Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu của Vinatex ước đạt 3,050 tỷ USD, tăng 10,9% so với năm 2017. Ảnh: Nhã Chi |
Năm 2019, Tập đoàn đề ra mức tăng trưởng 8 - 10% trước diễn biến khó lường của thị trường thế giới và áp lực cạnh tranh từ các hiệp định thương mại tự do (FTA).
Lợi nhuận năm 2018 ước tăng 6,2%
Kết thúc năm 2018, xuất khẩu dệt may của Việt Nam ước đạt 36,164 tỷ USD, tăng 16,36% so với năm 2017. “Không phải chỉ riêng năm 2018 ngành dệt may có mức tăng trưởng hai con số, nhưng điểm khác biệt là trên bình diện quốc tế đầy khó khăn, Việt Nam là quốc gia duy nhất có tăng trưởng ngành dệt may tới hơn 16%”, ông Cao Hữu Hiếu, Giám đốc điều hành Vinatex nhấn mạnh tại cuộc họp báo công bố kết quả sản xuất kinh doanh và kế hoạch năm 2019 của Vinatex diễn ra ngày 27/12, tại Hà Nội.
Cụ thể, xuất khẩu dệt may của Ấn Độ năm 2018 ước đạt 36,43 tỷ USD, giảm 2,04% so với năm 2017; xuất khẩu dệt may của Bangladesh giảm 3,7% so với năm trước, đạt gần 32,39 tỷ USD. Xuất khẩu dệt may của Thổ Nhĩ Kỳ, Pakistan tăng 5 - 7%, nhưng giá trị không cao, chỉ khoảng hơn 1 tỷ USD.
Kết thúc năm 2018, kim ngạch xuất khẩu của Vinatex ước đạt 3,050 tỷ USD, bằng 102,3% kế hoạch năm 2018, tăng 10,9% so với năm 2017; tổng doanh thu và lợi nhuận trước thuế lần lượt đạt 48.658 tỷ đồng và 1.533 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 6,6% và 6,2% so với năm 2017.
Mức tăng trưởng năm 2018 của Vinatex có đóng góp rất lớn từ các dự án đầu tư giai đoạn 2015 - 2016. Một số dự án theo phê duyệt khả thi chi tiết thì hết năm 2018 còn lỗ, phải đến năm 2019 mới có lãi, nhưng lại có lãi ngay từ năm 2018. Có thể kể đến Nhà máy Sợi Phú Hưng (Thừa Thiên Huế), Nhà máy Sợi Nam Định, Nhà máy Sợi Phú Cường (Đồng Nai).
Tuy nhiên, để đầu tư các dự án mới, nợ vay của Vinatex cũng tăng nhanh. Cụ thể, tại thời điểm cuối quý III/2018, tổng nợ vay dài hạn và ngắn hạn của Vinatex là 10.486 tỷ đồng, tăng 572 tỷ đồng so với đầu năm, tương đương tăng 5,7%.
Chuẩn bị gì để đón cơ hội từ các FTA thế hệ mới?
Thông tin về kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2019, lãnh đạo Vinatex nhận định, 2019 sẽ tiếp tục là một năm thị trường có những diễn biến khó lường, nhất là khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung vẫn căng thẳng, Brexit tại Liên minh châu Âu... Kinh tế toàn cầu bất ổn sẽ tiềm ẩn rủi ro làm mất giá VND, gây thiệt hại cho doanh nghiệp dệt may về tỷ giá khi nhập khẩu nguyên phụ liệu.
Trong khi đó, ở trong nước, dự báo chi phí đầu vào của ngành dệt may (lương tối thiểu vùng; giá điện) tiếp tục có xu hướng tăng. Do đó, Tập đoàn đặt ra mức tăng trưởng vừa phải từ 8 - 10%, xuất khẩu toàn ngành khoảng 40 tỷ USD.
Bắt đầu từ năm 2019, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) bắt đầu có hiệu lực cũng sẽ là một động lực tăng trưởng cho ngành dệt may Việt Nam nói chung và Vinatex nói riêng. Tuy nhiên, thách thức không phải là không có.
Điển hình như việc cắt giảm thuế quan theo CPTPP sẽ có tác động hai mặt, trong đó có hướng hàng hoá từ các nước mạnh về dệt may tràn vào Việt Nam với giá cả cạnh tranh. Điều này có thể ảnh hưởng tới giá và dẫn đến tỷ suất lợi nhuận của ngành dệt may giảm xuống.
Ngoài ra, theo một số báo cáo gần đây, ngành dệt may chủ yếu nhập khẩu nguyên liệu (90% bông nguyên liệu, 100% xơ sợi tổng hợp, 50% sợi bông và 80% vải khổ rộng) từ Trung Quốc, Đài Loan và Hàn Quốc. Đây là những thị trường không tham gia CPTPP. Vì vậy, nếu giữ nguyên tắc nguồn gốc xuất xứ “từ sợi trở đi” trong CPTPP, các doanh nghiệp có thể không được lợi nhiều từ cắt giảm thuế quan.
Trả lời câu hỏi của Báo Đấu thầu về việc Vinatex đã chuẩn bị những gì cho những thách thức năm 2019, ông Hiếu cho biết: “Để cạnh tranh được với đối thủ, những năm qua, các dự án đầu tư mới của Vinatex đã được đầu tư bài bản, tiệm cận được về tiêu chí sản xuất thân thiện môi trường, lấy năng suất, chất lượng làm lợi thế cạnh tranh”.