Vì sao chủ đầu tư “né” đấu thầu qua mạng?

(BĐT) - Đấu thầu qua mạng (ĐTQM) được ví như liều thuốc đặc hiệu để tăng cường tính công khai, minh bạch trong đấu thầu, song tính đến thời điểm hiện tại, rất nhiều bộ, ngành, địa phương vẫn chưa triển khai ĐTQM và đưa ra rất nhiều lý do để trì hoãn thực hiện ĐTQM.
Đấu thầu qua mạng giúp hiện thực hóa các mục tiêu cốt lõi của đấu thầu, nhưng không ít địa phương, đơn vị vẫn tìm cách trì hoãn áp dụng vì nhiều lý do. Ảnh: Lê Tiên
Đấu thầu qua mạng giúp hiện thực hóa các mục tiêu cốt lõi của đấu thầu, nhưng không ít địa phương, đơn vị vẫn tìm cách trì hoãn áp dụng vì nhiều lý do. Ảnh: Lê Tiên

Muôn vàn lý do

Tổng hợp kết quả công tác đấu thầu năm 2017 của rất nhiều bộ, ngành, địa phương đều cho thấy, số lượng gói thầu áp dụng ĐTQM rất ít ỏi, thậm chí có nhiều địa phương, bộ ngành cho biết vẫn chưa triển khai bất kỳ gói thầu nào như: tỉnh Thái Nguyên, tỉnh Ninh Bình, tỉnh Lai Châu, tỉnh Hải Dương, tỉnh Bạc Liêu, Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam…

Theo quy định, năm 2016 phải thực hiện lựa chọn nhà thầu qua mạng tối thiểu 20% số lượng các gói thầu chào hàng cạnh tranh, 10% số lượng các gói thầu quy mô nhỏ đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế… Số lượng gói thầu phải thực hiện ĐTQM theo lộ trình quy định còn tăng cao hơn trong năm 2017. Tuy nhiên, Sở KH&ĐT tỉnh Hải Dương cho biết, do việc ĐTQM còn rất mới, hạ tầng và kiến thức, kỹ năng về áp dụng công nghệ thông tin của các chủ đầu tư, bên mời thầu, đặc biệt là các nhà thầu, còn hạn chế, việc tiếp cận, sử dụng Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia rất khó khăn, nên trong năm 2017, Hải Dương vẫn chưa có gói thầu nào được tổ chức ĐTQM.

Còn theo UBND tỉnh Lạng Sơn, công tác triển khai ĐTQM chưa được thực hiện theo kế hoạch, lộ trình quy định là do điều kiện thực tế tại địa phương, các chủ đầu tư chưa nắm vững các quy định về lựa chọn nhà thầu qua mạng, do số lượng các dự án khởi công mới trong năm 2017 cũng hạn chế, số lượng dự án nhiều nhưng quy mô nhỏ, thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia, các gói thầu chủ yếu là chỉ định thầu. Mặt khác, hạ tầng công nghệ thông tin của các chủ đầu tư còn yếu nên việc triển khai ĐTQM là chưa thực hiện được theo kế hoạch.

Còn Bộ Giao thông vận tải cho rằng, trong năm 2017, việc lựa chọn nhà thầu qua mạng chưa được áp dụng rộng rãi trong ngành này do tính chất đặc thù của các gói thầu thường có dung lượng hồ sơ mời thầu, hồ sơ dự thầu lớn, gặp khó khăn trong việc đăng tải trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia… 

Cần biện pháp xử lý cứng rắn

Với những người thực hiện công tác đấu thầu thì có lẽ ai cũng hiểu được những lợi ích mà ĐTQM đem lại như: bên mời thầu phát hành miễn phí hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu cho nhà thầu và nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất một cách dễ dàng, việc mở thầu cũng được tiến hành trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia ngay sau khi đóng thầu. Không chỉ tạo thuận lợi cho bên dự thầu, ĐTQM còn giúp bên mời thầu rút ngắn thời gian và chi phí trong tất cả các khâu đấu thầu với việc loại bỏ các công đoạn như soạn thảo, trình duyệt văn bản… Từ đó, tính công khai, minh bạch và rộng rãi trong đấu thầu cũng được tăng cường một cách tối đa. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia về đấu thầu, các chủ đầu tư vẫn “ngại” và né ĐTQM vì những lý do khác, trong đó thường là do lợi ích của chủ đầu tư bị ảnh hưởng. Chính vì thế, các chủ đầu tư đưa ra rất nhiều lý do, cả khách quan và chủ quan để trì hoãn hoặc không áp dụng ĐTQM.

TS. Nguyễn Việt Hùng, nguyên Vụ trưởng Vụ Quản lý đấu thầu (Bộ KH&ĐT) phân tích, có thể nói ĐTQM là một sáng kiến, một cái hay để hiện thực hóa các mục tiêu cốt lõi của đấu thầu, điều trị dứt điểm căn bệnh nhũng nhiễu, lợi ích nhóm trong đấu thầu…, nhưng nó lại đụng chạm, gây thiệt hại đến quyền lợi thực sự của các chủ đầu tư, nên các chủ đầu tư sẽ tìm trăm phương nghìn kế để không phải ĐTQM. Vấn đề là Chính phủ, các cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu cần phải đặt lợi ích quốc gia lên hàng đầu và có các biện pháp mạnh tay để chấn chỉnh và tìm cách khắc phục. Trong việc giao chỉ tiêu áp dụng số lượng gói thầu buộc phải ĐTQM thì cần phải có chế độ giám sát chặt chẽ, xử lý nghiêm minh và gắn với trách nhiệm của người đứng đầu thì những quy định về lộ trình ĐTQM mới không “nằm trên giấy”. Cái quan trọng trong đấu thầu vẫn là phẩm chất con người và trách nhiệm của những người làm đấu thầu, nếu không siết kỷ luật và răn đe họ thì vì lợi ích kinh tế, họ sẽ lơ là trách nhiệm và không có động lực buộc phải ĐTQM để tăng tính khách quan, minh bạch trong lựa chọn nhà thầu và những lý do mà các chủ đầu tư đưa ra để trì hoãn ĐTQM sẽ là “bức bình phong” cho lợi ích nhóm.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư