Vì sao nhiều dự án BOT điện chậm tiến độ?

(BĐT) - Mặc dù các dự án BOT ngành điện được nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm, tuy nhiên quá trình đàm phán hợp đồng, chuẩn bị triển khai dự án,… còn nhiều vướng mắc, khiến một số dự án chưa thể khởi động. 
Vì sao nhiều dự án BOT điện chậm tiến độ?

Bên cạnh đó, với các dự án đã triển khai, năng lực hạn chế của các nhà thầu chính là nguyên nhân lý giải cho sự chậm trễ tại các dự án này.

Thống kê của cơ quan quản lý ngành điện cho biết, ngành điện hiện đang có 20 dự án nhà máy nhiệt điện đầu tư quy mô lớn theo hình thức hợp đồng BOT, với tổng công suất là khoảng 24.000 MW. Trong đó, có 2 nhà máy đã đưa vào vận hành là Phú Mỹ 2.2 và Phú Mỹ 3; các dự án còn lại đang trong giai đoạn triển khai, đẩy nhanh tiến độ để đáp ứng nhu cầu cung cấp điện cho quốc gia.

Với mục tiêu đến năm 2030 ngành điện sẽ phải đầu tư đưa vào vận hành khoảng 90.000 MW công suất nguồn điện mới, các dự án BOT điện đã được khởi động và triển khai từ nhiều năm nay, tuy nhiên đến nay, tiến độ nhiều dự án vẫn chậm chạp. Nguyên nhân là do những khó khăn, vướng mắc trong việc đàm phán hợp đồng BOT, hợp đồng mua bán điện, hợp đồng thuê đất, cũng như việc thu xếp vốn với các bên cho vay…

Theo đại diện Bộ Công Thương, hiện nay, các dự án nhiệt điện đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT đều là các dự án có tổng mức đầu tư lớn, có tính phức tạp cao. Để đạt được thỏa thuận giữa các bên tham gia, thời gian đàm phán thường kéo dài từ 3 - 5 năm, gây chậm trễ tiến độ thực hiện dự án.

Chia sẻ về câu chuyện này, một chuyên gia cho rằng, hợp đồng BOT điện là một dạng hợp đồng phức tạp, đa dạng. Đối với dự án BOT điện có sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài thì những yêu cầu lại càng chặt chẽ. Mặc dù Nghị định số 15/2015/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) đã đưa ra những quy định cần thiết nhằm hướng dẫn việc triển khai các dự án BOT, tuy nhiên, những hướng dẫn này chưa được như kỳ vọng. Đây cũng có thể là một trong những nguyên nhân dẫn đến dự án BOT điện chậm tiến độ hiện nay.

Cho rằng các dự án BOT điện chậm tiến độ không chỉ vì thời gian đàm phán hợp đồng dài hay các quy định hướng dẫn thực hiện việc đầu tư còn chưa đầy đủ, GS.TS Trần Đình Long, nguyên Phó Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Điện lực Việt Nam chỉ rõ, chậm tiến độ các dự án BOT điện có nguyên nhân từ năng lực còn hạn chế của các nhà thầu thực hiện dự án. Muốn đẩy nhanh tiến độ các dự án điện, có rất nhiều vấn đề cần phải giải quyết, trong đó có việc phải xử phạt nghiêm khắc các nhà thầu dây dưa, vi phạm tiến độ thực hiện hợp đồng các dự án.

“Chúng ta cần có tính toán khi một dự án BOT điện không bàn giao đúng tiến độ sẽ gây thiếu hụt bao nhiêu lượng điện năng cho hệ thống điện quốc gia theo Quy hoạch điện đã có. Từ đó, đối với những nhà thầu không đảm bảo tiến độ, lập tức tiến hành phạt tiền theo KWh mà đáng lý họ phải có trách nhiệm cung cấp, nhưng không đáp ứng được”, ông Long gợi ý. Ngoài ra, theo ông Long, trong hợp đồng triển khai thực hiện các dự án điện cần phải ghi rõ ràng, chặt chẽ các điều khoản cũng như có cơ chế xử phạt nghiêm những nhà thầu vi phạm tiến độ thực hiện các dự án.

Chuyên đề