Vào cuộc cắt giảm mạnh chi phí cho doanh nghiệp

(BĐT) - Với sự đốc thúc quyết liệt từ Chính phủ, cả cơ quan quản lý lẫn các nhà hoạch định chính sách đều đang nỗ lực tìm giải pháp giảm chi phí đầu vào cho DN, bao gồm cả chi phí chính thức và không chính thức.
Ngoài chi phí chính thức, doanh nghiệp phải đóng nhiều loại phí khác như phí giao thông, phí kiểm tra chuyên ngành, phí kiểm dịch… Ảnh: Tường Lâm
Ngoài chi phí chính thức, doanh nghiệp phải đóng nhiều loại phí khác như phí giao thông, phí kiểm tra chuyên ngành, phí kiểm dịch… Ảnh: Tường Lâm

Do vậy, cộng đồng doanh nghiệp (DN) đang rất kỳ vọng vào Nghị quyết của Chính phủ ban hành Chương trình Hành động cắt giảm chi phí cho DN đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện dự thảo.

Doanh nghiệp vẫn than phiền về thuế, phí

Dẫn câu chuyện từ thực tế, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan chia sẻ, đến thời điểm này, nhiều bộ, ngành đã vào cuộc cắt giảm giấy phép con. Nhưng DN vẫn thắc mắc rằng đó có phải là cắt giảm thật hay chỉ là việc gộp cơ học của các giấy phép cũ thành 1 giấy phép mới và hệ quả là 1 điều kiện kinh doanh mới phát sinh? Sự nghi vấn này từ phía DN, theo bà Lan, là có cơ sở khi thực tế cho thấy khi loại chi phí này vừa giảm thì chi phí khác lại phát sinh hoặc đội lên.

Theo báo cáo mới đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tất cả các dự thảo văn bản đều đề xuất giảm phí, lệ phí xuống mức thấp hơn so với hiện tại. Tuy nhiên, nhiều trường hợp mức giảm rất hạn chế, chưa thể hiện đúng tinh thần cải cách, thay đổi thực sự.

Điển hình như phí thẩm định xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản quy định tại Thông tư số 230/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính. Thông tư này quy định, phí thẩm định mỗi lần là 700.000 đồng; với Dự thảo Thông tư sửa đổi, mức phí này giảm xuống còn 630.000 đồng/lần. Tuy nhiên, theo tính toán của một DN chế biến cá ngừ thì trong 1 năm, DN này cần tới 1.200 lần xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản khai thác. Như vậy, mức phí DN này phải chi trả cho việc thẩm định là 756 triệu đồng/năm, quá lớn đối với sức chịu đựng của DN.

Tương tự, theo phản ánh của DN, các chi phí kiểm tra, đánh giá chất lượng sản phẩm cũng như chi phí giám sát quá trình từ nuôi trồng, khai thác đến chế biến, xuất khẩu thủy sản vẫn còn cao và chồng chéo. Cơ quan chức năng kiểm tra, đánh giá và DN phải mất phí, nhưng chứng nhận đó chỉ có giá trị trên mẫu. Nhưng do hàng mẫu ít và không phải là sản phẩm xuất khẩu nên khi đối tác nhập khẩu yêu cầu giấy chứng nhận chất lượng thì hầu hết sản phẩm đều phải kiểm định lại. Chi phí của DN vì thế đội lên rất nhiều.

Trường hợp khác là gánh nặng trong chi phí kiểm nghiệm chất lượng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Theo quy định hiện hành, mỗi năm, một DN sản xuất mặt hàng này phải chi khoảng 300 triệu đồng cho việc kiểm nghiệm chất lượng nguyên liệu. Ngay cả với những nguyên liệu đã được kiểm nghiệm, xác nhận từ Mỹ hay các nước G7, cơ quan quản lý cũng không chấp nhận. Do thời gian kiểm tra thực tế thường kéo dài từ 2 - 3 ngày, nên ngoài phí kiểm nghiệm, DN còn phải chịu khoản chi phí lưu kho, lưu bãi rất lớn. 

Trọng tâm là cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật

Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, cơ quan được giao dự thảo Nghị quyết cho biết, theo phản ánh của DN, hiện nay, ngoài các khoản thuế là chi phí chính thức, DN còn phải đóng rất nhiều loại phí khác như phí giao thông, phí kiểm tra chuyên ngành, phí kiểm dịch, chi phí liên quan đến quyền sử dụng đất… Các loại thuế, phí này được DN xếp vào nhóm chi phí tuân thủ pháp luật, bên cạnh các nhóm chi phí đầu vào sản xuất, kinh doanh và chi phí không chính thức nảy sinh trong quá trình hoạt động.

Do vậy, theo đề nghị của nhiều DN, mục tiêu trọng tâm của nghị quyết này là cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật cho DN, vì đây là nhóm liên quan đến thẩm quyền của các bộ, ngành, địa phương. Việc cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật còn đặc biệt cần thiết bởi sẽ có tác động đáng kể tới giảm chi phí không chính thức và chi phí đầu vào trong sản xuất, kinh doanh của DN.

Không thể phủ nhận rằng, dư địa để cắt giảm chi phí kinh doanh cho DN vẫn còn khá rộng. Hiện tại, các giải pháp đã có khi hàng loạt yêu cầu rất cụ thể trong việc rà soát, cắt giảm điều kiện kinh doanh, quản lý chuyên ngành được đặt ra. Vấn đề đặt ra lúc này vẫn là trách nhiệm thực thi của từng cơ quan, từng địa phương.

Chuyên đề