Vẫn nhiều nỗi lo với xuất khẩu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Xuất khẩu đã và sẽ tiếp tục là một động lực quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm nay và những năm sau. Tuy nhiên, sự thiếu đa dạng về thị trường, doanh nghiệp nội chậm cải thiện về tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu là một số điểm hạn chế đáng chú ý trong thực trạng hoạt động kinh tế đối ngoại hiện nay.
Doanh nghiệp Việt cần tận dụng triệt để cơ hội từ các FTA để duy trì đà tăng trưởng xuất khẩu và xuất siêu bền vững. Ảnh: Lê Tiên
Doanh nghiệp Việt cần tận dụng triệt để cơ hội từ các FTA để duy trì đà tăng trưởng xuất khẩu và xuất siêu bền vững. Ảnh: Lê Tiên

Động lực chính cho tăng trưởng kinh tế

Trong 5 năm qua, kim ngạch xuất khẩu của cả nước liên tục tiến bước với mức tăng từ 7 - 21% mỗi năm. Năm 2020, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 282,65 tỷ USD, tương ứng mức tăng 7% so với năm 2019. Đây là mức tăng thấp nhất trong những năm vừa qua song vẫn góp phần tích cực giúp nền kinh tế tăng trưởng dương. Kết quả này là tích cực trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang tác động đến hầu khắp các nền kinh tế trên thế giới, trong đó có nhiều thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.

Ông Nguyễn Xuân Thành, giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ nhận định, một trong những động lực tăng trưởng của Việt Năm trong năm 2021 là xuất khẩu. Việt Nam là nền kinh tế mở, có thị trường xuất khẩu khá đa dạng, xuất khẩu sang Mỹ và Trung Quốc đã bù đắp suy giảm các thị trường EU, ASEAN và các thị trường khác trong năm 2020.

Đồng quan điểm, tại Báo cáo nghiên cứu vĩ mô năm 2021, nhóm nghiên cứu của Công ty CP Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho rằng, các hiệp định thương mại tự do (FTA) sẽ tạo động lực xuất khẩu các mặt hàng chủ lực, góp phẩn thúc đẩy các ngành công nghiệp của Việt Nam. Bên cạnh đó, việc giảm và tiến tới xóa bỏ thuế quan với nhiều thị trường sẽ có lợi cho các ngành hàng xuất khẩu chủ lực, bao gồm sản xuất điện thoại và các sản phẩm điện tử, dệt may, da giày, nông sản và thủy sản.

Lo năng lực doanh nghiệp nội

Theo Bộ Công Thương, thành tích xuất khẩu trong năm 2020 là rất ấn tượng, song bức tranh xuất nhập khẩu cũng còn nhiều điều đáng lưu tâm. Trước hết, mức độ đa dạng hóa thị trường của một số mặt hàng thuộc nhóm nông sản, thủy sản chưa cao. Với nông sản, Việt Nam đã làm tốt công tác đàm phán để nước nhập khẩu cắt giảm thuế nhập khẩu (thông qua các FTA). Tuy nhiên, việc đàm phán để được công nhận về quản lý chất lượng, quản lý an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật còn hạn chế. Điều này khiến nhiều mặt hàng dù đã được nước ngoài giảm thuế về 0% nhưng một số nông sản của Việt Nam vẫn chưa được phép nhập khẩu vào một số thị trường.

Bên cạnh đó, kim ngạch xuất khẩu vẫn phụ thuộc nhiều vào khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Do sản xuất và xuất khẩu của khối này phụ thuộc rất mạnh vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu nên dẫn đến rủi ro là mỗi khi có biến động xảy ra đối với chuỗi cung ứng, xuất khẩu của Việt Nam sẽ chịu tác động mạnh.

Cũng từ góc độ này, Báo cáo của Viện Nghiên cứu và Đào tạo BIDV cho rằng, thành tích xuất khẩu của Việt Nam năm 2020 là đáng ghi nhận nhưng chủ yếu lại là do khối doanh nghiệp FDI dẫn dắt. Điều này đặt ra hoài nghi liệu có phải doanh nghiệp FDI chịu đựng cú sốc tốt hơn và đang khai thác hiệu quả các FTA tốt hơn doanh nghiệp nội?

Phân tích cụ thể hơn, TS. Lê Quốc Phương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng, vẫn còn nhiều điểm đáng lo ngại dù cán cân thương mại tiếp tục duy trì trạng thái thặng dư. Trước hết, thặng dư thương mại cao chủ yếu do doanh nghiệp FDI. Doanh nghiệp FDI xuất siêu cao trong khi doanh nghiệp nội địa nhập siêu lớn. Trong những năm qua, dù doanh nghiệp nội nỗ lực tăng tỷ trọng trong tổng kim ngạch xuất khẩu nhưng tốc độ vẫn chậm. Bên cạnh đó, mức xuất siêu cao của năm nay cũng có phần đóng góp đáng kể từ thực trạng nhập khẩu giảm do dịch bệnh gây gián đoạn nguồn cung. Đáng chú ý, việc Việt Nam xuất siêu vào rất nhiều thị trường có khả năng khiến hàng Việt bị cảnh báo, hạn chế.

“Để duy trì đà tăng trưởng xuất khẩu và xuất siêu bền vững, doanh nghiệp Việt cần tận dụng triệt để hơn cơ hội từ các FTA. Không có cách nào khác là phải bảo đảm được yêu cầu rất khắt khe của các FTA về tiêu chuẩn kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm, môi trường, đặc biệt là yêu cầu về xuất xứ hàng hóa. Các cơ quan chức năng cần sớm nắm bắt thông tin thị trường và cảnh báo sớm các vấn đề phát sinh ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam như sự thay đổi chính sách của nước nhập khẩu, các rào cản kỹ thuật, rủi ro trong thanh toán”, ông Phương nói.

Chuyên đề