Trông đợi gì từ việc thoái vốn nhà nước?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Đã có những chuyển động trong việc bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Nhiều ý kiến cho rằng, cần đổi mới cách thức thực hiện và quy trách nhiệm người đứng đầu để đẩy mạnh hoạt động này trong thời gian tới. 
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Đầu tháng 11 vừa qua, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đã tổ chức thành công phiên bán đấu giá trọn lô hơn 44,2 triệu cổ phần của Vocarimex do Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) sở hữu. Giá khởi điểm của lô cổ phần được tổ chức đấu giá quy định là 1.255.617.960.000 đồng/lô cổ phần.

Kết quả, lô cổ phần đã được bán cho nhà đầu tư tổ chức với giá đấu thành công là 1.255.618.960.000 đồng (cao hơn 1 triệu đồng so với giá khởi điểm).

Việc chào bán cổ phần của Vocarimex nằm trong lộ trình cơ cấu lại danh mục đầu tư của SCIC tại các doanh nghiệp không cần nắm giữ cổ phần theo chủ trương của Chính phủ, qua đó thúc đẩy quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước để tập trung vào những khâu, công đoạn then chốt của nền kinh tế.

Trước đó, Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam (Vinachem) công bố sẽ chuyển nhượng toàn bộ hơn 15,14 triệu cổ phần DGC (tương đương 8,85% vốn) theo phương thức giao dịch khớp lệnh tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE). Mức giá khởi điểm được công bố là 152.100 đồng/CP. Thời gian giao dịch dự kiến thực hiện theo phương thức khớp lệnh từ 8/11 - 7/12/2021.

Trong thông báo trình Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp về Đề án tái cơ cấu giai đoạn 2021 - 2025, Vinachem cho biết có kế hoạch bán cổ phần tại một số công ty thành viên ngay trong năm 2021 với quy mô thoái vốn vào khoảng 3.000 tỷ đồng.

Trước đó, trong quý II/2021, SCIC công bố danh sách 88 doanh nghiệp dự kiến bán vốn năm 2021. Một số doanh nghiệp trong danh sách này gồm: thoái 36% vốn tại Tổng công ty (TCT) CP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn - Sabeco (SAB), 50,7% vốn tại TCT CP Bảo Minh (BMI), 40,7% vốn TCT Licogi - CTCP, 63,38% vốn TCT Thủy sản Việt Nam (Seaprodex, mã SEA), 36,3% vốn Vocarimex (mã VOC), 37% vốn Nhựa Tiền Phong (mã NTP), gần 6% vốn FPT, 53,5% vốn Vinatex (mã VGT)…

Để đẩy nhanh tiến độ thoái vốn, mới đây, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi SCIC yêu cầu tập trung triển khai thoái vốn tại 3 doanh nghiệp là: Tập đoàn Bảo Việt (BVH), Tổng CTCP Bảo Minh (BMI) và CTCP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (NTP) đảm bảo đúng các quy định của pháp luật.

Tiền thu từ thoái vốn tại 3 doanh nghiệp nêu trên nộp về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp trước ngày 20/12/2021 để nộp ngân sách nhà nước.

Đó là những thông tin tích cực cho thấy hoạt động bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã có những chuyển động sau một thời gian gần như “giậm chân tại chỗ”, từ đó có thể kỳ vọng khả năng thoái vốn tích cực trong thời gian tới.

Liên quan nội dung này, thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV vừa qua, Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, trong thời gian tới, Chính phủ cần quan tâm đẩy mạnh cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp, có quy trách nhiệm của người đứng đầu trong việc chậm cổ phần hóa thì mới có thể tiến trình cổ phần hóa thuận lợi.

Còn theo đại biểu Nguyễn Thành Trung (Yên Bái), năm 2021, nền kinh tế nước ta chịu nhiều tác động tiêu cực do đại dịch Covid-19, khiến cho thu thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạt khoảng 1 nghìn tỷ đồng, bằng 2,5% so với kế hoạch, điều này có ảnh hưởng đến việc triển khai các nhiệm vụ của ngân sách trung ương. Do đó, cần nghiên cứu các biện pháp đổi mới cách thức thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, nhất là các biện pháp liên quan đến xác định giá trị quyền sử dụng đất, tài sản cố định, thương hiệu, giá trị truyền thống của doanh nghiệp cổ phần hóa để bảo đảm hoàn thành mục tiêu đề ra.

Tại Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 đã được Quốc hội biểu quyết thông qua tại kỳ họp vừa qua, một trong những nhiệm vụ, giải pháp đặt ra là: cần sớm hoàn thành phê duyệt và quyết liệt triển khai đề án cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021 - 2025; đẩy mạnh thực hiện kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp và sắp xếp lại, nâng cao hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập; củng cố, phát triển một số tập đoàn kinh tế nhà nước có quy mô lớn, hoạt động hiệu quả, có khả năng cạnh tranh.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư