Mạnh tay với dự án nhiệt điện BOT chậm

(BĐT) - Trong tổng số 19 dự án nhiệt điện BOT do Bộ Công Thương quản lý và giám sát, có không ít dự án đang chậm trễ về tiến độ, sử dụng công nghệ lạc hậu. Thực trạng này khiến nhiều chuyên gia quan ngại về sự phát triển bền vững của ngành năng lượng Việt Nam.
Không chỉ chậm tiến độ, nhiều dự án BOT nhiệt điện còn kéo theo nguy cơ ô nhiễm môi trường. Ảnh: Duy Anh
Không chỉ chậm tiến độ, nhiều dự án BOT nhiệt điện còn kéo theo nguy cơ ô nhiễm môi trường. Ảnh: Duy Anh

Nhiều dự án chậm tiến độ

Bộ Công Thương đang quản lý và theo dõi 19 dự án nhiệt điện BOT. Dự án nhiệt điện BOT đầu tiên được triển khai từ năm 1977 và đến nay cả nước mới có 3 dự án đi vào vận hành là Phú Mỹ 2.2, Phú Mỹ 3 và Mông Dương 2. Theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến năm 2030 (Quy hoạch điện VII điều chỉnh), Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai khoảng 6 dự án nhiệt điện BOT với tổng công suất khoảng 7.500 MW.

Đại diện Bộ Công Thương cho rằng, các dự án nhiệt điện BOT là các dự án có tổng mức đầu tư cao, có độ phức tạp nhất định, nên thời gian đàm phán kéo dài, phần nào ảnh hưởng đến tiến độ các dự án. Nhìn lại danh mục các dự án nhiệt điện đang triển khai hiện nay, có thể thấy không ít dự án BOT chậm tiến độ so với kế hoạch đặt ra. Chẳng hạn như tại Dự án Nhiệt điện Hải Dương, do Tập đoàn Jaks Resources Bhd (Malaysia) và Tập đoàn Điện lực Trung Quốc (China Power Engineering Consulting Group Co., Ltd. - CPECC) đầu tư, chậm tiến độ so với kế hoạch tới 39 tháng. Trong tháng 3/2016, Dự án đã khởi công, có mặt bằng sạch nhưng nhà đầu tư vẫn đủng đỉnh chưa thi công khiến chính quyền tỉnh Hải Dương lo lắng. Đối với 7 dự án nhiệt điện BOT đang triển khai ở giai đoạn đầu là: Long Phú 2, Quảng Trị, Vũng Áng 3, Dung Quất, Sơn Mỹ 1, Kiên Lương 1 và Quảng Trạch 2 thì tiến độ cũng không được như kỳ vọng.

Sốt ruột trước tiến độ các dự án nhiệt điện BOT, cuối tháng 5/2016, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã ra “tối hậu thư” đối với các dự án nguồn điện BOT chậm tiến độ, song vẫn chưa có nhiểu chuyển biến. Tuần qua, Thủ tướng đã thu hồi, thay thế chủ đầu tư một số dự án nhiệt điện “có vấn đề” để giao cho nhà đầu tư khác. Cụ thể là Thủ tướng đã thay thế chủ đầu tư Dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch I, công suất 2x600 MW để giao cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thực hiện; thu hồi chủ trương giao Tập đoàn Inter RAO (Liên bang Nga) nghiên cứu phát triển Dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch II, công suất 2x600 MW để EVN triển khai. 

Yêu cầu bảo vệ môi trường

Để các dự án BOT hạn chế tới mức thấp nhất tác động tới môi trường, khi xây dựng các nhà máy nhiệt điện than phải bảo đảm một số yêu cầu bắt buộc như: khắc phục tối đa khí thải độc để không thải ra môi trường, xử lý chất thải tro, xỉ… 
Mới đây, Bộ Công Thương vừa công bố Danh sách 30 dự án, nhà máy nhiệt điện, hóa chất, thủy điện, khai thác khoáng sản có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cần được giám sát đặc biệt, trong số các dự án này có hàng loạt dự án nhiệt điện BOT. Các dự án nhiệt điện BOT này đều do các tập đoàn, tổng công ty nhà nước thuộc Bộ triển khai như: Thái Bình 1; Vĩnh Tân 2; Vĩnh Tân 4; Vĩnh Tân 4 mở rộng; Duyên Hải 1; Duyên Hải 3; Duyên Hải 3 mở rộng; Vũng Áng 1; Long Phú 1, Thái Bình 2, Sông Hậu 1...

Đề cập về công nghệ của các dự án nhiệt điện BOT, trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Tô Quốc Trụ, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học Năng lượng lo lắng, tất cả các nhà máy nhiệt điện đã và đang thực hiện ở Việt Nam đều có công nghệ lạc hậu (lò PC), ít có dự án có ứng dụng công nghệ lò siêu tới hạn để giảm ô nhiễm môi trường (trừ Dự án Nhiệt điện Vũng Áng 3 của nhà đầu tư Samsung).

Ông Trụ cho rằng, không ai mong muốn phát triển nhiệt điện than nhiều, nhưng trong bối cảnh tiềm năng khai thác thủy điện đã gần hết, các dự án nhiệt điện khí nhiều khả năng chậm tiến độ, nhiệt điện dùng dầu giá thành cao, các dự án điện năng lượng tái tạo vẫn còn các rào cản thì chúng ta buộc phải phát triển dự án nhiệt điện than để bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

Để các dự án BOT hạn chế tới mức thấp nhất tác động tới môi trường, ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho rằng, khi xây dựng các nhà máy nhiệt điện than phải bảo đảm một số yêu cầu bắt buộc như: khắc phục tối đa khí thải độc để không thải ra môi trường, xử lý chất thải tro, xỉ… Đồng quan điểm, ông Trụ đề xuất, chỉ cấp phép cho những dự án sử dụng công nghệ hiện đại, không đánh đổi môi trường lấy kinh tế, gây nguy hại cho người dân. “Trường hợp dự án nhiệt điện BOT nào chậm tiến độ, có công nghệ lạc hậu thì cần kiên quyết loại bỏ”, ông Trụ kiến nghị.

Chuyên đề