Mở rộng không gian phát triển từ các FTA

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Giai đoạn 2016 - 2020, công tác hội nhập kinh tế quốc tế đạt được nhiều kết quả quan trọng, trong đó có việc ký kết những hiệp định thương mại tự do (FTA) lớn, mở ra không gian mới để phát triển đất nước. Trong năm 2021 và những năm tới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Công Thương triển khai có hiệu quả và khai thác tốt cơ hội thị trường do các FTA mang lại bên cạnh việc đẩy mạnh cơ cấu lại ngành công nghiệp, đổi mới sáng tạo…
Năm 2020, xuất khẩu vẫn giữ được nhịp độ tăng trưởng, ước đạt trên 281,5 tỷ USD, tăng 6,5% so với năm 2019; xuất siêu ở mức kỷ lục 19,1 tỷ USD. Ảnh: Nguyễn Trí
Năm 2020, xuất khẩu vẫn giữ được nhịp độ tăng trưởng, ước đạt trên 281,5 tỷ USD, tăng 6,5% so với năm 2019; xuất siêu ở mức kỷ lục 19,1 tỷ USD. Ảnh: Nguyễn Trí

Không gian thị trường rộng mở

Thông tin tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021 ngành Công Thương, ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết, năm 2020, xuất khẩu vẫn giữ được nhịp độ tăng trưởng, ước đạt trên 281,5 tỷ USD, tăng 6,5% so với năm 2019; xuất siêu ở mức kỷ lục 19,1 tỷ USD. Việt Nam vẫn duy trì được đà tăng trưởng ổn định trong hoạt động xuất nhập khẩu với việc tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm thứ 2 liên tiếp đạt mức trên 500 tỷ USD. Các ngành công nghiệp tiếp tục vươn lên, vượt qua khó khăn trong bối cảnh đứt gãy nhiều chuỗi cung ứng…

Hoạt động hội nhập quốc tế không những được duy trì trong bối cảnh dịch Covid-19 lan rộng trên toàn cầu mà còn được thúc đẩy với nhiều phương thức mới và sáng kiến mới của Việt Nam được quốc tế và khu vực đồng thuận, đánh giá cao. Công tác đàm phán, ký kết và triển khai thực thi các FTA đạt được kết quả quan trọng, đặc biệt là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Anh (UKVFTA)... tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) Việt Nam mở rộng thị trường, kết nối và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhìn nhận: “Bộ Công Thương đã làm tốt vai trò nhạc trưởng trong công tác hội nhập kinh tế quốc tế giai đoạn 2016 - 2020. Đặc biệt, năm 2020, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Bộ đã xử lý tốt những đứt gãy chuỗi cung ứng, tìm kiếm thị trưởng xuất khẩu mới…”.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Việt Nam đã trở thành một trong những nền kinh tế có độ mở lớn nhất trên thế giới và quan hệ thương mại với trên 230 thị trường, trong đó có FTA với 60 nền kinh tế. Trong năm Chủ tịch ASEAN 2020, Bộ Công Thương đã chủ trì, đề xuất, xây dựng 13 sáng kiến, ưu tiên hợp tác kinh tế và được các nước ASEAN ủng hộ, đánh giá cao. Các sáng kiến này giúp tăng cường tính liên kết trong nội khối, tái cấu trúc chuỗi cung ứng trong khu vực theo hướng bền vững.

Cần nhiều nỗ lực để thực thi thành công

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, nhiệm vụ đặt ra trong năm 2021 là rất nặng nề và có ý nghĩa quan trọng, tạo tiền đề để thực hiện thắng lợi Chiến lược 10 năm và Kế hoạch 5 năm tới.

“Bộ Công Thương sẽ thực hiện nhiều giải pháp để góp phần đạt tốc độ tăng trưởng GDP năm 2021 6,5% như: tiếp tục tập trung triển khai các giải pháp phát triển ngành công nghiệp; thúc đẩy xuất khẩu... cũng như tập trung triển khai có hiệu quả các FTA mà Việt Nam tham gia, nhất là triển khai kế hoạch thực thi các FTA thế hệ mới…”, ông Trần Tuấn Anh cho biết.

Chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ đề nghị Bộ Công Thương cần tập trung phổ biến thông tin, nâng cao nhận thức về hội nhập quốc tế trong hệ thống chính trị, các ngành, địa phương, cộng đồng DN và toàn xã hội. Triển khai hiệu quả kế hoạch hành động thực hiện các FTA đã có hiệu lực, các cam kết với WTO và ASEAN. Bên cạnh đó, cần tiếp tục tập trung vào công tác hoàn thiện thể chế, đổi mới phương thức quản lý nhà nước trong các lĩnh vực theo hướng chuyển tư duy quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm, tạo môi trường thông thoáng cho DN; tập trung đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại các ngành công nghiệp gắn với chuyển đổi số…

Chuyên đề