất là 50,5 triệu đồng, thấp nhất 5,6 triệu đồng và bình quân là 12,78 triệu đồng.
Đối với tiền lương thực trả (tính theo tháng) năm 2024 của doanh nghiệp dành cho lao động trên địa bàn, mức lương cao nhất là 417 triệu đồng dành cho một cá nhân làm việc ở doanh nghiệp FDI, trong khi mức thấp nhất là 4,96 triệu đồng và bình quân là 8,9 triệu đồng.
Ngoài Bình Dương, hiện có một vài địa phương công bố thưởng Tết của doanh nghiệp như Hà Giang với mức cao nhất gần 110 triệu đồng, thấp nhất 300.000 đồng mỗi người. Đắk Lắk mức thưởng cao nhất là 94 triệu đồng, thấp nhất 200.000 đồng.
Ngày 15/12 là hạn cuối các địa phương báo cáo tình hình tiền lương, thưởng Tết Dương lịch và Nguyên đán theo đề nghị của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội. Sở Lao động Thương binh và Xã hội địa phương có trách nhiệm thông báo cho doanh nghiệp cùng công đoàn cơ sở xây dựng phương án thưởng Tết, nắm tình hình tiền lương thực trả, nợ lương, hỗ trợ các bên giải quyết tranh chấp lao động.
Xuất khẩu dệt may cán đích 44 tỷ USD
Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), năm 2024, kim ngạch xuất khẩu dệt may cán đích 44 tỷ USD như dự kiến, tăng 11,26% so với năm 2023. Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 25 tỷ USD, tăng 14,79%; xuất siêu đạt 19 tỷ USD, tăng 6,93% so với năm 2023.
Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu dệt may tăng 11,26% so với năm 2023. Ảnh minh họa |
Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch VITAS, nhiều doanh nghiệp trong ngành ghi nhận tăng trưởng đơn hàng trong năm 2024 và năm 2025. Trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, cước vận tải biến động mạnh, kinh tế thương mại phục hồi chậm, tổng đầu tư toàn cầu sụt giảm..., ngành dệt may Việt Nam vẫn giữ được mức tăng trưởng khá.
Trong khi đó, với các doanh nghiệp ngành sợi, mặc dù thị trường còn khá ảm đạm khi giá đơn hàng còn ở mức rất thấp, nhưng bằng nhiều giải pháp tiết kiệm, tối ưu chi phí trong sản xuất…, nhiều doanh nghiệp đã có những tín hiệu tích cực. Vì vậy, năm 2025, toàn ngành dệt may đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 48 tỷ USD. Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch VITAS cho hay, đây là con số có sự tính toán và nghiên cứu kỹ lưỡng về xu thế đơn hàng; trong đó, ngành may được dự đoán sẽ có lượng đơn hàng dồi dào hơn so với năm 2024.
Cũng theo ông Giang, tuy dự báo tình hình sẽ lạc quan nhưng trong năm 2025, ngành dệt may vẫn gặp nhiều thách thức khi ít cơ hội tiếp cận đơn hàng lớn, đơn giá không tăng, nhu cầu tiêu dùng chưa phục hồi... Doanh nghiệp ngành dệt may cũng đang phải đối mặt những thách thức mới trong năm 2025 như: tình trạng giá đơn hàng thấp trong khi chi phí đầu vào tiếp tục tăng, các nhãn hàng có sự thay đổi lớn trong cách mua hàng cũng như các quy định liên quan đến thanh toán, giảm sản lượng…
Hơn nữa, áp lực giảm giá đơn hàng đi cùng những quy định mới với các tiêu chí, tiêu chuẩn khắt khe liên quan đến “xanh hoá” trong sản xuất, tự chủ nguồn nguyên liệu… là những vấn đề trước mắt các doanh nghiệp dệt may tiếp tục phải đối mặt.
Hà Nội thúc tiến độ cải tạo nhà tập thể cũ
UBND các quận Ba Đình, Đống Đa, Thanh Xuân, Cầu Giấy... phải đẩy nhanh tiến độ trình quy hoạch 1/500, phương án cải tạo các khu tập thể cũ trên địa bàn.
Hà Nội hiện có hơn 1.500 khu tập thể cũ xây dựng từ năm 1960 - 1992 |
Văn phòng UBND TP. Hà Nội vừa có văn bản truyền đạt kết luận của Phó Chủ tịch UBND Thành phố Dương Đức Tuấn liên quan đến kế hoạch cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ trên địa bàn.
UBND Thành phố yêu cầu các đơn vị tập trung đẩy nhanh việc nghiên cứu, trình duyệt quy hoạch chi tiết, tổng mặt bằng cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, làm cơ sở để triển khai các nội dung khác.
Bên cạnh đó, lãnh đạo Thành phố yêu cầu Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc chỉ đạo đẩy nhanh việc xem xét đề nghị của UBND quận Hà Đông về điều chỉnh cục bộ Quy hoạch phân khu đô thị H2-4 liên quan đến một số nhà tập thể khu vực đường Nguyễn Trãi, quận Hà Đông.
Về các nhiệm vụ cụ thể, UBND TP. Hà Nội yêu cầu UBND quận Ba Đình hoàn thành việc trình duyệt quy hoạch chi tiết, tỷ lệ 1/500 dự án cải tạo, xây dựng lại các khu tập thể Thành Công, Ngọc Khánh, Giảng Võ trong tháng 12 này.
Quận Ba Đình cũng có trách nhiệm nghiên cứu, trình duyệt tổng mặt bằng cải tạo, xây dựng lại tập thể Bộ Tư pháp, đồng thời nghiên cứu phương án gom các chung cư độc lập, đơn lẻ vào quy hoạch chi tiết, tỷ lệ 1/500 cải tạo, xây dựng lại các khu chung cư cũ.
Trong khi đó, UBND quận Đống Đa được giao trình duyệt quy hoạch chi tiết, tỷ lệ 1/500 dự án cải tạo, xây dựng lại các khu tập thể Kim Liên, Trung Tự, Khương Thượng, Hào Nam trong quý I/2025.
Ngoài ra, quận Đống Đa phải hoàn thành bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, trình phê duyệt chủ trương đầu tư dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư số 51 Huỳnh Thúc Kháng trong tháng 12 này.
Quận Đống Đa đồng thời là cơ quan chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan để đề xuất phương án xây dựng lại tập thể số 60 Thổ Quan trong tháng 12.
Cũng trong tháng này, UBND quận Thanh Xuân có trách nhiệm lập quy hoạch chi tiết, tỷ lệ 1/500 cải tạo, xây dựng lại các khu tập thể Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân Nam. Còn UBND quận Cầu Giấy được giao đẩy nhanh trình duyệt quy hoạch chi tiết, tỷ lệ 1/500 cải tạo, xây dựng lại khu tập thể Nghĩa Tân. Quận Hoàn Kiếm trình duyệt Đề án quy gom các chung cư độc lập, đơn lẻ.
UBND Thành phố giao quận Hai Bà Trưng nghiên cứu, đề xuất phương án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư số 33 Nguyễn Bỉnh Khiêm trên cơ sở xây dựng đề án quy gom, hoán đổi phù hợp, hoặc thực hiện phương án quy gom các chung cư độc lập, đơn lẻ vào khu vực thực hiện dự án đầu tư cải tạo, xây dựng lại các khu chung cư cũ.