Viện cớ trì hoãn áp dụng đấu thầu qua mạng

(BĐT) - Mặc dù đấu thầu qua mạng (ĐTQM) đã dần được khẳng định là công cụ hiệu quả, giúp tăng cường công khai, minh bạch, tiết kiệm trong hoạt động mua sắm chính phủ, song trên thực tế, việc thực hiện ĐTQM của các bộ, ngành, địa phương còn rất chậm, không đảm bảo lộ trình quy định. 
Năm 2017, cả nước có 16 tỉnh/thành phố không thực hiện đấu thầu qua mạng, 14 tỉnh/thành phố khác có tỷ lệ thực hiện đấu thầu qua mạng dưới 1%. Ảnh: Nhã Chi
Năm 2017, cả nước có 16 tỉnh/thành phố không thực hiện đấu thầu qua mạng, 14 tỉnh/thành phố khác có tỷ lệ thực hiện đấu thầu qua mạng dưới 1%. Ảnh: Nhã Chi

Thậm chí, nhiều địa phương vẫn chưa triển khai ĐTQM trong năm 2017, cố tình viện dẫn nhiều lý do để trì hoãn, chưa thực hiện ĐTQM.

16 tỉnh, thành không thực hiện đấu thầu qua mạng năm 2017

Thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho thấy, mặc dù năm 2017 là năm thứ 2 thực hiện lộ trình ĐTQM theo Thông tư liên tịch số 07/2015/TTLT-BKHĐT-BTC nhưng vẫn có tới 16 tỉnh/thành phố trong cả nước không thực hiện ĐTQM, 14 tỉnh/thành phố khác có tỷ lệ thực hiện ĐTQM dưới 1%; còn lại các địa phương có thực hiện ĐTQM nhưng tỷ lệ đạt thấp. Trong số 37 bộ/ngành và cơ quan ngang bộ, chỉ có 3 bộ/ngành và cơ quan ngang bộ đạt chỉ tiêu áp dụng ĐTQM năm 2017, 15 bộ/ngành không thực hiện lựa chọn nhà thầu cho gói thầu nào qua mạng, các bộ/ngành còn lại có thực hiện nhưng tỷ lệ rất thấp. Trong tổng số 19 tổng công ty/tập đoàn, có đến 10 tổng công ty/tập đoàn không thực hiện lựa chọn nhà thầu cho gói thầu nào qua mạng. Điều này phản ánh sự thiếu quan tâm và trách nhiệm của lãnh đạo các cơ quan dẫn đến làm giảm hiệu quả và tính minh bạch, cạnh tranh trong công tác đấu thầu nói chung.

Theo Bộ KH&ĐT, có một nguyên nhân chủ quan khác khiến cho việc thực hiện lộ trình ĐTQM chưa đảm bảo theo yêu cầu là do tâm lý ngại thay đổi từ cách làm cũ của đấu thầu truyền thống sang ĐTQM. Thậm chí, dù ĐTQM là hình thức lựa chọn nhà thầu văn minh, hiện đại, hiệu quả, nhưng nhiều chủ đầu tư, bên mời thầu còn chưa thực sự tự nguyện tham gia ĐTQM, dẫn đến tình trạng cố tình viện dẫn nhiều lý do để trì hoãn, chưa thực hiện dù lộ trình áp dụng đã được quy định.

Bộ KH&ĐT cũng thẳng thắn chỉ ra một số nguyên nhân khiến ĐTQM không đảm bảo yêu cầu là công tác truyền thông còn hạn chế, các nhà thầu chưa nắm bắt được thông tin liên quan để tham gia ĐTQM; đồng thời các nhà thầu chỉ quan tâm lợi ích riêng, trước mắt cũng như giữ thói quen thực hiện hành vi tiêu cực (như chạy chọt, thông thầu) nên không muốn áp dụng ĐTQM. Điều này thể hiện rất rõ thông qua số nhà thầu trung bình tham gia 1 gói thầu ĐTQM trong năm 2017 còn thấp, thậm chí thấp hơn năm 2016 là 2,5 nhà thầu/gói thầu ĐTQM.

Bên cạnh đó, nhiều cán bộ của bên mời thầu và nhà thầu chưa được đào tạo về ĐTQM, gặp khó khăn khi chuyển đổi từ phương thức giấy tờ truyền thống sang thực hiện điện tử; nền tảng công nghệ của Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia hiện tại đã lạc hậu, dẫn đến một số khó khăn cho người dùng… 

Kiên trì thực hiện lộ trình đấu thầu qua mạng

ĐTQM là một chủ trương đúng và là xu hướng tất yếu. Tuy nhiên, thực tế triển khai cho thấy, để thực hiện tốt chủ trương này là không dễ dàng và đòi hỏi nhiều giải pháp thực hiện. Theo Bộ KH&ĐT, giải pháp đầu tiên để thực hiện lộ trình ĐTQM là gắn trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị với hiệu quả thực hiện ĐTQM. Việc đánh giá phải được thực hiện thường xuyên hàng năm và xử lý nghiêm đối với những trường hợp vi phạm lộ trình.

Giải pháp thứ 2 là tiếp tục chú trọng công tác truyền thông nhằm từng bước thay đổi thói quen và nhận thức của các bên liên quan về ĐTQM gồm: các cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu, chủ đầu tư, bên mời thầu, nhà thầu… Đồng thời, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về ĐTQM.

Về phía Bộ KH&ĐT, sẽ không ngừng nâng cấp, hoàn thiện Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia để tiện lợi hơn cho người sử dụng... Bộ KH&ĐT cũng cho rằng, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, các tập đoàn kinh tế nhà nước, tổng công ty nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội trong các văn bản chỉ đạo cần đưa ĐTQM vào nội dung cần thực hiện, đồng thời xem xét, đưa ra các cơ chế khen thưởng các cá nhân, tổ chức thực hiện nghiêm chỉnh lộ trình áp dụng ĐTQM và có chế tài phù hợp, đủ mạnh đối với các cơ quan, đơn vị thực hiện ĐTQM không đảm bảo theo quy định.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư