Ứng phó với nguy cơ lạm phát cao năm 2023

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Lạm phát của Việt Nam vẫn trong tầm kiểm soát, khi bình quân 11 tháng năm 2022, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 3,02%; lạm phát cơ bản tăng 2,38% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, chi phí vốn tăng cao, giá điện dự kiến tăng và độ “trễ” tác động từ làn sóng tăng giá nhiên liệu, hàng hóa… là những áp lực rất lớn cho mục tiêu kiểm soát lạm phát trong năm tới.
Giá dầu, giá điện, giá vốn, giá nhiều nguyên, nhiên vật liệu tăng sẽ có tác động đáng kể đến lạm phát năm 2023. Ảnh: Lê Tiên
Giá dầu, giá điện, giá vốn, giá nhiều nguyên, nhiên vật liệu tăng sẽ có tác động đáng kể đến lạm phát năm 2023. Ảnh: Lê Tiên

Theo Tổng cục Thống kê, giá xăng dầu trong nước điều chỉnh theo giá thế giới, giá thuê nhà tăng do nhu cầu của người dân tăng cao là những nguyên nhân chính làm cho CPI tháng 11/2022 tăng 0,39% so với tháng trước. So với tháng 12/2021, CPI tháng 11 tăng 4,56% và so với cùng kỳ năm trước tăng 4,37%, ghi nhận mức tăng cao nhất trong 5 năm qua.

Trong các nguyên nhân làm tăng CPI trong 11 tháng năm 2022, đáng chú ý nhất là đà tăng của giá xăng dầu. Cụ thể, trong 11 tháng năm nay, giá xăng dầu được điều chỉnh 31 đợt. Tính bình quân 11 tháng năm nay so với cùng kỳ năm trước, giá xăng dầu trong nước tăng 31,76%, tác động làm CPI chung tăng 1,14 điểm phần trăm.

Bên cạnh đó, giá nhà ở và vật liệu xây dựng 11 tháng năm nay tăng 2,75% so với cùng kỳ năm trước, do giá xi măng, sắt, thép, cát tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào, tác động làm CPI chung tăng 0,52 điểm phần trăm. Giá các mặt hàng thực phẩm 11 tháng năm 2022 tăng 1,32% so với cùng kỳ năm trước, làm CPI tăng 0,28 điểm phần trăm.

Ở chiều ngược lại, lực kéo giảm CPI của 11 tháng năm 2022 là giá thịt lợn giảm 12,22% so với cùng kỳ năm trước, làm CPI chung giảm 0,41 điểm phần trăm do dịch tả lợn châu Phi được kiểm soát và nguồn cung lợn đảm bảo.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách, Trường Đại học kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, so với cùng kỳ năm trước, đà tăng của chỉ số giá nhóm giao thông có xu hướng giảm từ tháng 8 đến nay, chỉ số giá nhóm hàng ăn uống (có tỷ trọng lớn nhất trong “rổ” tính CPI) tăng không quá mạnh cho thấy, sức cầu về hàng hóa và dịch vụ trong nước không tăng mạnh vào dịp cuối năm như những năm trước.

Mặt khác, áp lực từ các đợt tăng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) dự kiến sẽ không còn quá lớn trong thời gian tới, nhiều khả năng Fed sắp công bố giảm chạy đua tăng lãi suất trong tháng tới. Do vậy, tỷ giá USD/VND cũng sẽ hạ nhiệt, giúp Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có thêm lựa chọn chính sách ứng phó nếu có những diễn biến bất lợi vào tháng cuối năm hoặc dịp Tết.

Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách dự báo, lạm phát cả năm 2022 sẽ ở mức 3,8-3,9% và trong ngưỡng mục tiêu đặt ra từ đầu năm.

Tuy nhiên, theo ông Việt, áp lực lạm phát của Việt Nam được dự báo sẽ rất lớn trong năm 2023, do lực đẩy từ chi phí đầu vào tăng, trong đó, 2 yếu tố ảnh hưởng rõ nét nhất là giá điện tăng và chi phí vốn tăng mạnh. Cũng theo ông Việt, Chính phủ đã đặt mục tiêu lạm phát năm 2023 ở mức 4,5%, là mức kỳ vọng, song vẫn nên cố gắng phấn đấu để hướng tới mục tiêu chung và lớn hơn là ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo tăng trưởng bền vững.

Theo TS. Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Kinh tế ngành và Doanh nghiệp thuộc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF), đi qua 11 tháng đầu năm 2022, lạm phát vẫn chưa phải là vấn đề quá lớn, song áp lực lạm phát đã được cảm nhận rõ hơn.

Trong đó, một số lực đẩy với CPI trong thời gian tới là tình trạng căng thẳng chính trị tại Ukraine, kéo theo những rủi ro về thị trường hàng hóa và nhiên liệu thế giới; chính sách Zero Covid tại Trung Quốc kéo dài sẽ làm trầm trọng thêm vấn đề lạm phát toàn cầu…

Cũng theo ông Thắng, với việc nhập khẩu phần lớn các nguyên nhiên vật liệu đầu vào sản xuất, đặc biệt là xăng dầu, trong khi tỷ giá USD/VND có khả năng tiếp tục gia tăng trước sức ép đồng USD còn tăng giá, cùng với việc tăng mạnh thắt chặt điều kiện tài chính tại Mỹ, sẽ dễ dẫn đến áp lực nhập khẩu lạm phát đối với Việt Nam tăng cao.

Mặt khác, giá xăng dầu có thể giảm trong ngắn hạn, nhưng rủi ro tăng trở lại là khá cao do xung đột giữa Nga - Ukraine chưa chấm dứt, cú “sốc” giá nhiên liệu dự kiến có thể giảm bớt vào năm 2023 nhưng hiệu ứng lan tỏa vòng hai tiếp tục diễn ra.

Theo TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, thời gian tới, tác động của đà tăng giá đầu vào sẽ rõ rệt hơn với CPI. Bên cạnh đó, chúng ta cũng đang trong lộ trình tăng lương và giá các dịch vụ hàng hóa Nhà nước quản lý như điện, giáo dục, y tế... Điều này khiến lạm phát của Việt Nam sẽ đối mặt với nhiều áp lực trong năm 2023.

TS. Cấn Văn Lực khuyến nghị, các cơ quan điều hành và địa phương nên tiếp tục kiểm soát tốt các yếu tố đầu vào của hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là với mặt hàng xăng dầu, lương thực thực phẩm và không nên đồng loạt tăng học phí, giá dịch vụ y tế trên khắp cả nước. Đồng thời, Chính phủ cần tiếp tục duy trì sự phối hợp hài hòa và linh hoạt giữa chính sách tài khóa và tiền tệ để vừa hỗ trợ sản xuất kinh doanh vừa góp phần kiểm soát tốt lạm phát.

Chuyên đề