Bước chuyển công khai, minh bạch

(BĐT) - Đấu thầu điện tử (e-GP) hay còn gọi là đấu thầu qua mạng (ĐTQM) tại Việt Nam được triển khai từ năm 2009, đến nay đã đạt được những thành quả nhất định trong xây dựng khung khổ pháp lý, phát triển cơ sở hạ tầng, nền tảng hệ thống để sẵn sàng đẩy mạnh áp dụng trên phạm vi cả nước. 
Cuối năm 2018, Bộ KH&ĐT sẽ đánh giá, tổng hợp kết quả thực hiện giai đoạn 2016 - 2018 để báo cáo Chính phủ tình hình áp dụng và đề xuất tỷ lệ áp dụng đấu thầu qua mạng cho giai đoạn tiếp theo
Cuối năm 2018, Bộ KH&ĐT sẽ đánh giá, tổng hợp kết quả thực hiện giai đoạn 2016 - 2018 để báo cáo Chính phủ tình hình áp dụng và đề xuất tỷ lệ áp dụng đấu thầu qua mạng cho giai đoạn tiếp theo

Trên thực tế, thời gian gần đây, những người làm công tác đấu thầu ở nước ta đã chứng kiến bước chuyển vượt bậc từ đấu thầu truyền thống sang đấu thầu ĐTQM.

Xác định ĐTQM là công cụ hữu hiệu nhất để đạt được hiệu quả trong mua sắm công, các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương đã quyết liệt hành động nhằm buộc các chủ đầu tư, bên mời thầu đăng tải thông tin đấu thầu và tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng. Điều này thể hiện rõ nét quyết tâm trong phòng chống tham nhũng, nâng cao hiệu quả tiết kiệm và cải cách thủ tục hành chính trong công tác đấu thầu. 

Thay đổi... bắt đầu từ chính sách

Nhận thấy nhiều ưu điểm của ĐTQM so với đấu thầu truyền thống, các cơ quan ban ngành hữu quan đã quyết tâm đưa ĐTQM vào áp dụng ở nước ta, bắt đầu từ công tác xây dựng chính sách.

Dù ĐTQM được triển khai ở Việt Nam từ năm 2009, song phải đến khi Luật Đấu thầu số 43 được Quốc hội thông qua ngày 26/11/2013, chủ trương ĐTQM bắt đầu được luật hóa, tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho việc triển khai ĐTQM tại nước ta. Tiếp đó, Chính phủ đã ban hành một loạt các văn bản pháp luật liên quan để đẩy mạnh việc áp dụng ĐTQM trên phạm vi cả nước bao gồm: Nghị định 63/2014/NĐ-CP quy định một số điều về lựa chọn nhà thầu theo Luật Đấu thầu; Quyết định số 1402/QĐ-TTg ngày 13/7/2016 phê duyệt kế hoạch và lộ trình áp dụng ĐTQM giai đoạn 2016-2025; Quyết định số 1735/QĐ-TTg ngày 08/11/2017 về việc thành lập Ban chỉ đạo quốc gia về ĐTQM; Chỉ thị 47/CT-TTg ngày 27/12/2017 về việc chấn chỉnh công tác đấu thầu trong các dự án đầu tư phát triển và hoạt động mua sắm thường xuyên sử dụng vốn nhà nước...

Về phía các Bộ ngành, địa phương, Tập đoàn kinh tế, nhiều cơ quan cũng đã ban hành các văn bản chỉ đạo các chủ đầu tư, bên mời thầu quyết liệt đẩy mạnh ĐTQM như: Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, UBND Thành phố Hà Nội, UBND Thành phố Đà Nẵng, UBND tỉnh Hòa Bình, UBND tỉnh Sơn La, Tập đoàn Điện lực Việt Nam…

Và mới đây nhất, Bộ Quốc phòng, một trong những bộ lâu nay khá “kín tiếng” trong chuyện đấu thầu, từ nửa cuối năm 2017 đến nay cũng đã ban hành hàng loạt chỉ thị, kế hoạch quán triệt, thúc đẩy triển khai ĐTQM.

