Vietcombank: Nóng chuyện thoái vốn, sáp nhập

(BĐT) - Ngày 15/4/2016, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank – mã chứng khoán VCB) tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) thường niên 2016 tại Hà Nội. Dù không khẳng định về vấn đề sáp nhập, nhưng Vietcombank cho biết, Ngân hàng vẫn đang trong quá trình tìm kiếm đối tác.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Lợi nhuận cao luôn đi kèm với rủi ro

Báo cáo tại Đại hội, ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank cho biết, năm 2015 về cơ bản Ngân hàng đã hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kinh doanh đề ra. Tổng tài sản của Vietcombank đạt 674.395 tỷ đồng, tăng 16,88% so với năm 2014. Tăng trưởng tín dụng đạt 19,74% với dư nợ cho vay khách hàng cuối năm 2015 đạt 387.152 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu là 1,84%. Kết quả năm 2015, Ngân hàng đạt 6.827 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, vượt 15,7% kế hoạch đề ra, tăng 16,8% so với kết quả thực hiện năm 2014. Mức cổ tức đề xuất năm 2015 là 10% bằng tiền mặt, tương đương mức thực hiện năm 2014.

Các chỉ tiêu năm 2016 được HĐQT đề xuất hầu hết đều tăng trưởng so với kết quả năm 2015. Cụ thể, chỉ tiêu tổng tài sản được đề ra đạt mức 765.438 tỷ đồng, tăng 13,5%. Tăng trưởng tín dụng dự kiến 17%, đạt mức 452.967 tỷ đồng. Chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế được đặt ra là 7.500 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2015. Tỷ lệ chi trả cổ tức dự kiến tối đa 10%.

Lý giải tốc độ tăng trưởng tín dụng tương đối cao trong khi chỉ tiêu lợi nhuận chỉ tăng 10%, đại diện Vietcombank cho biết, lợi nhuận cao luôn đi kèm với rủi ro lớn, Ngân hàng phải tăng cường tìm kiếm khách hàng tốt, tài chính lành mạnh, đổi lại phải cạnh tranh với các đối thủ bằng mức lãi suất đưa ra.

Tăng vốn điều lệ lên gần 40.000 tỷ đồng

ĐHCĐ Vietcombank đã thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ từ mức hiện tại (26.650 tỷ đồng) lên 39.576 tỷ đồng thông qua 2 đợt phát hành: 35% cổ phiếu thưởng (932,7 triệu cổ phiếu) và 10% cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài (359,8 triệu cổ phiếu).

Trong quý đầu tiên, VCB đã trích lập dự phòng rủi ro 1.300 tỷ đồng trên tổng số 5.500 tỷ đồng dự phòng kế hoạch cả năm
Về phương án phát hành cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài, Vietcombank dự kiến mức giá thỏa thuận sẽ dựa trên thỏa thuận giữa hai bên và tư vấn định giá của các công ty tư vấn tài chính. Cổ phiếu sẽ bị hạn chế chuyển nhượng 1 năm. Thời gian thực hiện trong năm 2016. Cổ phiếu có thể được phát hành thành một hay nhiều lần, tối đa cho 10 nhà đầu tư.

Với mức phát hành này, cổ đông nhà nước của Vietcombank dự kiến sẽ giảm tỷ lệ sở hữu từ mức 77% hiện tại xuống còn 70%. Mizuho Bank – đối tác chiến lược đồng thời là cổ đông lớn thứ 2 của VCB chưa có ý kiến chính thức, nhưng đã xác nhận sẽ tham gia mua cổ phần trong đợt phát hành thêm để duy trì tỷ lệ nắm giữ 15% (hoặc hơn) như hiện tại.

Nhận thấy sức hút lợi nhuận của mảng kinh doanh tài chính tiêu dùng, đại diện Vietcombank cũng cho biết, cách đây 1 tháng, Ngân hàng đã thông qua Nghị quyết HĐQT về việc thành lập công ty tài chính tiêu dùng và hiện đang xúc tiến hoàn thiện hồ sơ thủ tục thành lập.

Lợi nhuận quý I tăng khủng, Thông tư 36 “không ảnh hưởng”

Thông tin được công bố tại ĐHCĐ, quý I/2016, Vietcombank có tăng trưởng lợi nhuận cao nhất từ trước đến nay. Lợi nhuận trước thuế sau trích lập dự phòng của Ngân hàng đạt 2.300 tỷ đồng, tăng 61,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Lý giải mức tăng trưởng này, đại diện VCB cho biết, cùng kỳ 2015, Ngân hàng phải trích dự phòng rất nhiều. Ngoài ra, tín dụng quý I/2016 của Vietcombank tăng 6,5%, trong đó tỷ lệ nợ xấu giảm nhẹ xuống còn 1,76%. Trong quý đầu tiên, VCB đã trích lập dự phòng rủi ro 1.300 tỷ đồng trên tổng số 5.500 tỷ đồng dự phòng kế hoạch cả năm.

Theo quy định tại Thông tư 36, ngân hàng thương mại chỉ được nắm giữ cổ phiếu của tối đa 2 tổ chức tín dụng (TCTD) khác, trừ trường hợp TCTD khác là công ty con của ngân hàng đó. Trong khi đó, hiện Vietcombank đang là cổ đông của 4 ngân hàng và 1 công ty tài chính. Trước quy định này, đại diện Vietcombank cho biết, Ngân hàng đã có đơn xin ý kiến giữ cổ phần tại Ngân hàng Quân đội - MBB (giá trị trên 1.200 tỷ đồng) và được Ngân hàng Nhà nước thông qua. Như vậy, ngoài MBB, Vietcombank sẽ giữ cổ phần tại 1 TCTD nữa chưa được quyết định. Hiện tại, các TCTD mà Vietcombank nắm giữ cổ phần bao gồm MBB, Eximbank, Ngân hàng Phương Đông – OCB, SaigonBank và Tài chính Cổ phần Xi măng. Trong đó, cổ phần tại OCB và SaigonBank được cho là “không đáng kể”, có giá trị chỉ hơn 100 tỷ đồng.

Cũng liên quan đến Thông tư 36, ông Nghiêm Xuân Thành cho biết, dư nợ cho vay bất động sản của Vietcombank hiện khoảng 31.000 tỷ đồng với chất lượng khá tốt. Tỷ lệ nợ xấu mảng này chỉ ở vào khoảng 0,1%. Tỷ lệ vốn ngắn hạn được cho vay trung và dài hạn chỉ ở mức 24,2% - dư địa các khoản vay này vì vậy vẫn còn rất lớn, đại diện Vietcombank khẳng định. Chính vì thế, ông Thành cho biết Vietcombank “gần như không bị ảnh hưởng từ Thông tư 36”.

Không khẳng định về vấn đề sáp nhập, khi được đặt câu hỏi xung quanh vấn đề này, đại diện Vietcombank cho biết, Ngân hàng vẫn đang trong quá trình tìm kiếm đối tác. Thông tin sẽ được chính thức thông báo sau đến ĐHCĐ.

Chuyên đề