Kinh tế Việt Nam 2021: Cơ hội và rủi ro

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Đã có nhiều dự báo và kỳ vọng lạc quan về đà hồi phục của kinh tế Việt Nam trong năm 2021, trong khi đó, vẫn còn nhiều rủi ro và thách thức nội tại cũng như tác động không thuận từ thị trường bên ngoài. Do đó, nhiều ý kiến cho rằng, ổn định kinh tế vĩ mô, chú trọng thị trường nội địa, phát huy nội lực là những điểm mấu chốt giúp nền kinh tế Việt Nam có thể hồi phục và tăng trưởng tích cực trong năm 2021 và những năm sau.
Trong bối cảnh Covid-19 làm xáo trộn và đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, thúc đẩy sức mua nội địa là yếu tố mấu chốt để hồi phục và tăng trưởng kinh tế. Ảnh: Lê Tiên
Trong bối cảnh Covid-19 làm xáo trộn và đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, thúc đẩy sức mua nội địa là yếu tố mấu chốt để hồi phục và tăng trưởng kinh tế. Ảnh: Lê Tiên

Khả năng “bật lò xo”

Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 2021 là 6,5% trong khi các tổ chức quốc tế lạc quan hơn với kỳ vọng tăng trưởng đạt 6,8 - 7%. Kỳ vọng này một phần dựa trên khả năng duy trì tính ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam.

Nhận định về triển vọng kinh tế năm 2021, ông Nguyễn Xuân Thành, giảng viên Trường Đại học Fulbright Việt Nam, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng, bên cạnh nền tảng vĩ mô ổn định, kinh tế Việt Nam năm nay có một số điểm sáng khác để có thể nghĩ đến kịch bản lạc quan.

Đó là, sức phục hồi đầu tư của doanh nghiệp tư nhân, nỗ lực đẩy mạnh đầu tư hạ tầng của Chính phủ, sự nối lại của dòng vốn đầu tư nước ngoài. Mặt khác, động lực tăng trưởng đáng chú ý của Việt Nam trong năm 2021 là thị trường xuất khẩu đa dạng, dự báo kim ngạch xuất khẩu sang EU và ASEAN sẽ tăng mạnh nhờ việc thực thi các hiệp định thương mại tự do đã ký kết và có hiệu lực.

Cùng quan điểm, PGS. TS. Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Viện trưởng Viện Công nghệ Tài chính, Đại học Kinh tế TP.HCM bày tỏ lạc quan về khả năng lấy lại đà phục hồi đối với kinh tế Việt Nam năm 2021 nhờ tâm lý “bật lò xo” sau thời gian bị nén. Điều này được thúc đẩy nhờ nỗ lực khôi phục sản xuất cùng với các giải pháp hỗ trợ của Chính phủ. Mặt khác, doanh nghiệp Việt Nam nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung đều khá linh hoạt, có khả năng thích ứng nhanh trong bối cảnh thay đổi do Covid-19. Đây là động lực tích cực để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong năm nay.

Điểm tựa từ nội lực

Từ góc độ khác, ông Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục Trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, Covid-19 xảy ra khiến sự xáo trộn và đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2021. Do đó, chúng ta phải tập trung vào thị trường nội địa.

Cùng quan điểm, TS. Đặng Hoàng Hải Anh, chuyên gia kinh tế cấp cao của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Mỹ cho rằng, sức mua nội địa là yếu tố mấu chốt để thúc đẩy hồi phục và tăng trưởng kinh tế. Người dân ở các nước châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng đều có tỷ lệ tiết kiệm cao. Đây chính là nguồn lực để phát triển kinh tế, do đó cần tập trung hơn nữa vào phục hồi sức mua nội địa.

Tuy nhiên, ông Hải Anh cũng nhìn nhận: “Nếu dịch bệnh không được kiểm soát, có thể gây ra nhiều xáo trộn trong nền kinh tế. Chúng ta đã kiểm soát được dịch bệnh. Điều quan trọng là Chính phủ và toàn dân phòng dịch, không được chủ quan. Nếu không làm tốt trên mặt trận y tế dự phòng, chúng ta sẽ bị ảnh hưởng rất nặng nề”.

Còn theo TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, mặc dù kinh tế Việt Nam ghi nhận sự phục hồi tích cực, đạt kết quả ấn tượng nhưng vẫn còn một số hạn chế, thách thức chính.

Từ bên ngoài, có một số điểm đáng chú ý là: dịch Covid-19 trên thế giới diễn biến khó lường, vẫn chưa được kiểm soát tại nhiều nước, nhiều khu vực; cạnh tranh chiến lược giữa các quốc gia, đối tác lớn; căng thẳng thương mại và công nghệ còn leo thang và khó đoán; địa chính trị phức tạp và thiên tai, lũ lụt ảnh hưởng tới khả năng phục hồi kinh tế toàn cầu. Ngoài ra, các tổ chức quốc tế, chuyên gia tiếp tục cảnh báo về rủi ro bất ổn tài chính toàn cầu và Việt Nam cũng cần lưu tâm vấn đề này.

Từ trong nước, rủi ro nợ xấu, thâm hụt ngân sách và nghĩa vụ trả nợ gia tăng, tái cơ cấu nền kinh tế còn chậm, hoạt động doanh nghiệp chịu tác động nặng nề do dịch Covid-19 là những hạn chế cần khắc phục.

Do đó, TS. Cấn Văn Lực khuyến nghị, năm 2021 cần tiếp tục thực hiện mục tiêu kép, kiên trì nhiệm vụ phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả, đồng thời, cần đẩy nhanh tiến độ triển khai các gói hỗ trợ; rà soát, mở rộng và kéo dài các gói hỗ trợ.

Bên cạnh đó, cần nhất quán chú trọng ổn định kinh tế vĩ mô thông qua nâng cao hiệu quả phối hợp chính sách, nhất là giữa chính sách tiền tệ, tài khóa và giá cả nhằm kiểm soát lạm phát mục tiêu; tiếp tục thúc đẩy đầu tư công, góp phần tăng trưởng kinh tế và tạo nền tảng phát triển lâu dài. Mặt khác, một việc không thể dừng là đẩy mạnh và quyết liệt, đồng bộ hơn các giải pháp cơ cấu lại nền kinh tế, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường nhằm bảo đảm việc phân bổ nguồn lực thực sự hiệu quả.

Chuyên đề