Hàng loạt chính sách thúc đẩy ĐTQM ra đời trong thời gian qua, đặc biệt là từ cuối năm 2017 đến nay cho thấy có sự thay đổi lớn trong nhận thức và hành động của các cấp, các ngành và địa phương để đẩy mạnh hình thức đấu thầu mới này. 

Thực tiễn triển khai và thành quả bước đầu

Còn nhớ, năm 2010, với sự hỗ trợ của Chính phủ Hàn Quốc, Bộ KH&ĐT đã xây dựng Hệ thống đấu thầu điện tử thử nghiệm đặt tại địa chỉ http://muasamcong.mpi.gov.vn và triển khai thí điểm tại 03 đơn vị EVN, VNPT và UBND thành phố Hà Nội.

Quá trình triển khai áp dụng ĐTQM tại Việt Nam đến nay đã được 08 năm, có thể chia thành 03 cột mốc chính: Từ 2010 - 2012 áp dụng thí điểm tại một số đơn vị; từ 2013 - 2015 mở rộng thí điểm trên phạm vi cả nước và hoàn thiện khung khổ pháp lý; từ năm 2016 áp dụng chính thức trên phạm vi cả nước theo lộ trình quy định.

Năm 2018 là năm thứ 3 cả nước chính thức thực hiện ĐTQM theo lộ trình quy định tại Thông tư liên tịch số 07/2016/TTLT-BKHĐT-BTC (bắt đầu từ 01/01/2016). Thống kê trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia cho thấy số lượng bên mời thầu, nhà thầu đăng ký vào Hệ thống để cung cấp đăng tải thông tin và thực hiện ĐTQM có sự gia tăng đáng kể theo từng năm.

Cụ thể, số lượng bên mời thầu đăng ký tham gia Hệ thống trong năm 2017 là 17.637, tăng gấp 1,5 lần so với năm 2016 (17.637/12.264), số lượng nhà thầu là 62.018, tăng khoảng gấp 1,5 lần so với năm 2016 (62.018/44.281). Số lượng Kế hoạch lựa chọn nhà thầu và Thông báo mời thầu đăng tải trong năm 2017 lần lượt là 68.973 (tăng gấp 1,5 lần so với năm 2016, 68.973/46.898) và 93.000 thông báo mời thầu (nhiều hơn năm 2016 là 12.000 thông báo mời thầu).

Số liệu trên Hệ thống cũng cho biết, có hơn 16.000 gói thầu trên cả nước đã áp dụng ĐTQM, trong đó: Giai đoạn 2010 - 2015 là 2.073 gói; năm 2016 là  3.327 gói (tổng giá trị 3.020 tỷ đồng); năm 2017 là 8.200 gói (tổng giá trị 12.000 tỷ đồng) và Quý I/2018 là 2.400 gói.

Theo Bộ KH&ĐT, kết thúc giai đoạn 1 triển khai ĐTQM theo lộ trình quy định tại QĐ1402, cuối năm 2018, Bộ KH&ĐT sẽ tiến hành đánh giá, tổng hợp kết quả thực hiện giai đoạn 2016 - 2018 để báo cáo Chính phủ tình hình áp dụng và đề xuất tỷ lệ áp dụng cho giai đoạn tiếp theo. Các đơn vị nào không đạt được chỉ tiêu theo quy định sẽ phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ.

Tạo thuận lợi để đẩy mạnh e-GP

Nói về việc triển khai ĐTQM, ông Phạm Thy Hùng, Giám đốc Trung tâm ĐTQM quốc gia thuộc Cục Quản lý đấu thầu cho rằng: Triển khai ĐTQM trong thời gian qua gặp nhiều thuận lợi. Trước hết là sự ủng hộ của các cấp lãnh đạo, thể hiện quyết tâm phòng chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước trong công tác đấu thầu mua sắm công. Các bộ, ban, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty nhà nước cũng kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo, đôn đốc các chủ đầu tư, bên mời thầu trực thuộc triển khai ĐTQM theo lộ trình quy định.

