Xuất khẩu khởi sắc nhờ khai thác tốt các FTA

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - 10 tháng năm 2020, cán cân thương mại hàng hóa tiếp tục xuất siêu kỷ lục 18,72 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 9,3 tỷ USD). Điểm đáng mừng trong bức tranh xuất khẩu (XK) là bước đầu một số doanh nghiệp (DN) Việt Nam đã khai thác được cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) mới để mở rộng thị trường. Tuy vậy, các con số đạt được còn khiêm tốn, đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn nhằm khai thác hiệu quả các thị trường này.
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Liên tiếp xuất siêu

Theo Bộ Công Thương, kim ngạch hàng hóa XK tháng 10/2020 ước đạt 26,7 tỷ USD, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 23,4%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng 5,8%. Tính chung 10 tháng năm 2020, kim ngạch hàng hóa XK ước tính đạt 229,27 tỷ USD, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ 2019 tăng 8,3%).

Trong 10 tháng có 31 mặt hàng đạt kim ngạch XK trên 1 tỷ USD, chiếm 91,76% tổng kim ngạch XK; có 5 mặt hàng XK trên 10 tỷ USD, chiếm 59,9%.

Về nhóm hàng XK, trong 10 tháng năm 2020, kim ngạch XK nhóm hàng công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng khá cao so với cùng kỳ năm 2019 và đóng góp chủ yếu vào tốc độ tăng trưởng chung với kim ngạch ước đạt 194,37 tỷ USD, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước. Một số mặt hàng nhóm này có tốc độ tăng trưởng tốt như: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 24,3%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng tăng 42%; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 12,4%... Bên cạnh đó, một số mặt hàng trong nhóm hàng nông, thủy sản ghi nhận sự tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2019 như: thủy sản tăng 0,8%, cà phê tăng 3,6%, hạt tiêu tăng 16,8%, sắn và các sản phẩm từ sắn tăng 14,2%, cao su tăng 6,7%.

Trong khi đó, 10 tháng năm 2020, tổng kim ngạch nhập khẩu (NK) hàng hóa của Việt Nam ước đạt 210,55 tỷ USD, đưa cán cân thương mại 10 tháng năm nay xuất siêu 18,72 tỷ USD.

“Đây được xem là điểm sáng trong bối cảnh XK của nhiều quốc gia trong khu vực và thế giới tiếp tục giảm hoặc tăng trưởng chậm trước những ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19”, PGS. TS. Phạm Tất Thắng, chuyên gia thương mại đánh giá. Ông Đỗ Quang Huy, cán bộ phụ trách về DN thuộc Đại sứ quán Thụy Sỹ tại Việt Nam nhìn nhận: “Con số xuất siêu này rất ấn tượng trong hoạt động XK của Việt Nam. Kết quả này ghi nhận sự nỗ lực rất lớn của Chính phủ Việt Nam cũng như DN đã có những giải pháp hiệu quả để giảm thiểu tối đa tác động bất lợi của đại dịch Covid-19”.

Cần đẩy mạnh khai thác thị trường

Bộ Công Thương cho biết, tổng kim ngạch XK 10 tháng đầu năm nay sang các thị trường chủ lực tăng trưởng tốt, cao hơn so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, tổng trị giá XK hàng hóa của Việt Nam sang Hoa Kỳ trong 10 tháng đạt 62,34 tỷ USD, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2019. Tiếp đến là Trung Quốc đạt 37,6 tỷ USD, EU đạt 28,9 tỷ USD, thị trường ASEAN đạt 18,9 tỷ USD, Hàn Quốc đạt 16,3 tỷ USD, Nhật Bản đạt 15,6 tỷ USD…

Theo Bộ Công Thương, hàng hóa Việt Nam tiếp tục thâm nhập các thị trường truyền thống và mở rộng tìm kiếm, phát triển thêm nhiều thị trường mới từ việc tận dụng các FTA đã có hiệu lực.

Đặc biệt, theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, chỉ trong 2 tháng Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực, các tổ chức được ủy quyền đã cấp hàng chục nghìn bộ Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) mẫu EUR.1 với kim ngạch hàng trăm triệu USD đi EU. Các mặt hàng đã được cấp C/O mẫu EUR.1 chủ yếu là giày dép, thủy sản, nhựa và các sản phẩm nhựa, cà phê, hàng dệt may, túi xách, va li, rau quả, mây, tre, đan; nông sản; hàng điện tử...

Chia sẻ với Báo Đấu thầu, ông Nguyễn Đình Trung, Phó Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ công nghiệp Tuấn Huyền cho biết: “Ngay sau khi EVFTA có hiệu lực, DN đã có nhiều đơn hàng XK (bao bì đóng gói) vào thị trường này với thuế suất ưu đãi .

Theo ông Trung, hiệu quả của EVFTA với DN XK Việt Nam là khá rõ nét do thuế suất nhiều mặt hàng về 0%. Đây là cơ hội rất tốt để các DN tiến quân vào thị trường tiềm năng này. Tuy vậy, EVFTA không chỉ mang lại cơ hội, bởi thách thức từ Hiệp định cũng rất lớn với sự cạnh tranh gay gắt. Vì thế, DN Việt Nam không được chủ quan, cần thay đổi tư duy, quy trình để nâng cao sức cạnh tranh.

PGS. TS Phạm Tất Thắng cũng cho rằng: “Chưa nên quá vui mừng với những tín hiệu ban đầu khi XK vào EU. Đây chỉ mới là những con số khiêm tốn. Hiện EU là thị trường XK lớn thứ 2 của Việt Nam nhưng XK của ta mới chiếm 2% tổng lượng hàng NK của EU. Chúng ta vừa XK 800 nghìn tấn gạo vào EU, nhưng cần lưu ý nhu cầu NK gạo của họ 2,4 - 2,6 triệu tấn/năm…”.

Chuyên đề