Tư duy mới trong lập kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Khi xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cần thay đổi cách tư duy, thay vì dựa trên tiềm năng, lợi thế, nguồn lực hiện có để vạch ra mục tiêu tăng trưởng, phát triển, thì làm ngược lại. Đó là đặt ra mục tiêu trước và cần là mục tiêu cao, từ đó quay ngược lại tính toán để đạt được mục tiêu đó thì cần làm gì, huy động nguồn lực ra sao, đi theo con đường nào nhanh nhất, tốt nhất.
Các địa phương cần ưu tiên huy động nguồn lực đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng quan trọng và liên vùng; hình thành các hàng lang kinh tế để tạo động lực phát triển mới. Ảnh: Lê Tiên
Các địa phương cần ưu tiên huy động nguồn lực đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng quan trọng và liên vùng; hình thành các hàng lang kinh tế để tạo động lực phát triển mới. Ảnh: Lê Tiên

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng một lần nữa nhắc lại tư duy chủ động trong hoạch định tương lai tại Hội nghị trực tuyến xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025 và năm 2021 vùng Trung du, miền núi phía Bắc và Đồng bằng sông Hồng, diễn ra ngày 26/8/2020.

Thời điểm quan trọng

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, đây là thời điểm quan trọng để đánh giá lại 5 năm qua làm được gì, đâu là điểm nghẽn, 5 năm tới ra sao, tầm nhìn chiến lược, tư duy thế nào để phát triển mạnh mẽ hơn, sử dụng, phân bổ nguồn lực đầu tư công thế nào cho hiệu quả nhất. Từ nhận thức đúng đắn được vị trí, vai trò, tiềm năng, lợi thế và cả hạn chế, thách thức của các vùng, đề ra phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp căn cơ, hiệu quả, toàn diện, trúng và đúng trong năm 2021 và giai đoạn 2021 - 2025.

Theo ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Kinh tế địa phương và lãnh thổ thuộc Bộ KH&ĐT, bối cảnh xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025 và năm 2021 bên cạnh nhiều khó khăn, thách thức, cũng có nhiều mặt tích cực. Do tác động của dịch Covid-19, dòng vốn trên thế giới thay đổi mạnh mẽ, đặc biệt hướng dịch chuyển ra ngoài Trung Quốc. Việt Nam có nhiều cơ hội trong việc thu hút các dòng vốn này. Kinh tế thế giới đang có dấu hiệu hồi phục và có triển vọng tăng trưởng khá, xu hướng hội nhập quốc tế và liên kết khu vực đang ngày càng trở nên mạnh mẽ. Các FTA đã và sẽ được ký kết tạo cơ hội để thu hút vốn, công nghệ. Các chính sách quan trọng trong lĩnh vực đầu tư, doanh nghiệp, bất động sản… mới ban hành tạo hành lang pháp lý thông thoáng hơn cho phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.

Đồng bằng sông Hồng là vùng có mức tăng trưởng GRDP quý II/2020 cao nhất cả nước, đạt 3,47%; ước giai đoạn 2016 - 2020, GRDP tăng 9,6% (cao gấp 1,4 lần cả nước), GRDP bình quân 107,5 triệu đồng/người. Vùng Trung du, miền núi phía Bắc đạt mức tăng trưởng GRDP quý II/2020 cao thứ ba cả nước với mức tăng 2,29%; ước GRDP tăng bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 7,64%/năm; GRDP bình quân đầu người năm 2020 ước đạt 51,2 triệu đồng. Dự kiến tốc độ tăng GRDP vùng Đồng bằng sông Hồng giai đoạn 2021 - 2025 đạt 9 - 9,2%; vùng miền núi phía Bắc đạt 8 - 9%.

Chia sẻ tại Hội nghị, đại diện nhiều tỉnh cho biết một trong những khó khăn lớn khi xây dựng kế hoạch năm 2021 và giai đoạn 2021 - 2025 là những biến động bất thường của năm 2020 do tác động của dịch Covid-19 khiến cho các kết quả của năm 2020, cả giai đoạn 2016 - 2020 khó dự ước, ảnh hưởng đến xây dựng kế hoạch giai đoạn sau.

Thay đổi tư duy

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025, và năm 2021 phải đảm bảo sự nhất quán, kết nối, kế thừa các thành tựu của giai đoạn 2016 - 2020; tiếp tục đổi mới tư duy, tầm nhìn, có giải pháp phù hợp tiềm năng, lợi thế của địa phương. Đặc biệt, phải kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, con người. Các định hướng phát triển phải hướng tới người dân, lấy người dân làm trọng tâm. Xác định như vậy thì sẽ biết cái gì cần làm trước, làm sau, cái gì cần ưu tiên.

Để phát triển bền vững, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng lưu ý các địa phương phải sử dụng tiết kiệm, hiệu quả cao nhất các nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực đất đai; khai thác hiệu quả quỹ đất theo hướng chuyển đổi mục đích sử dụng những khu đất kém hiệu quả sang lĩnh vực hiệu quả hơn; kiên quyết thu hồi các dự án đầu tư không triển khai, giao đất vượt nhu cầu.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng nhấn mạnh, không khuyến khích các địa phương tăng thu từ đất, để dành nguồn lực cho thế hệ mai sau phát triển. Các địa phương cần ưu tiên huy động nguồn lực để đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng quan trọng và liên vùng; phát triển hành lang giao thông thành các hàng lang kinh tế để mở rộng không gian phát triển, tạo động lực phát triển mới.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cũng yêu cầu các địa phương phải xây dựng các tiêu chí thu hút dự án đầu tư, nhất là các dự án đầu tư FDI theo hướng ưu tiên dự án công nghệ cao, dự án có cam kết chuyển giao công nghệ, hỗ trợ và thúc đẩy liên kết các doanh nghiệp trong nước. “Không thu hút bằng mọi giá mà phải có định hướng rõ, có chuyển dịch gắn kết kinh tế trong nước”, Bộ trưởng nêu rõ.

Đối với nông nghiệp, phải phát triển nông nghiệp hiệu quả cao, nông nghiệp hữu cơ gắn với sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm để nâng cao giá trị gia tăng và mang lại lợi ích lớn hơn cho người nông dân…

Chuyên đề