Bên cạnh đó, theo ông Hùng, các thông tư hướng dẫn thực hiện ĐTQM cũng được hoàn thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho bên mời thầu, nhà thầu trong quá trình áp dụng.

Đại diện Trung tâm ĐTQM quốc gia còn cho biết, trong năm 2017, Bộ KH&ĐT đã tiến một bước dài trong việc hoàn thiện khung khổ pháp lý cho ĐTQM thông qua việc ban hành Thông tư 04/2017/TT- BKHĐT quy định chi tiết về lựa chọn nhà thầu qua hệ thống ĐTQM; Thông tư 06/2017/TT- BKHĐT quy định chi tiết việc cung cấp thông tin về đấu thầu, báo cáo tình hình thực hiện hoạt động đấu thầu về lựa chọn nhà thầu. Các thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/3/2018 và đều được xây dựng trên tinh thần nâng cao tính công khai minh bạch, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm thiểu văn bản giấy tờ, tự động hóa các thao tác đăng tải thông tin đấu thầu thuận tiện hơn, giúp nhà thầu tham dự dễ dàng hơn, loạt bỏ lỗi số học và sai lệnh trong quá trình đấu thầu.

Bên cạnh đó, để tăng thêm tiện ích cho người dùng, Hệ thống cũng được bổ sung chức năng thông báo tự động các giao dịch giữa chủ đầu tư với nhà thầu, cho phép nhà thầu có thể rút hồ sơ dự thầu trực tuyến và nộp lại trước thời điểm đóng thầu. 

Tích cực tháo gỡ khó khăn để đẩy mạnh công khai, minh bạch

Tuy ĐTQM được thừa nhận là hình thức đấu thầu có nhiều ưu điểm, giúp tăng cường công khai minh bạch, giảm thiểu thủ tục hành chính và tiết kiệm cho nhà thầu/chủ đầu tư, sử dụng vốn nhà nước hiệu quả hơn, song thực tế triển khai vẫn còn không ít khó khăn, trở ngại.

Theo ông Phạm Thy Hùng, một trong những khó khăn trong triển khai ĐTQM hiện nay là do mới bắt buộc áp dụng chính thức từ năm 2016 nên nhiều nhà thầu chưa nắm bắt được cơ hội tham gia cạnh tranh sòng phẳng đối với các gói thầu lựa chọn nhà thầu qua mạng, do đó số lượng nhà thầu tham gia ĐTQM còn chưa cao.

Bên cạnh đó, Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia hiện tại được phát triển trên nền tảng công nghệ của Hệ thống KONEPS do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ từ năm 2009 nên người dùng còn gặp một số trở ngại khi thao tác trên Hệ thống.

Thêm nữa là nhận thức về triển khai ĐTQM tại các Bộ, ban ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty nhà nước còn chưa đồng đều. “Có thể nhìn thấy rõ các bộ, ban, ngành, địa phương nào quyết liệt đôn đốc, giám sát triển khai chặt chẽ thì tỷ lệ ĐTQM tăng rõ rệt; các bộ, ban, ngành, địa phương nào không quyết tâm, cố tình không áp dụng ĐTQM thì thường nêu ra các trở ngại, khó khăn và số lượng gói thầu đấu thầu qua mạng rất thấp, thậm chí chưa thực hiện gói nào”- đại diện Trung tâm ĐTQM quốc gia chia sẻ.

Được biết, Bộ KH&ĐT đang quyết liệt đưa ra các biện pháp để tháo gỡ các khó khăn nêu trên nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các bên liên quan trong quá trình áp dụng ĐTQM. Trong thời gian tới, Bộ KH&ĐT sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện các biện pháp đẩy mạnh ĐTQM đối với hoạt động mua sắm sử dụng nguồn vốn chi thường xuyên và hoạt động mua sắm công tập trung theo tinh thần của QĐ số 1402/QĐ-TTg.

Ông Hùng cũng cho biết, sắp tới, Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia sẽ được nâng cấp để cải tiến tốc độ, tính năng, tăng dung lượng hồ sơ mời thầu và hồ sơ dự thầu, đem lại sự tiện dụng cho người sử dụng.

Chuyên đề